Sáng 23-10, tại Khu lưu niệm Di tích lịch sử tàu C235 (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Khánh Hòa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 - 23-10-2021). Dự lễ có các ông: Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Hồ Văn Mừng - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang cùng các vị nguyên là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Học viện Hải quân cùng các đại biểu là cán bộ, chiến sĩ tham gia đường Hồ Chí Minh trên biển và chính quyền, nhân dân địa phương.
|
Tại lễ kỷ niệm, đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn đại biểu các lực lượng vũ trang tỉnh, đoàn đại biểu của TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Trường Sa, đoàn cựu chiến binh “Đoàn tàu không số” và đoàn đại biểu xã Ninh Vân đã dâng hương, dâng hoa tại Khu lưu niệm Di tích lịch sử tàu C235. Trong chương trình, Ban tổ chức đã thực hiện nghi lễ thả hoa trên biển tri ân, các anh hùng, liệt sĩ tàu C235 đã hy sinh tại bến Hòn Hèo và các anh hùng, liệt sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy đã tặng quà cho các đại biểu từng tham gia các chuyến tàu không số chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam theo đường Hồ Chí Minh trên biển và lực lượng đón tàu tại bến Hòn Hèo hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh; Bộ Quốc phòng và Quân khu V cũng ủy quyền cho Thường trực Tỉnh ủy trao quà tặng cho một số đại biểu từng tham gia đường Hồ Chí Minh trên biển.
|
|
|
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh đã điểm lại những dấu mốc quan trọng trong lịch sử hào hùng đường Hồ Chí Minh trên biển; tri ân sự cống hiến, hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ và lực lượng phục vụ bến. Theo đó, ngày 23-10-1961, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn Vận tải biển 759 để chi viện vũ khí cho chiến trường Nam bộ và Nam Trung bộ, hình thành nên đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong suốt 14 năm hoạt động, đường Hồ Chí Minh trên biển đã huy động 1.879 lượt tàu, thuyền vận chuyển 152.876 tấn vũ khí, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam và ngược lại. Các chiến sĩ Đoàn tàu không số đã hơn 30 lần trực tiếp chiến đấu với tàu địch, đánh trả hơn 1.200 lượt máy bay tập kích, bắn rơi 5 chiếc máy bay và bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch. Lữ đoàn 125 (tức là Đoàn 759 trước đây) đã 2 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều cá nhân và tàu được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển, trận chiến của tàu 235 tại vùng biển Hòn Hèo (xã Ninh Vân) ngày 1-3-1968 là một trong những trang sử oanh liệt nhất. Ngày đó, khi tàu 235 vào đến gần bến Hòn Hèo, địch đã huy động 7 tàu chiến, máy bay yểm trợ bao vây tấn công tàu ta. Cán bộ, chiến sĩ tàu 235 đã chiến đấu rất dũng cảm, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã ra lệnh hủy tàu để tránh rơi vào tay địch. 14 cán bộ, chiến sĩ tàu 235 đã hy sinh ở bến Hòn Hèo. Năm 1970, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; năm 2011 tàu C235 đã được tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có quyết định xếp hạng điểm lưu niệm tàu C235 đường Hồ Chí Minh trên biển tại xã Ninh Vân là Di tích lịch sử quốc gia. Ngày 20-10-2016, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, UBND tỉnh đã tổ chức lễ khánh thành Khu lưu niệm Di tích lịch sử tàu C235.
|
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh: Những thành tích và bài học kinh nghiệm về đường Hồ Chí Minh trên biển là di sản vô cùng quý báu phải được giữ gìn và tiếp tục phát huy trong những điều kiện mới. Tỉnh Khánh Hòa có bờ biển dài và nhiều đảo, đặc biệt là Trường Sa là nơi có vị trí kinh tế, an ninh - quốc phòng đặc biệt quan trọng của cả nước. Trước mắt, các cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, tầm quan trọng biển, đảo; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo.
Theo Báo Khánh Hòa