Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh em tại làng quê Cư Thạnh, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh; anh Trần Đức Mạnh - sinh năm 1962, sau khi tốt nghiệp phổ thông với niềm đam mê, anh đã theo học nghề cơ khí. Năm 1985, anh lập gia đình bao nhiêu vốn liếng vợ chồng anh gom vào để mua chiếc máy cày tay để làm đất phục vụ sản xuất nông nghiệp; nhưng hành trình vươn lên trong cuộc sống của gia đình anh gặp không ít trở ngại, thiếu may mắn, nhưng bằng sự nỗ lực bền bỉ, anh đã vượt lên tất cả những khó khăn, bệnh tật để đạt được những kết quả khiến mọi người phải khâm phục, trở thành tấm gương sáng và niềm cảm hứng cho mọi người noi theo
Đầu năm 2014, anh Mạnh bỗng dưng cảm thấy đau ran từng cơn co thắt khó chịu ở vùng bụng, Cơn đau cứ dai dẳng, quằn quại ngày càng nhiều hơn, sau một thời gian liên tục thay đổi các loại thuốc, bệnh tình của anh không những không thuyên giảm mà còn có chiều hướng nặng hơn. Điều đó khiến việc lao động hàng ngày của anh gặp rất nhiều khó khăn, sức khỏe xuống dốc trầm trọng.
Lo lắng, vợ con kiên quyết bắt anh đi bệnh viện khám. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, sau khi tiến hành các xét nghiệm, người nông dân đã ngã quỵ khi nghe bác sỹ thông báo bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối.
Cái tin sét đánh đó khiến cả vợ con anh cũng suy sụp, đặc biệt khi nghe bác sỹ cho biết bệnh tình anh như vậy nếu phẫu thuật cũng chỉ duy trì sự sống được vài năm. Bác sĩ đã khuyên gia đình nên “chuẩn bị tâm lý”, khiến gia đình anh càng lo lắng. Năm 2015, qua động viên của gia đình “Còn nước, còn tát” anh đã quyết định đi bệnh viện phẫu thuật và hóa trị. Với 12 lần hóa trị đã khiến cho kinh tế gia đình anh rơi vào cảnh khánh kiệt.
Nhìn cảnh vợ con nghèo khổ, thiếu ăn, làm đủ nghề để lo tiền cho những lần điều trị khiến anh suy nghĩ rất nhiều và tự hứa với lòng mình, khi nào có đủ sức khỏe sẽ làm kinh tế, kiếm tiền bù đắp lại cho vợ con. Bằng ý chí, nghị lực và sự quyết tâm, cuối cùng anh đã thực hiện được nguyện vọng của mình.
Vào những năm gần đây, trong sản xuất cây lúa, khâu thu hoạch đã được cơ giới hóa với tỷ lệ ngày càng cao. Giai đoạn đầu, khi sử dụng máy cắt xếp dãy để thu hoạch lúa, rơm được thu gom vào từng bó và dùng làm thức ăn gia súc, trồng nấm, phủ ngoài đồng ruộng cho một số cây trồng sau khi gieo trồng. Nhưng từ khi nông dân sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa, rơm được thải trực tiếp ra đồng ruộng sau khi đã bị băm nhỏ mà hầu như không được thu gom.
Vốn là thợ cơ khí lành nghề, cộng với niềm đam mê sáng chế, bằng ý chí và nghị lực của mình với bản chất cần cù siêng năng, anh động viên vợ cùng nhau vượt qua khó khăn ban đầu, quyết tâm tìm hiểu, nghiên cứu các công năng hoạt động, sáng chế chiếc máy hốt rơm “nội địa Việt Nam” để phục vụ cho người có nhu cầu, vừa đảm bảo túi tiền, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2016, anh bắt đầu nghiên cứu và chỉ sau 4 tháng đã hoàn thành chiếc máy đầu tiên “Máy xúc rơm đa năng” bằng sắt phế liệu. Để kiểm tra chất lượng của máy, những ngày đầu anh có dịp trình diễn trên các cánh đồng ở địa phương cùng các dòng máy ngoại (chiếc máy này đã bán cho nông dân ở Tây Ninh).
Cuối năm 2016, anh tiếp tục nghiên cứu chế tạo chiếc “Máy cuốn rơm bằng bánh xích” (chiếc máy này anh bán cho nông dân tỉnh Đắk Lắk). Năm 2017, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Khánh Hòa, anh Mạnh đã nghiên cứu chế tạo thành công chiếc “Máy cuốn rơm đa năng”. Kết quả, nông dân đánh giá máy của anh không thua kém gì máy Nhật, nguyên lý hoạt động của máy cuộn rơm do anh sáng chế là: Rơm rạ được hốt lên nhờ thiết bị cào phía trước, các thanh răng làm nhiệm vụ đưa rơm vào cho máy cuộn lại thành bánh, bánh rơm đủ khối lượng được nhả ra sau khi đã được buộc chặt; sản phẩm được Hội Nông dân Việt Nam cấp giấy chứng nhận “Chế tạo máy cuộn rơm và tận thu gốc rạ”.
Anh Mạnh bên chiếc máy cuốn rơm bằng dây xích
Hiện tại, anh đang nghiên cứu thử nghiệm chế tạo chiếc “Máy ép phế liệu”. Bằng phương châm “Vừa sản xuất vừa đầu tư”, gia đình anh đã có nguồn thu nhập ổn định; hàng năm với nguồn thu được từ bán máy và trồng trọt, gia đình anh đã thoát được khó khăn nghèo túng. Trong 5 năm qua, bình quân hàng tháng gia đình anh thu nhập trên 16 triệu đồng. Nhờ đó, anh có đủ điều kiện chăm lo cho các con hoàn thành bậc học cao đẳng, đại học và có công ăn việc làm ổn định.
Bên cạnh việc chú tâm phát triển kinh tế gia đình, anh còn tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, anh luôn đóng góp các khoản thu theo quy định đầy đủ và làm công tác từ thiện. Vì vậy, nhiều năm liền gia đình anh được bình xét gia đình văn hóa tiêu biểu và đề nghị biểu dương trong Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư; được Hội Nông dân xã công nhận là nông dân giỏi cấp xã, được bình xét là hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Anh vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa với danh hiệu “Trí thức tiêu biểu tỉnh Khánh Hòa”.
Phạm Ngọc Huân