Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh) là xã miền núi, có 1.465 hộ, 5.549 khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Raglai, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, phụ thuộc vào nước trời. Hiện nay, xã Cam Thịnh Tây có 630 trẻ em (TE) dưới 5 tuổi, chiếm tỉ lệ 11% dân số toàn xã. Hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng (SDD) TE trong nhiều năm qua được Cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị của xã quan tâm, tỉ lệ trẻ từ 0 đến 5 tuổi SDD tính theo cân nặng giảm hàng năm, cuối năm 2022 là 29,36%; song tỉ lệ trẻ SDD tính theo chiều cao vẫn còn dao động ở ngưỡng 40%.
Thực hiện các chương trình, dự án về Y tế - Dân số, cải thiện tình trạng dinh dưỡng TE trên địa bàn xã, ngoài sự tham mưu tích cực của Ban Chỉ đạo phòng chống SDD TE của xã và trạm y tế xã, Cam Thịnh Tây đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kéo giảm tỉ lệ SDD TE dưới 5 tuổi SDD cả hai thể cân nặng và chiều cao.
YS Hoàng Thị Bích Vân - Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Y tế xã Cam Thịnh Tây chia sẻ: “Trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em từ 0 đến 5 tuổi, trong đó làm tốt hoạt động phòng chống SDD sẽ góp phần đáng kể cho sự phát triển về thể lực và tinh thần ở trẻ, cũng như giúp hạn chế mắc một số bệnh do hậu quả của SDD gây ra. Vì vậy hàng năm, Trạm Y tế xã Cam Thịnh Tây chúng tôi xây dựng Kế hoạch phòng chống SDD trẻ em; phân công người chịu trách nhiệm chính; vận động sự tích cực tham gia của anh chị em cộng tác viên. Đồng thời viết bài tuyên truyền gửi phát trên đài truyền thanh xã và các hình thức tuyên truyền thích hợp khác; tư vấn cho phụ nữ mang thai, phụ nữ có con dưới 5 tuổi cách phòng tránh SDD bào thai và SDD cho trẻ. Tổ chức cân, đo, bổ sung vitamin A, tẩy giun định kỳ theo chỉ đạo của trung tâm y tế. Ngoài ra còn hướng dẫn các bà mẹ thực hành bữa ăn dinh dưỡng, khi có kinh phí hỗ trợ của chương trình, của thành phố và địa phương. Nhờ vậy, tỉ lệ TE dưới 5 tuổi SDD tính theo cân nặng của xã Cam Thịnh Tây giảm dần hàng năm; theo đó năm 2018 là 35,28%, năm 2022 xuống còn 29,36%”.
Công tác truyền thông luôn được các ngành, đoàn thể nhất là Hội LHPN và trạm y tế xã duy trì thường xuyên như: vận động phụ nữ khám thai định kỳ để theo dõi sự tăng trưởng của thai nhi, uống bổ sung viên sắt nhằm hạn chế tối thiểu sinh con thiếu cân (dưới 2.500gram); khuyến khích bà mẹ cho trẻ sơ sinh bú mẹ trong vòng 30 phút đầu sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và duy trì cho trẻ bú đến 24 tháng. Triển khai tốt công tác tiêm chủng mở rộng và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắc xin phòng ngừa cho đối tượng TE, cũng là một biện giúp trẻ ít mắc bệnh, từ đó giảm nguy cơ bị SDD. Hệ thống chính trị địa phương lồng ghép tuyên truyền nhận thức trong Nhân dân xóa bỏ hủ tục tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, kết hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên. Hàng năm, theo chỉ đạo của ngành Y tế cấp trên, trạm y tế xã còn tham mưu, phối hợp tổ chức tuyên truyền nhân “Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ”, “Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển”.
Cộng tác viên SDD xã Cam Thịnh Tây đo chiều cao cho trẻ em dưới 5 tuổi tại trạm y tế
Góp phần giảm tình trạng SDD TE độ tuổi từ 4 đến 5 tuổi đang theo học trường mầm non tại xã, cũng được ban giám hiệu nhà trường quan tâm, cô giáo Dương Thị Thu Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cam Thịnh Tây chia sẻ: “Trường Mầm non Cam Thịnh Tây cũng đã tham gia vào công tác phòng chống SDD, giảm SDD ở xã được thể hiện như sau: Các cháu đến trường được nuôi dưỡng, chăm sóc tại trường cả ngày; ăn bán trú; được chăm sóc, nuôi dưỡng theo Chương trình Giáo dục mầm non. Vào đầu năm, cháu được cân, đo; theo dõi cân, đo theo quy định hàng tháng và hàng quý. Tỉ lệ SDD trong 5 năm qua của các cháu Trường Mầm non Cam Thịnh Tây được giảm đáng kể; qua đó, nhà trường cũng giúp cho các cháu phát triển tốt về mặt thể chất, tinh thần. Và từ đó giúp trẻ phát triển một cách toàn diện đối với lứa tuổi mầm non. Lợi thế của Trường Mầm non Cam Thịnh Tây là đã được sự quan tâm của UBND xã, phối hợp của y tế xã”.
Cho biết về hoạt động phòng chống SDD trẻ em trên địa bàn xã thời gian qua và trong tương lai, bà Thị Chính - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe Nhân dân xã Cam Thịnh Tây nói: “Xã Cam Thịnh Tây có 98% đồng bào là người dân tộc Raglai, một số hộ gia đình có con dưới 5 tuổi kinh tế còn nhiều khó khăn, nên có mặt còn hạn chế về đa dạng bữa ăn cho trẻ. Công tác phòng chống SDD được Đảng ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các ngành, đoàn thể của xã tuyên truyền, hướng dẫn bà mẹ có con nhỏ, phụ nữ mang thai về dinh dưỡng, đây cũng là chỉ tiêu phấn đấu hàng năm của xã. UBND xã cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án chăm sóc sự phát triển toàn diện TE trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2022 - 2025, để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài sự đầu tư kinh phí, vật chất của nhà nước, còn có sự tích cực hoạt động của các tổ chức, các nhân, trong đó có sự đóng góp của Hội LHPN xã, trạm y tế, trường mầm non Cam Thịnh Tây, cùng đội ngũ cộng tác viên SDD ở các thôn. Tỉ lệ SDD TE từ 0 đến 5 tuổi trên địa bàn xã đang giảm hàng năm. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống SDD cho TE trên địa bàn xã, ngày một chất lượng và hiệu quả hơn”.
Với kết quả mà xã Cam Thịnh Tây đã đạt được trong thời gian qua, và hiện nay Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống SDD bà mẹ, TE nâng cao tầm vóc người Việt Nam” mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đang chuẩn bị triển khai; trong đó, thành phố Cam Ranh có xã Cam Thịnh Tây và thôn Giải Phóng, xã Cam Phước Đông. Hy vọng rằng trong tương lai không xa, tỉ lệ TE từ 0 đến 5 tuổi của Cam Thịnh Tây sẽ nhanh chóng đổi thay theo chiều hướng tốt.
Hồng Dương