Ngày 28/11/2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Diên Khánh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án chuyển đổi ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Diên Khánh.
Tham dự hội nghị có các vị trong Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các Đoàn thể chính trị - xã hội; thành viên Ban tư vấn về Kinh tế, Văn hóa – Xã hội; Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp; lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện - Chủ đầu tư của Đề án; Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp Miền Trung - Đơn vị tư vấn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Văn Đông - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện nhấn mạnh trong những năm qua, phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như: sản xuất nông nghiệp hàng hóa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; mối liên kết “4 nhà” chưa cao; quá trình đô thị hóa tăng nhanh làm giảm diện tích đất nông nghiệp… Việc lập Đề án chuyển đổi ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của huyện Diên Khánh là nhiệm vụ hết sức quan trọng, giúp Ủy ban nhân dân huyện đánh giá đúng thực trạng phát triển ngành nông nghiệp của huyện trong những năm qua, đồng thời đề xuất kế hoạch và giải pháp cụ thể chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững đúng kế hoạch đã đề ra.
Tại hội nghị, đa số các vị đại biểu tham dự cơ bản thống nhất với bản dự thảo. Phát huy tinh thần dân chủ, tâm huyết, trách nhiệm, đại biểu đã tham gia ý kiến góp ý, phản biện vào dự thảo với các nội dung như: Đề án cần đánh giá sâu hơn thực trạng ngành nông nghiệp, tiềm năng, lợi thế, những bất lợi, tồn tại hiện nay của huyện; xem lại lộ trình định hướng thời gian phát triển quá nhanh, theo như thực tế khó thực hiện được; việc quy hoạch diện tích vùng chuyên canh cần xem xét; một số giải pháp cần cụ thể hơn như việc triển khai thực hiện Đề án, các chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, việc tiêu thụ, chế biến sản phẩm, bảo vệ môi trường; tập trung đầu tư vào các mô hình Hợp tác xã sản xuất có hiệu quả, từ đó rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng; có sự liên kết chặt chẽ “4 nhà” tránh tình trạng được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa…
Đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến đóng góp, sẽ nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện Đề án. Toàn bộ ý kiến sẽ được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổng hợp chuyển đến Ủy ban nhân dân huyện xem xét trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án.
Thái Hiếu