Thời gian qua, đã có không ít vụ tai nạn tàu thuyền do mưa bão trên biển, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Các chuyên gia đưa ra một số chỉ dẫn chuyên môn cho tàu thuyền hoạt động an toàn, nhằm tránh và giảm thiểu thiệt hại do sóng gió, mưa bão gây ra.
Khi có tin bão xa
Khi nhận được tin bão xa, các tàu thuyền hoạt động trên biển phải thường xuyên theo dõi vị trí, hướng di chuyển của bão từ hệ thống đài khí tượng thủy văn quốc gia hay những website của các trung tâm khí tượng uy tín trên thế giới dự báo tình hình bão trong 24 giờ tiếp theo; tác nghiệp lên bản đồ theo dõi bão để chủ động phòng tránh. Nếu không thể truy cập trực tiếp các website này thì có thể lấy thông tin gián tiếp qua hệ thống liên lạc vô tuyến thoại với đài bờ.
Tàu cá của ngư dân vào trú tránh bão ở âu tàu đảo Song Tử Tây.
Thuyền trưởng cần triển khai ngay những việc nhằm hạ thấp trọng tâm tàu bằng cách: Đưa các vật nặng, cồng kềnh trên boong xuống hầm tàu, vật không di chuyển được thì cần được cố định chặt, bảo đảm boong tàu thông thoáng hết mức; kiểm tra tình trạng hoạt động tàu từ hệ thống máy, lái, neo; tăng cường các biện pháp làm kín nước. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện chống thủng, chống chìm, các phương tiện cứu sinh; chằng buộc dây theo chiều dọc tàu để bảo đảm an toàn khi đi lại trong điều kiện sóng gió; sẵn sàng thu lưới (nếu có) khi cần thiết và chủ động đưa tàu thuyền trở về nơi tránh trú bão an toàn.
Khi nghe tin bão gần
Khi nghe tin bão gần phải thu lưới ngay, trường hợp khẩn cấp có thể cắt bỏ lưới; tìm mọi cách đưa tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn gần nhất trước khi bão tới. Thuyền trưởng phải xác định ngay vị trí của tàu so với vùng nguy hiểm mà bão có thể gây ra; tùy thuộc tình hình cụ thể, kịp thời cho tàu di chuyển vào bờ hoặc tránh xa vùng bão có khả năng đi tới; chuẩn bị tốt các dụng cụ thả dầu giảm sóng và các dụng cụ chống thủng để sử dụng khi cần; ưu tiên nguồn điện cho trang thiết bị thông tin, liên lạc; buộc chặt và kéo căng ăng ten dây với máy liên lạc tầm xa; cố định ăng ten với máy liên lạc tầm gần; giữ liên lạc thường xuyên với các đài trực canh ven bờ hoặc liên lạc với các cơ quan phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn ở Trung ương. Đồng thời, thường xuyên theo dõi hướng đi, tốc độ di chuyển của bão để quyết định hướng tàu sẽ chạy thoát ra khỏi vùng nguy hiểm về nơi trú đậu an toàn gần nhất.
Khi có tin bão khẩn cấp
Khi nghe tin bão khẩn cấp, thuyền trưởng phải nắm vững và luôn theo dõi thông tin về vị trí tâm bão, hướng đi của bão, khoảng cách giữa tâm bão và tàu, tốc độ di chuyển của bão; tìm cách đưa tàu ra khỏi vùng xoáy của bão và chạy vào nơi trú ẩn gần nhất. Đồng thời phải chuẩn bị ứng phó, phân công và bố trí thuyền viên vào vị trí cụ thể; kiểm tra, xác định các vật dụng trên boong đã chằng buộc chắc chắn, các nắp hầm đã chằng buộc chắc chắn và phủ bạt; chuẩn bị neo, dây neo tàu và các phương tiện cứu sinh ở trạng thái sẵn sàng sử dụng. Đặc biệt, phải yêu cầu tất cả thuyền viên trên tàu mặc áo phao cứu sinh; chuẩn bị các nguồn thực phẩm khô, nước uống, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Tàu ở khu neo đậu tránh bão
Khi ở khu neo đậu tránh bão, thuyền trưởng phải duy trì chế độ trực canh, trực nhật chặt chẽ để kịp thời phát hiện và xử lý khi neo bị rẽ hoặc đứt; luôn bảo đảm máy chính ở trạng thái sẵn sàng hỗ trợ cho neo khi cần thiết (khi neo không đủ khả năng chịu được sóng gió, dùng máy lái kết hợp cho tàu tiến ngược chiều gió để giảm lực căng của neo). Lưu ý, khi sóng to, gió lớn, thường thả 2 neo theo hình chữ V, neo lệch hoặc neo nối tiếp.
Điều động tàu chạy tránh bão
Trong buồng lái, ngoài thuyền trưởng, luôn phải có ít nhất 1 - 2 người có khả năng lái tàu cùng trực; trong hầm máy phải có ít nhất 2 người trực liên tục. Trong mọi trường hợp, thuyền trưởng không được lái hoặc để tàu trôi xuôi theo hướng gió vì sẽ bị cuốn vào gần tâm bão hơn. Trường hợp không may tàu mất khả năng điều động (do máy tàu bị hỏng hoặc do gãy trục, hỏng chân vịt) nếu thả được neo thì phải thả ngay; nếu độ sâu lớn thì cố định lái ở vị trí 0°, thả neo nổi (neo dù) để tàu trôi theo nước; phải liên lạc khẩn cấp với các tàu khác đặc biệt là tàu cùng tổ, đội đang ở trong khu vực và với đài trực canh ven bờ để được ứng cứu khẩn cấp.
Khi tàu thuyền nằm ở nửa bên phải hướng di chuyển của bão, tức là nửa vòng nguy hiểm nhất (nếu hướng gió đổi chiều từ trái sang phải, tức là theo hướng thuận chiều kim đồng hồ), thuyền trưởng cần nhanh chóng tăng hết tốc độ, đưa tàu rời xa tâm bão; tốt nhất nên điều khiển tàu chạy ngược gió, sao cho gió thực thổi vào mũi tàu lệch mạn phải một góc khoảng 30 - 450.
Khi tàu thuyền nằm ở nửa bên trái hướng di chuyển của bão, tức là nửa vòng ít nguy hiểm hơn (nếu hướng gió đổi chiều từ phải sang trái, tức là theo hướng ngược chiều kim đồng hồ), cần nhanh chóng cho tàu chạy ra xa tâm bão bằng cách điều khiển tàu chạy chếch gió sao cho gió thổi vào phía đuôi tàu lệch mạn phải một góc khoảng 140 - 1650; tiếp tục điều khiển tàu chạy theo hướng đó cho đến khi tàu đã gần ra khỏi vùng nguy hiểm.
Khi tàu thuyền nằm phía trước trên đường bão đang đi tới (nếu phát hiện thấy hướng gió hầu như không thay đổi, khí áp tiếp tục giảm, vận tốc gió liên tục tăng), phải điều khiển tàu chạy theo hướng sao cho gió thổi vào phía đuôi tàu lệch mạn phải, với tốc độ nhanh nhất để đưa tàu sang nửa bão bên trái, sau đó điều khiển tàu thoát khỏi vùng gió bão mạnh như nói trên.
Khi tàu bị cuốn vào gần tâm bão, mưa gió và sóng rất mãnh liệt, tầm nhìn xa bị hạn chế làm cho việc điều khiển tàu hết sức khó khăn, ở đó sẽ thực sự diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa con người và thiên nhiên. Trong điều kiện như vậy cần cố gắng giữ cho tàu ăn lái; dùng mọi biện pháp thả dầu xung quanh tàu ép sóng; giữ cho tất cả các lỗ thoát nước trên toàn bộ mặt boong chính lưu thông, không tắc nghẽn bất cứ chỗ nào; cố gắng giảm bớt diện tích hứng gió, bơm thêm nước dằn để tăng độ ổn định của tàu, khi cần có thể bỏ bớt hàng hóa trên boong. Đồng thời, lợi dụng khoảng thời gian tạnh mưa, ngừng gió khi tâm bão vừa đi qua, tích cực củng cố, chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp theo. Sau khi tâm bão đi qua, gió sẽ đảo chiều, tàu tiếp tục chịu sóng to, gió lớn, cần chú ý giữ cho tàu đón gió từ mạn phải mũi tàu, không để cho tàu mất chủ động khi sóng gió lại đột nhiên nổi lên.
Theo Báo Khánh Hòa