Trong 02 ngày, từ ngày 25-26/11, Đoàn giám sát công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2020 do bà Huỳnh Thị Phượng - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh làm trưởng đoàn, giám sát tại huyện Cam Lâm và Vạn Ninh.
Hiện nay, trên địa bàn 02 huyện có 2.662 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (Cam Lâm:1.382, Vạn Ninh: 1.280) Trong đó, 1.610 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, 593 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 90 cơ sở dịch vụ ăn uống… Thời gian qua, các huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thông qua việc ban hành các văn bản liên quan đến lĩnh vực bảo đảm ATTP; tăng cường tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các trường học, người dân nâng cao ý thức về công tác đảm bảo ATTP, chú trọng các đợt kiểm tra, giám sát… Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn một số khó khăn như: Nhân lực và trang thiết bị phục vụ công tác quản lý ATTP chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thiếu bộ kít xét nghiệm nhanh thực phẩm; cán bộ phụ trách ATTP tuyến xã chưa được đào tạo chứng chỉ lấy mẫu về ATTP nên không thể tiến hành kiểm tra nhanh các chỉ tiêu về ATTP…
Đoàn giám sát làm việc tại UBND huyện Cam Lâm
Đoàn làm việc của tỉnh cũng đã đi giám sát thực tế tại 04 cở sản xuất, chế biến thực phẩm tại xã Cam Hải Tây (cơ sở sản xuất xoài sấy và cơ sở sản xuất rau thủy canh); xã Vạn Phú (Chả cá Thuận, nước uống đóng chai). Qua giám sát, các cơ sở cơ bản thực hiện tốt các quy định về ATTP.
Đoàn giám sát tại cơ sở nước uống đóng chai, Vạn Phú, Vạn Ninh
Thay mặt đoàn giám sát, bà Huỳnh Thị Phượng ghi nhận các kiến nghị của địa phương để báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết. Đồng thời, đề nghị các huyện tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về bảo đảm ATTP; tích cực tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh ATTP; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ATTP cấp xã…
Đoàn giám sát tại cơ sở rau thủy canh Minh Hòa, Cam Hải Tây, Cam Lâm
Ban DCPL