Tỉnh đoàn vừa có kế hoạch tổ chức chương trình truyền hình thực tế “Cuộc đua khởi nghiệp” tỉnh Khánh Hòa năm 2020 nhằm triển khai các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Bùi Hoài Nam - Bí thư Tỉnh đoàn về vấn đề này.
- Xin ông cho biết một số nội dung cơ bản của chương trình?
- Chương trình nhằm cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp; tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ thanh niên đổi mới, sáng tạo, tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; phát huy vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên trong học tập, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ... Nội dung chương trình xoay quanh các mô hình hay và hoạt động nghiên cứu khoa học trong đoàn để nâng cao trình độ chuyên môn, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp.
Đối tượng tham gia chương trình là thanh niên đang sinh sống và làm việc tại Khánh Hòa, độ tuổi tối đa không quá 35 tuổi. Cụ thể, đối với sinh viên, nội dung tham gia là các sáng kiến, công trình nghiên cứu khoa học, áp dụng ngành nghề được đào tạo để lập đề án khởi nghiệp hiệu quả; trình bày những sản phẩm kinh doanh và các ý tưởng khởi nghiệp hoặc các dự án đã thực hiện và mong muốn kêu gọi vốn để phát triển thương hiệu. Đối với thanh niên đô thị, nội dung tham gia là các ý tưởng, sáng kiến trong việc bảo vệ môi trường; xây dựng môi trường, cảnh quan đô thị, giao thông, cơ sở hạ tầng; xây dựng đời sống văn hóa; giữ gìn trật tự an ninh chính trị, phòng, chống các tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; xây dựng những dự án, đề án, ý tưởng khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh có tính khả thi trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, y tế... Với đối tượng thanh niên nông thôn là các ý tưởng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các sáng kiến trong việc chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp về cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao; cải tiến, sáng chế máy móc, công cụ lao động phục vụ, hỗ trợ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; áp dụng các công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, công nghiệp bảo quản, chế biến, làng nghề, thiết bị nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, du lịch nông thôn...; các ý tưởng, giải pháp, mô hình có thể áp dụng triển khai hiệu quả nhằm thu lại lợi nhuận, thu nhập cho bản thân và tạo cơ hội việc làm cho thanh niên trên địa bàn.
- Chương trình sẽ được triển khai cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Chương trình có 4 vòng, gồm: Sơ loại, chinh phục, thử thách, chung kết. Trong đó, vòng sơ loại đang được triển khai bằng hình thức nhận hồ sơ trực tuyến các ý tưởng, sáng kiến của các thí sinh/nhóm thí sinh, thời gian dự kiến đến hết ngày 30-11. 15 đội có bài dự thi xuất sắc sẽ tham gia vòng chinh phục bằng cách thuyết trình dự án trước hội đồng giám khảo để chọn ra 8 đội xuất sắc vào vòng thử thách. Ở vòng thử thách, các đội thi được trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp; được hướng dẫn các quy trình, kỹ năng kinh doanh để biến ý tưởng thành hiện thực; trải nghiệm bán sản phẩm, dịch vụ tại các siêu thị, các kênh bán hàng, phân phối sản phẩm. Sau các vòng thi, 5 đội xuất sắc nhất sẽ tham gia vòng chung kết với các phần thi: Nhập vai xử lý tình huống do ban tổ chức đưa ra; trình bày ý tưởng sản phẩm, dịch vụ đã triển khai dưới nhiều hình thức trực quan sinh động, tái hiện kết quả đạt được sau khi hoàn thiện thực tế tại doanh nghiệp và các kênh bán lẻ, định hướng phát triển trong tương lai; thuyết phục kêu gọi vốn đầu tư từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Đây là chương trình do Tỉnh đoàn phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa triển khai. Chương trình sẽ được ghi hình, sản xuất và phát sóng trên truyền hình. Ngoài phần thưởng cho các đội đạt giải, các dự án tham gia vòng chung kết sẽ được ban tổ chức giới thiệu với các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ, tư vấn triển khai thực tế đối với các ý tưởng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Khánh Hòa