Trong một số tài liệu và sách giáo khoa có in bức ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập vào 30/4/1975, trên xe tăng có lá cờ không phải cờ đỏ sao vàng. Tiếc rằng một số tài liệu và các sách giáo khoa chỉ in đen trắng, nên người đọc không thấy rõ. Đó là lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có màu nửa đỏ nửa xanh dương và có ngôi sao vàng ở giữa, quốc kỳ của Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lá cờ này, nhiều người thường quý mến gọi: Cờ giải phóng.
Trong bài thơ “Nước non ngàn dặm” của nhà thơ Tố Hữu, có một khổ thơ viết:
Lá cờ nửa đỏ nửa xanh
Màu đỏ của đất, màu xanh của trời
Ngôi sao, chân lý của đời
Việt Nam, vàng của lòng người hôm nay.
Càng nhìn ta, lại càng say
Biển Đông lồng lộng gió lay ngọn cờ...
Về chi tiết lá cờ này các phương tiện truyền thông nước ta cũng ít đề cập đến, nó chỉ xuất hiện ở những năm trở lại đây, nhất là khi công chiếu các thước phim tư liệu màu của nước ngoài quay, ta mới thấy rõ hơn về lá cờ này
Cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Cờ giải phóng) được sử dụng từ năm 1960 đến năm 1975. Đây là lá cờ lấy khuôn mẫu của quốc kỳ Việt Nam dân chủ cộng hòa, và chia một nửa màu đỏ để thay bằng màu xanh. Lá cờ có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương. Nửa phần trên đại diện cho miền Bắc đã độc lập. Nửa màu xanh dương tượng trưng cho miền Nam còn trong vòng kềm kẹp của Mỹ và chế độ Sài Gòn, song miền Nam đấu tranh cho khát vọng hòa bình, thống nhất (màu xanh hòa bình).
Ngày 30/4/1975, cờ giải phóng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, chính quyền Sài Gòn theo Mỹ hoàn toàn bị sụp đổ, đánh dấu sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thắng lợi đó cho thấy rõ vai trò to lớn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và thân sĩ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị, để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn Ngô Đình Diệm tay sai của Mỹ, thực hiện độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc...”
Nước ta sau đó, ở các trụ sở công quyền, trường học,... trong nghi lễ thường thấy hai lá cờ đứng cạnh nhau. Một lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam dân chủ cộng hòa, một lá cờ với ngôi sao vàng trên nền hai màu xanh đỏ - lá cờ của Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Sau Hội nghị hiệp thương, ngày 02 tháng 7 năm 1976, Quốc hội khóa VI quyết định thống nhất Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hòa miền Nam Việt Nam với tên gọi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chọn cờ đỏ sao vàng là quốc kỳ chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến ngày nay.
(Tổng hợp st)