Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều cuộc giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền đạt những kết quả tích cực.
Giám sát các lĩnh vực được người dân quan tâm
5 năm qua, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã thực hiện 8 cuộc giám sát, nội dung tập trung vào các lĩnh vực được dư luận xã hội, người dân quan tâm như: Công tác tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công tại 8 huyện, thị xã, thành phố và 8 xã, phường, thị trấn; việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh tại 4 đơn vị cấp huyện và 4 đơn vị cấp xã; nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; cải cách hành chính về thuế, hải quan trên địa bàn tỉnh, thực hiện chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động; tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất gây ra tại khu dân cư; việc lấy ý kiến nhân dân trong triển khai thực hiện các dự án tại 6 xã, phường.
|
Qua giám sát, đoàn đã đưa ra kiến nghị, đề xuất đối với các cấp, ngành có liên quan và đơn vị, địa phương được giám sát để xem xét, tiếp thu và giải quyết kiến nghị. Điển hình như cuộc giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất gây ra tại khu dân cư các xã: Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Phước Đồng (TP. Nha Trang); huyện Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa. Tại thời điểm giám sát năm 2018, hầu hết các cơ sở sản xuất đều chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT). Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường về không khí, tiếng ồn, nước xả thải trong quá trình sản xuất vẫn xảy ra. Cụ thể, nước thải của các cơ sở sản xuất: Cụm Công nghiệp Đắc Lộc, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Công ty Nhôm Khánh Hòa, Công ty đánh bắt chế biến thủy sản Hoàng Sa và nước thải sinh hoạt của các hộ dân thôn Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương hàng ngày xả thải ra môi trường một lượng lớn đều tập trung về khu vực Bàu Dinh mà không có lối thoát. Một số cơ sở gây tiếng ồn, mùi hôi trong khu dân cư như: Công ty sản xuất đồ hộp Khavanfoot, cơ sở cơ khí Đại Phát (Diên Khánh)… Tại những nơi giám sát, lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh yêu cầu lãnh đạo địa phương, các ngành cần tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong BVMT đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn và kiểm tra trách nhiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước về môi trường của UBND cấp xã; Mặt trận và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức nhằm từng bước cải thiện và nâng cao ý thức BVMT của người dân…
Ngoài ra, đoàn giám sát đã kiến nghị tỉnh tăng cường công tác quản lý các nguồn nước thải, nhất là nước thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tiếp tục ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, nước thải. Các huyện, thị xã thường xuyên rà soát, củng cố, nâng cao năng lực công tác quản lý nhà nước về BVMT, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, cơ quan chuyên môn, UBND các xã tiến hành kiểm tra, xem xét, có biện pháp khắc phục, xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế trong BVMT...
Song song đó, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã chủ trì giám sát 20 cuộc; Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện chủ trì giám sát 93 cuộc, nội dung giám sát tập trung tất cả các lĩnh vực văn hóa - xã hội; MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn tổ chức và chủ trì giám sát 811 cuộc…
Chú trọng công tác phản biện xã hội
Cùng với việc triển khai các hoạt động giám sát, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã tích cực thực hiện công tác phản biện xã hội, tham gia góp ý vào các dự thảo chủ trương, chính sách, kế hoạch, dự án, đề án và các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh cũng tổ chức phản biện nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên của tổ chức mình. Qua đó, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổng hợp các ý kiến và kiến nghị với các cơ quan soạn thảo văn bản; đa số các ý kiến góp ý được cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý.
5 năm qua, các tổ chức chính trị - xã hội và MTTQ các cấp đã tổ chức được 92 buổi đối thoại về những vấn đề bức xúc trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, liên quan đến quyền và lợi ích của người dân như: việc giải tỏa, đền bù, tái định cư của một số dự án, quy hoạch treo, xây dựng trái phép tại địa phương, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xử lý rác thải…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát, phản biện xã hội còn gặp nhiều khó khăn do các cơ quan chưa cung cấp các dự thảo văn bản để Mặt trận tổ chức phản biện; một số hình thức tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền chưa được triển khai thực hiện… Để khắc phục những tồn tại trên, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh kiến nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm, thời hạn gửi dự thảo văn bản đề nghị phản biện xã hội và giải trình, tiếp thu; đặc biệt, các cơ quan liên quan cần thực hiện nghiêm túc việc phản hồi, trả lời việc thực hiện và giải quyết kiến nghị giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, chính quyền các cấp cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội; chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành hàng năm sớm thông báo và gửi dự thảo các nội dung văn bản đề nghị MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phản biện, để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có kế hoạch chủ động thực hiện.
Theo baokhanhhoa.vn