Đó là mô hình dân vận khéo và cũng là đề tài sáng kiến kinh nghiệm của đồng chí Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Diên Điền được Uỷ ban nhân dân huyện Diên Khánh công nhận năm 2018 với nội dung “ Giúp đỡ và tìm việc làm tăng thu nhập cho người khuyết tật đang hưởng bảo trợ xã hội nhưng còn có khả năng lao động được”.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mô hình giúp đỡ người khuyết tật đã được nhiều tổ chức, cá nhân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong và ngoài địa bàn xã đã hưởng ứng rất tích cực, giúp đỡ những người khuyết tật có công ăn việc làm và thu nhập ổn định.
Chị Lữ Thị Xuân đang chằm nón và bán tạp hoá tại nhà
Đầu năm 2018, mô hình chỉ làm thí điểm tại Thôn Đông 3, xã Diên Điền với 8 người khuyết tật được giúp đỡ. Qua 2 năm hoạt động, đến nay mô hình đã giúp đỡ và hỗ trợ việc làm cho 27 người khuyết tật ở 6 thôn trên địa bàn xã. Đặc biệt, có những phụ nữ khuyết tật đơn thân, thuộc diện hộ nghèo nhưng được sự vận động và giúp đỡ của Ban chỉ đạo mô hình về phương tiện sản xuất, tinh thần và cách thức làm ăn, các chị đã có điểm tựa và tự vươn lên khẳng định chính mình, thoát nghèo bền vững, không còn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của gia đình và xã hội như chị Lữ Thị Xuân, thôn Đông 3, bị yếu liệt 2 chân, không đi đứng được, chỉ ngồi và làm việc bằng 2 tay. Được sự giúp đỡ của Mặt trận và các Hội đoàn thể, trao cho chị một chiếc xe máy 3 bánh và hỗ trợ vốn sản xuất, chị đã dùng phương tiện xe máy để vận chuyển vật liệu chằm nón lá và chuyên chở hàng hoá về mở một quán bán tạp hoá tại nhà, hàng tháng thu nhập bình quân của chị trên 3 triệu đồng;
Chị Đặng Thị Sâu, thôn Đông 1, bị yếu 2 chân, đi đứng rất khó khăn, phải dùng nạng chống, Mặt trận đã hỗ trợ xây cho chị một ngôi nhà Đại đoàn kết và hỗ trợ vốn sản xuất, đến nay cuộc sống của chị đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định nhờ vào chăn nuôi gà và sạp bán rau hành tại chợ thôn Đông.
Chị Đặng Thị Sâu đang bán hàng tại chợ
Giúp đỡ anh Lê Thảo, thôn Trung 3, bị mất một chân, hỗ trợ một máy may công nghiệp; chị Trần Thị nhiều, thôn Đông 2, bị yếu 2 chân, một máy sản xuất nhang ( hương)...
Anh Lê Thảo đang may đồ cho khách tại nhà
Chị Trần Thị Nhiều đang sản xuất hương bằng máy
Ngoài ra, thông qua mô hình dân vận khéo của Mặt trận, các cơ sở sản xuất, dịch vụ đã nhận dạy nghề và làm việc trả lương cho những người khiếm thính như những người bình thường.
MTTQ Việt Nam xã Diên Điền thường xuyên đi thực tế, sâu sát từng hoàn cảnh và nắm bắt tâm tư nguyện vọng cụ thể của từng người khuyết tật nên đã giúp họ hòa nhập với cộng đồng, tạo niềm vui trong lao động cho những người không may mắn, giúp họ tự tin và không bị mặc cảm trong cuộc sống, giúp cho gia đình và xã hội vơi bớt nỗi lo lắng, ưu phiền.
Cao Trung Nguyên