Phụ cấp ít ỏi, trong khi công tác vận động, tuyên truyền cần phải thường xuyên, liên tục, vậy mà người phụ nữ Raglai có hoàn cảnh kinh tế chưa đủ đầy, đã 23 năm liên tục gắn bó với công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), ấy là bà Mấu Thị Cành, 59 tuổi, trú xóm Suối Hai, thôn Giải Phóng xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh).
Bản thân chỉ học đến lớp 5, cùng lúc nghĩ mình cũng như nhiều chị em trong xóm trót sinh nhiều con và e sợ thế hệ sau cũng sẽ ít chữ, khổ thân như lớp người trước; vào năm 2000, khi được cán bộ địa phương vận động làm cộng tác viên (CTV) dân số, bà bằng lòng dù biết tuổi mình đang gần 40 mùa rẫy.
Xóm Suối Hai, địa bàn nơi bà Cành phụ trách, hiện nay có 319 hộ, 1.566 khẩu, hầu kết là đồng bào dân tộc Raglai. Những năm đầu tham gia công tác bà rất bối rối, bởi bà con đằng mình thường mong hàng ngày là có thức ăn đầy bụng, mặc lành và ấm là được, còn chuyện sinh con đẻ cái lại phó thác cho tự nhiên. Bên cạnh đó, đường sá đi lại khó khăn; hàng ngày, thậm chí nhiều ngày mọi người đều theo nương, bám rẫy; công cụ truyền thông rất khiêm tốn; sự hỗ trợ của địa phương hạn chế. Nhưng với tinh thần chịu khó, chịu khổ; cộng với vốn liếng kiến thức chuyên môn của bà chỉ là những lớp tập huấn ngắn ngày về DS; cùng với những xấp tờ rơi, vài tập tranh lật. Bà đã ngược xuôi, đi về hết gia đình này đến cụm liên gia khác, để thuyết phục làm sao cho các cặp vợ chồng tuổi sinh đẻ hiểu rằng, con đông không chỉ là bị thiếu đói, vất vả, thất học mà con nguy cơ xảy ra các tai biến, bệnh tật bởi do người phụ nữ mang thai, sinh đẻ nhiều lần. Chưa hết, bà còn phải tranh thủ tiếng nói ủng hộ của già làng, người uy tín trong dòng tộc, cộng đồng về sự cần thiết phải thực hiện DS-KHHGĐ.
Bà Mấu Thị Cành - Cộng tác viên Dân số xã Cam Phước Đông (giữa) tư vấn cho chị em phụ nữ về dân số và phát triển
Bà Mấu Thị Cành - CTV DS xã Cam Phước Đông chia sẻ: “Lần đầu chưa quen, có nhiều người thương mình, cũng có lúc nhiều người không có thương, họ nói là hai vợ chồng người ta sinh đẻ đâu có bắt chị nuôi, mà cứ một tuần hoặc là hai tuần dì cũng tới thăm, tôi cũng thấy khó chịu chứ. Rồi mình mới nghĩ lại trong bụng mình cũng mắc cỡ, mắc cỡ mình cũng đi. Cứ sáng đi làm hoặc đi thả bò, dê là cở 3 giờ đi tới 6 giờ về nhà, đi từng nhà nói chuyện, tối đêm cũng đi cực khổ, tại vì Nhà nước giao, công việc phải trách nhiệm đi vận động”.
Bà con thuộc địa bàn bà quản lý có rất nhiều người không biết đọc tờ rơi tuyên truyền, chỉ hiểu được trên hình ảnh minh họa do bà hoặc người khác diễn giải. Tình trạng đẻ sớm, đẻ dày, đẻ nhiều theo suy nghĩ “trời sinh voi sinh cỏ”; cộng với phong tục, tập quán lạc hậu còn nặng nề trong cộng đồng, làng tộc. Khó khăn chồng chất khó khăn là vậy, nhưng bù lại với tấm lòng nhiệt huyết và lời nói dịu dàng, câu từ dễ hiểu phù hợp cho từng giới tính, độ tuổi, hoàn cảnh; từ đó bà đã làm chuyển đổi suy nghĩ, hành vi của đối tượng mình cần vận động. Cặp vợ chồng nào nên áp dụng biện pháp tránh thai gì cho phù hợp, trường hợp nào nên đình sản, được bà vận dụng từ những lớp tập huấn chuyên môn, cũng như do cán bộ y tế, DS xã Cam Phước Đông hướng dẫn.
Bà Mấu Thị Cành chia sẻ thêm: “Tới năm 2006, mấy chị em phụ nữ mới hiểu biết tôi, có nhiều người thấy tôi vô rồi cười, nói chuyện tôi rất thương chị Cành, không có như lúc trước nữa. Nhiều người nói chỉ sinh 2 con để đi làm tử tế, thoải mái; về tới nhà nhiều con thấy mệt. Đẻ 2 con, vợ đi làm, chồng cũng đi làm, về tắm rửa rồi dắt con đi chơi. Bữa nay, phụ nữ trước không đẻ con nữa, còn phụ nữ sau này đẻ 1 đến 2 con; thấy đỡ, giảm rồi”.
Nhận thức của người dân sinh đông con đã đỡ, giảm. Theo yêu cầu nhiệm vụ, bà Cành lại tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về “nói không với tảo hôn và kết hôn cận huyết thống”. Vận động người dân tham gia đầy đủ các buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; tích cực hưởng ứng các đợt đưa chiến dịch sức khỏe sinh sản về xã khó khăn, các hoạt động nâng cao chất lượng dân số. Thực hiện tầm soát, sàng lọc lúc mang thai, ngay sau khi sinh con nhằm phát hiện một số dị tật, bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh để có hướng xử trí, điều trị kịp thời giúp giảm gánh nặng về sau cho gia đình và xã hội.
Với thành tích trong hoạt động công tác DS và phát triển, cùng với các hoạt xã hội góp phần vào việc giữ gìn bản sắc dân tộc, bà Mấu Thị Cành đã được UBND thành phố Cam Ranh tặng Giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác DS năm 2005; thành tích 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số (giai đoạn 2003 - 2013). Năm 2011 bà được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Dân số”. Năm 2019 được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển các dân tộc”
Là người trưởng thành tại địa phương và cũng là người quản lý trạm, Bác sĩ CKI. Nguyễn Thị Trang - Trưởng trạm Y tế xã Cam Phước Đông có nhận xét về người CTV DS tích cực này: “Bà Mấu Thị Cành, ở thôn Giải Phóng tham gia làm CTV DS và phụ trách địa bàn xóm Suối Hai, qua hơn 23 năm làm CTV, bà đã âm thầm đóng góp không biết bao nhiêu công sức cho công tác DS tại địa bàn. Bà quản lý tốt di biến động DS; thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, tư vấn về công tác DS bằng cái tâm, cái tình với lời trao đổi thuyết phục, khéo léo, tế nhị không chỉ để riêng chị em phụ nữ hiểu, mà cho những người chồng cũng hiểu và tự thực hiện. Trước đây, xóm Suối Hai có tỉ lệ sinh con thứ 3 cao, thậm chí cặp vợ chồng có đến đứa con thứ 5, thứ 6; nhưng hiện nay nhiều năm liền, nơi đây chỉ vài, ba người sinh con thứ 3. Ngoài ra, các mục tiêu, Chương trình, Đề án về nâng cao chất lượng DS, DS và phát triển, tầm soát trước và sau sinh đưa về triển khai địa bàn xóm Suối Hai, đều được bà con hưởng ứng, tham gia. Gương hoạt động của bà Cành đã tác động tích cực cho 21 CTV toàn xã. Chúng tôi thầm cảm ơn bà, người CTV DS luôn tâm huyết với nghề”.
Hiện nay bà Mấu Thị Cành sắp bước vào cái tuổi lục tuần, nhưng tâm huyết về công tác DS và phát triển ở bà, vẫn như ông mặt trời tỏa nắng ấm ban mai, lửa lồ ô bập bùng trong bếp và anh chị em CTV DS xã Cam Phước Đông hiện còn mong muốn bà chung cùng một nhịp gõ.
Hồng Dương