|
Quang cảnh Hội thảo |
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đồng chủ trì hội thảo. Cùng tham dự hội thảo có đại diện của lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy và lãnh đạo MTTQ Việt Nam 15 tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung - Tây Nguyên.
|
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài nhấn mạnh, giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ rất quan trọng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội. Để phát huy vai trò là tổ chức liên minh chính trị, một thiết chế để kiểm soát quyền lực từ bên ngoài, tăng cường đoàn kết và đồng thuận trong nhân dân, là cơ sở chính trị của Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội phải thực hiện tốt hơn, nâng cao hơn chất lượng giám sát, phản biện xã hội. Chính vì thế rất cần thiết phải ban hành một chỉ thị của Ban Bí thư về công tác này.
Theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài, qua đánh giá thực trạng công tác giám sát, phản biện xã hội từ khi ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 Bộ Chính trị khóa XI đến nay, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định.
Trong đó phải kể đến nhiều nội dung chưa được qui định rõ, thường xuyên thay đổi, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao nhưng số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận và đoàn thể làm công tác giám sát, phản biện xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Cán bộ công chức chỉ được làm những điều pháp luật qui định, vì thế nếu thiếu qui định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền của cán bộ Mặt trận, đoàn thể chính trị- xã hội khi thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, thiếu qui định về trách nhiệm của cơ quan, người đứng đầu là đối tượng được giám sát thì không thể khắc phục được tính hình thức của giám sát, phản biện xã hội.
Bên cạnh đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trên một số mặt chưa sâu sát, văn bản lãnh đạo, hướng dẫn thì khá đầy đủ, nhưng thực hiện còn né tránh những vấn đề khó như giám sát cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đại biểu dân cử; thiếu sự chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu các tổ chức; chưa rõ trách nhiệm và nâng cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.
"Việc phân công, bố trí cán bộ, biên soạn tài liệu, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, các tổ chức chính trị- xã hội chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chương trình bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị chưa có qui định cứng về công tác giám sát, phản biện xã hội.”, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận và đánh giá về sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội thời gian qua; làm rõ sự phối hợp và trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thể chế nghị quyết, qui định của Đảng về giám sát, phản biện xã hội thành cơ chế, qui định của HĐND, UBND địa phương thành qui định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở địa phương trong phối hợp giám sát, phản biện xã hội; đặt nội dung phản biện xã hội; bảo đảm các điều kiện cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội bằng chế độ, mức chi cho giám sát, phản biện xã hội của từng cấp thông qua nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, mức cấp kinh phí hằng năm...;
Phối hợp với Mặt trận, tổ chức chính trị- xã hội trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội: tham gia ý kiến vào kế hoạch, chương trình giám sát, phản biện xã hội; cung cấp tài liệu, cử người tham gia hội nghị giám sát, phản biện xã hội…; Thực hiện tiếp thu và giải trình, phản hồi kiến nghị qua giám sát, phản biện xã hội, bằng các hình thức nào, đề xuất, kiến nghị.
Đại biểu tham dự cũng đánh giá tác dụng của việc xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của UBMTTQ các cấp hằng năm trong việc chọn nội dung giám sát trọng tâm, không dàn trải; đã rõ việc chủ trì, rõ việc phối hợp chưa, có nội dung chủ động từng cấp, có nội dung làm thống nhất trong toàn quốc, khắc phục trùng chéo; rõ theo kế hoạch, rõ đột xuất mà kế hoạch chưa đề cập đến. Đề xuất bổ sung tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội.
Đánh giá việc lựa chọn thực hiện 4 hình thức giám sát, 3 hình thức phản biện xã hội phù hợp với nội dung giám sát, phản biện xã hội; tác dụng các các nội dung đã giám sát, phản biện xã hội thời gian qua. Đánh giá hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; đánh giá việc phân công lãnh đạo, bố trí cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội ở từng cấp; biên soạn tài liệu, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ làm giám sát, phản biện xã hội; Hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu khoa học, sơ kết việc thực hiện, làm rõ hơn những vấn đề đặt ra.
Tham luận tại Hội thảo cũng đánh giá việc phối hợp, phát huy các lực lượng trong giám sát, phản biện xã hội phù hợp với tính chất, mục đích, yêu cầu của giám sát, phản biện xã hội ở từng cấp. Điểm khác biệt với giám sát của Đảng, giám sát của Quốc hội, HĐND mang tính xã hội sâu sắc, trong giám sát, phản biện xã hội có lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của nhân dân, có sự tham gia của nhân dân là đối tượng chịu sự tác động của chính sách, pháp luật được giám sát, phản biện xã hội, từ đó đề xuất những biện pháp đẩy mạnh giám sát, phản biện xã hội thời gian tới; đề xuất những nội dung đưa vào chỉ thị của Ban Bí thư.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết bày tỏ đồng tình với mục đích tổ chức hội thảo hướng đến việc đáp ứng kịp thời nguyện vọng và mong muốn của nhân dân. Mục đích của hội thảo là nêu kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm, hạn chế và nguyên nhân để đề ra những biện pháp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Qua hội thảo, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ chọn lọc, bổ sung các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội để xây dựng và trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành chỉ thị về công tác này.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, bên cạnh mặt đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế như một số cấp ủy chưa quan tâm đến giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; một số nội dung trong cương lĩnh, nghị quyết của Đảng chậm được thể chế thành quy định của pháp luật; cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ...
Đối với thành phố Đà Nẵng, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội càng quan trọng khi thành phố đang thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Thời gian qua, Thành ủy Đà Nẵng luôn đề cao, coi trọng và phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, đã ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo.
Những năm qua, công tác giám sát, phản biện xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm xây dựng và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoạt động giám sát, phản biện xã hội. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã có nhiều đổi mới phương pháp, cách làm giám sát, phản biện xã hội.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố đạt được những kết quả quan trọng, nhất là đối với các chính sách tác động đến đời sống nhân dân, các vấn đề lớn của thành phố.
Đặc biệt, phát huy vai trò giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong điều kiện thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị; qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính chủ động trong hoạt động điều hành của chính quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm phát huy tính dân chủ ở cơ sở. Từ đó, góp phần xây dựng và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong xã hội, làm sâu sắc mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
“Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi mong hội thảo sẽ có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, đề xuất những giải pháp, cách làm hay, sáng tạo, qua đó Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chọn lọc, bổ sung các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, phục vụ tốt việc xây dựng và trình Ban Bí thư Trung ương Đảng về Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, bảo đảm tiến độ đề ra”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết nói.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định đây là những ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng, tập trung vào đánh giá thực trạng công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam giai đoạn 2013-2021, từ đó đề xuất các giải pháp và kiến nghị nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới; đồng thời góp phần hoàn thiện nội dung Hồ sơ chuẩn bị để trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới.
Theo http://mattran.org.vn