Qua khảo sát thực tế tại địa bàn khu dân cư và kết quả tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về xây dựng mô hình tự quản ở khu dân cư huyện Diên Khánh giai đoạn 2017 – 2019 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, trong 03 năm qua (giai đoạn 2017-2019), Mặt trận 19 xã, thị trấn trong huyện triển khai thực hiện được 61 mô hình tự quản ở khu dân cư. Bước đầu có 18 mô hình được đánh giá và ghi nhận có hiệu quả, trên cơ sở thực hiện 05 nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Cụ thể: Lĩnh vực giúp nhau phát triển kinh tế có 03/11 mô hình; Lĩnh vực an ninh trật tự có 05/10 mô hình; Lĩnh vực bảo vệ môi trường có 03/15 mô hình; Lĩnh vực thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh có 05/14 mô hình; Lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông có 01/02 mô hình; Lĩnh vực khác có 01/09 mô hình.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Diên Khánh tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm
xây dựng mô hình tự quản ở khu dân cư trên địa bàn huyện
Nhìn chung, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, thị trấn đã phối hợp cấp ủy Đảng, Chính quyền, các ngành, các tổ chức thành viên từ cấp xã đến Ban công tác Mặt trận thực hiện tốt công tác xây dựng các mô hình tự quản ở khu dân cư huyện Diên Khánh; nội dung, hình thức, phương thức triển khai mô hình phù hợp; đánh giá được những thuận lợi, khó khăn có tác động và ảnh hưởng đến việc xây dựng mô hình tự quản, qua đó đã truyền tải khái quát tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Để đạt được những kết quả đó, MTTQ các cấp trong huyện đã tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng và sự nhiệt tình tham gia. Từng cộng đồng dân cư đã thể hiện được tính tự quản tham gia xây dựng mô hình. Qua đó, Mô hình có tác động trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư và địa phương; Có sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Tuy nhiên, trong xây dựng mô hình cũng có những hạn chế, tồn tại như công tác tuyên truyền vận động đến các tầng lớp nhân dân chưa sâu rộng nên nhận thức một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế, người dân chưa khẳng định rõ nét là chủ thể tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới; Sự đồng tình hưởng ứng và tham gia của các tầng lớp nhân dân chưa cao; thành phần tham gia còn quá ít; Số lượng các mô hình còn ít nên chưa tác động nhiều trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư và địa phương; Sức lan tỏa của mô hình trong cộng đồng còn yếu, một số mô hình có nguy cơ không duy trì được hoạt động; Quyền làm chủ của nhân dân trong một số hoạt động đôi khi còn nặng hình thức.
Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về xây dựng mô hình tự quản ở khu dân cư huyện Diên Khánh giai đoạn 2017 – 2019 đã tổng kết kinh nghiệm triển khai xây dựng mô hình tự quản của Mặt trận cấp xã và Ban công tác Mặt trận, đó là: Duy trì thường xuyên công tác tham mưu, báo cáo về xây dựng hiệu quả hoạt động từ các mô hình tự quản cho Đảng ủy, Chi bộ; về sự phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện của Chính quyền từ cấp xã đến cấp thôn; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã cần tăng cường hướng dẫn và trực tiếp tổ chức thực hiện với Ban công tác Mặt trận theo đúng quy trình; khảo sát thật kỹ về thực trạng, hiện trạng; về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tình hình Quốc phòng - an ninh của khu dân cư để xây dựng nội dung, hình thức, phương thức triển khai xây dựng mô hình phù hợp; đẩy mạnh việc tăng cường hướng dẫn, phối hợp giữa Mặt trận với các ngành và các tổ chức thành viên từ cấp xã đến Ban công tác Mặt trận trong xây dựng mô hình tự quản; lựa chọn mời người có uy tín, có kiến thức trong sản xuất, trong đời sống xã hội để tham gia lãnh đạo các mô hình, thông qua đó tập hợp được nhiều người tham gia.
Có thể kể đến các mô hình đạt hiệu quả thiết thực như: Mô hình “Tổ tuần tra nhân dân” của Mặt trận Diên An: Là mô hình với quy mô thực hiện trong toàn địa phương, là kết quả của việc phối hợp duy trì và nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng tham gia bảo vệ ANTQ theo Nghị quyết liên tịch số 01/2001/NQLT, ngày 04/12/2001; Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW, ngày 01/8/2013 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”; mô hình “Vận động nhân dân bỏ rác thải đúng ngày giờ thu gom và đúng nơi quy định” của Mặt trận Diên Điền: Là mô hình với quy mô thực hiện trong toàn địa phương, là kết quả của việc xác định công tác bảo vệ môi trường là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân ở khu dân cư; nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, cùng nhau thực hiện tốt các nội quy, quy định về bảo vệ môi trường; mô hình “Tự quản về an ninh trật tự” của Mặt trận Suối Hiệp: Là kết quả của phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, với quy mô thực hiện trong phạm vi nội bộ khu dân cư, mô hình quy tụ được những thanh niên là con em trong các gia đình, ban ngày đi làm, ban đêm thay phiên nhau canh gác, tuần tra theo các con đường ra vào khu dân cư để theo dõi, phát hiện những biểu hiện và hành động vi phạm pháp luật kịp thời báo cáo ngành chức năng xử lý; mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp” của Mặt trận Diên Thọ: Là kết quả của việc vận động, phát động nhân dân trong khu dân cư trồng cây xanh bóng mát cổng nhà, sân vườn, trồng hoa dọc theo tuyến đường, góp phần làm cho đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp; mô hình “Tổ tự quản giúp nhau giảm nghèo” của Mặt trận Diên Xuân: Là kết quả của phong trào Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng, với quy mô hoạt động chỉ là một nhóm nhỏ trong khu dân cư (31 thành viên), các thành viên trong Tổ tự giúp nhau về vốn và sử dụng có hiệu nguồn vốn vay của NH.CSXH để nuôi bò sinh sản. Qua 02 năm (2018 và 2019) tham gia mô hình, có 28 thành viên là hộ nghèo năm 2018 thoát ra cận nghèo năm 2019 và 11 thành viên thoát nghèo năm 2020; mô hình “Nhóm đồng bào dân tộc phòng, chống bạo lực gia đình” của Mặt trận Diên Tân: Là mô hình được tiếp nối từ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã năm 2018, Mặt trận xã đã duy trì tốt hoạt động; luôn chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, truyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện nếp sống văn minh, không tham gia các tệ nạn xã hội, không duy trì các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; hòa giải thành công những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ gia đình, góp phần thực hiện tốt Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa theo nội dung 02 và Đoàn kết chấp hành pháp luật theo nội dung 04 của Cuộc vận động.
Các mô hình tự quản ở khu dân cư Diên Khánh do Mặt trận các cấp xây dựng, duy trì hiệu quả, không chỉ chuyển tải chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện và cấp ủy, chính quyền địa phương tới người dân mà còn là cơ sở để thực hiện tốt các phong trào, các nhiệm vụ chính trị của địa phương, phát huy tốt dân chủ, tạo sự đồng thuận và gắn kết trong cộng đồng dân cư. Chính vì vậy những kinh nghiệm trong xây dựng mô hình tự quản tại huyện Diên Khánh đã được tổng kết và cần nhân rộng trong thời gian tới. Và phải xem việc xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình tự quản ở khu dân cư là một nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và có ý nghĩa rất quan trọng trong hệ thống Mặt trận.
Để việc nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả có chất lượng, tập trung vào vấn đề cốt lõi, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã đã đề ra phương hướng triển khai nhân rộng mô hình tự quản thời gian đến đó là:
- Mặt trận các cấp trong huyện cần tích cực triển khai xây dựng mô hình tự quản ở khu dân cư theo Kế hoạch số 148/KH-MTTQ-BTT, ngày 07/7/2017 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa; Kế hoạch số 736/KH-MT, ngày 10/7/2017 về thực hiện điểm trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” huyện Diên Khánh giai đoạn 2017 - 2020 và Hướng dẫn số 786/HD - MT, ngày 20/10/2017 về quy trình triển khai và đánh giá kết quả các mô hình của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Diên Khánh.
- Khảo sát và đánh giá thật kỹ về thực trạng, hiện trạng của khu dân cư để xác định nội dung mô hình phù hợp với thực tế đời sống của bà con nhân dân, là cơ sở để xây dựng kế hoạch, hình thức, phương thức triển khai phù hợp.
- Tăng cường công tác tuyên truyền vận động để có sự đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân; thu hút và mở rộng thật nhiều thành phần, đối tượng tham gia mô hình tự quản.
- Thường xuyên tổ chức hoạt động trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu trên hệ thống Truyền thanh về những cách làm hay, mô hình có hiệu quả để nhân rộng trong khu dân cư và toàn địa phương; đồng thời biểu dương gương điển hình tập thể và cá nhân trong việc tham gia mô hình tự quản vào dịp tổng kết công tác Mặt trận, trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm.
- Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đưa nhiệm vụ xây dựng mô hình tự quản vào chỉ tiêu thi đua từ năm 2020, để các xã, thị trấn phấn đấu, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản.
Việc tổng kết và nhân rộng cách làm hay, mô hình có hiệu quả trên địa bàn huyện Diên Khánh theo Thông tri số 10/TTr-MTTW-BTT, ngày 08/7/2016 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã góp phần củng cố và phát huy Khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền dân chủ, tính tự quản, tinh thần sáng tạo của nhân dân tại khu dân cư để mọi người hưởng ứng và tích cực tham gia thực hiện 05 nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa Mặt trận với các tổ chức thành viên trong thực hiện Cuộc vận động đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân ở địa bàn dân cư về tham gia xây dựng nông thôn mới.
Anh Tuấn