Quyền đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân là một trong những vai trò, đồng thời là chức năng quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Muốn tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải thực hiện tốt vai trò, chức năng này.
|
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Xây dựng Đề án trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội" |
Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân là chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Cùng với quá trình đổi mới, phát triển đất nước, dân chủ hóa đời sống xã hội, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu luôn được Đảng ta coi trọng và phát huy. Trải qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đã không ngừng hoàn thiện quan điểm, chủ trương về xây dựng nền dân chủ của nước nhà. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: ”Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh quan điểm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần của Cương lĩnh năm 2011, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Để thực thi dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đồng thời với thực hiện tốt cơ chế dân chủ trực tiếp thì dân chủ đại diện cũng phải không ngừng được mở rộng, quyền làm chủ của Nhân dân cần được cụ thể hoá cả trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và ở tất cả các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Dân chủ cần được mở rộng về phạm vi và cụ thể về nội dung với nhiều hình thức gắn với vai trò của từng chủ thể, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tính chất là tổ chức thể hiện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, có vai trò quan trọng trong quá trình hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Với vị trí Hiến định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Khoản 1 Điều 9 Hiến pháp năm 2013). Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc vận động các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng cơ chế, chính sách, bảo đảm các điều kiện tiếp tục thực hiện và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc trên những lĩnh vực hoạt động, như: tham gia quản lý xã hội, tham gia xây dựng chủ trương chính sách, pháp luật, thực hiện quyền giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ công chức nhà nước theo quy định của pháp luật... Muốn làm được điều này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, gần dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, dựa vào Nhân dân là phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp để phát huy vai trò là người đại diện thể hiện quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân nhằm bảo đảm tính dân chủ, tính chính thống của các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đã phản ánh với Mặt trận. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại các kỳ họp Quốc hội không chỉ tập hợp từ các kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, mà còn từ nhiều nguồn thông tin phản ánh khác, như: tập hợp phản ánh của đại diện các tầng lớp nhân dân, các tổ chức thành viên của Mặt trận. Vì vậy, những vấn đề Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các cơ quan có liên quan là những vấn đề vừa mang tính khái quát về tình hình xã hội để Nhà nước có định hướng rõ khi thực hiện xây dựng chính sách, pháp luật, vừa là những lĩnh vực, các vấn đề rất cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân.
Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và Nhân dân cả nước của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày tại các kỳ họp Quốc hội phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài trên các lĩnh vực, thể hiện ngày càng đầy đủ, toàn diện và sâu sắc những lĩnh vực, vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm, đồng thời thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của Mặt trận Tổ quốc. Các ý kiến, kiến nghị cụ thể, có địa chỉ được Ban Dân nguyện của Quốc hội chuyển đến các bộ, ngành, địa phương, trong những năm gần đây đã có sự trao đổi, phản hồi thông tin tích cực của các bộ, ngành được góp ý, kiến nghị, đồng thời các kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc đã góp phần giúp cho các cơ quan nhà nước tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, bất cập, điều chỉnh, bổ sung những quy định pháp luật có liên quan, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Báo cáo, phản ánh của Mặt trận Tổ quốc trung thực, khách quan, là kênh thông tin quan trọng để các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý minh bạch, hiệu quả, hướng tới phục vụ tốt hơn đời sống của Nhân dân. Số liệu tổng hợp trong thời gian qua cho thấy, ngoài việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập hợp, tổng hợp được nhiều ý kiến từ các tầng lớp nhân dân với nguồn thông tin đáng tin cậy, số lượng ý kiến, phản ánh ngày càng tăng, nhất là tại các kỳ họp Quốc hội gần đây. Nhân dân ngày càng tin tưởng vào Mặt trận và muốn gửi gắm nhiều ý kiến, kiến nghị để Mặt trận thay mặt người dân kiến nghị với Đảng và Nhà nước.
Ở địa phương, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chú trọng nâng cao chất lượng thông báo công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân các cấp. Đối với những kiến nghị chậm trễ giải quyết, trả lời, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội đồng nhân dân tiếp tục đề nghị chính quyền giải quyết hoặc phối hợp với cơ quan hữu quan giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho cử tri và Nhân dân. Với sự giám sát tích cực của Mặt trận Tổ quốc, nhất là ở cơ sở, các kiến nghị của cử tri và Nhân dân được giải quyết nhanh hơn, góp phần vào sự ổn định đời sống chính trị - xã hội của các địa phương.
Thông qua việc phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc đã ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu |
Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước và phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng từ Trung ương đến cơ sở, khu dân cư, đến từng nhóm đối tượng, hộ gia đình hội viên, đoàn viên, tạo sự đồng thuận, thống nhất và ổn định xã hội. Thực hiện Đề án “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, nhóm nòng cốt nắm tình hình, dư luận trong Nhân dân được củng cố và hoạt động hiệu quả. Thông qua hệ thống truyền thông và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Mặt trận và các tổ chức thành viên, kết hợp với các cơ quan truyền thông của Đảng và Nhà nước đã kịp thời cung cấp thông tin, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến với các tầng lớp nhân dân. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật đã giúp người dân nâng cao nhận thức, phát huy hành động tích cực, thấy được quyền lợi gắn liền với nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân trong xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã chủ động nắm bắt và phản ánh tình hình Nhân dân. Năm 2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương đã xây dựng 7.138 báo cáo tình hình Nhân dân, với 53.378 ý kiến, kiến nghị được phản ánh, trong đó có 44.622 ý kiến, kiến nghị đã được cơ quan chức năng xử lý.
Nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, Ủy ban Mặt trận các địa phương đã chủ động phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên thực hiện đầy đủ các nội dung của Quy chế dân chủ ở cơ sở. Những năm qua, đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đều tham gia là thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ của từng cấp. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận và các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn đã chủ động xây dựng Quy chế phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp về thực hiện dân chủ, phối hợp chỉ đạo và tổ chức để công khai cho Nhân dân được biết, được tham gia ý kiến, được thảo luận dân chủ, được bàn và quyết định trực tiếp, bàn và biểu quyết những vấn đề quan trọng của địa phương, nhất là những nội dung có liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích hàng ngày của người dân trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội như: các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường, xã và của cấp trên liên quan đến địa phương; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương; kế hoạch vay vốn phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo; chủ trương huy động sức dân để xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng, các khoản đóng góp tự nguyện và lập quỹ, xây dựng hương ước, quy ước, thôn, tổ dân phố văn hoá, nếp sống văn minh... Qua đó đã khơi dậy và huy động được các nguồn lực vật chất, tinh thần to lớn trong Nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện nếp sống văn hóa; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới đạt kết quả cao. Nhân dân đồng tình, ủng hộ và tích cực thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách của địa phương, tạo sự đồng thuận cao trong đời sống chính trị - xã hội ở nhiều địa phương, cơ sở.
Ở nhiều địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền chỉ đạo các Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư làm tốt việc tổ chức bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố. Các bước tiến hành đều được thực hiện dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật để Nhân dân trực tiếp lựa chọn và bầu ra được Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố có đủ khả năng, điều kiện gánh vác công việc tự quản ở khu dân cư. Phát huy vai trò của các thiết chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục chú trọng, củng cố cả về tổ chức và chất lượng. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ngày càng hiệu quả hơn, góp phần thiết thực vào việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Công tác tiếp công dân và tham gia giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên quan tâm, thực hiện có nền nếp theo đúng quy định. Ở cấp Trung ương, hàng năm đã lựa chọn một số vụ việc phức tạp, bức xúc để nghiên cứu và gửi văn bản kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Trong năm 2021, bộ phận tiếp công dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp 111 lượt công dân và xử lý 1.891 đơn; trong đó, đã tham mưu chuyển 48 đơn, ban hành 31 văn bản hướng dẫn, trả lời công dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tiếp 49.546 lượt người, hướng dẫn giải thích trực tiếp cho 21.840 lượt người; tiếp nhận 18.861 đơn thư, trong đó có 8.277 đơn thư chuyển được phúc đáp, 7.710 đơn thư giải quyết theo thẩm quyền. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương tham gia có trách nhiệm, hiệu quả trong việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân, góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Đến hết tháng 11/2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức 4.808 hội nghị đối thoại trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền.
Vận động Nhân dân thi đua học tập, lao động sáng tạo, huy động có hiệu quả các nguồn lực trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước
Mặt trận Tổ quốc đã thực hiện tốt vai trò chủ trì trong việc phát động và tổ chức thực hiện các cuộc vận động đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần thi đua lao động sáng tạo trong Nhân dân, huy động có hiệu quả các nguồn lực trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Thời gian qua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, triển khai đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của Chính phủ, chính quyền các địa phương nên đã nhanh chóng được triển khai sâu rộng đến cơ sở. Với phương châm lấy sức dân để chăm lo cho đời sống Nhân dân, Ủy ban Mặt trận các cấp đã chủ trì hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên vận động Nhân dân huy động nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng các cộng đồng dân cư văn minh và hạnh phúc. Cuộc vận động đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân, góp phần tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới của cả nước. Đến tháng 11/2021, toàn quốc có 13 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 211 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 5.392 xã (65,49%) đạt chuẩn nông thôn mới, 490 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Các hoạt động vì người nghèo và vận động ủng hộ chương trình an sinh xã hội được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp quan tâm triển khai thông qua hình thức phù hợp. Trong năm 2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội được trên 6.304 tỷ đồng, trong đó: Quỹ “Vì người nghèo” các cấp vận động được 1.432 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ chương trình an sinh xã hội 4.871 tỷ đồng. Quỹ “Vì người nghèo” cấp Trung ương đã phân bổ số tiền trên 48 tỷ đồng đến các địa phương để hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết, thăm và tặng quà Tết cho hộ nghèo, Quỹ cứu trợ đã phân bổ trên 2 tỷ đồng cho địa phương bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, sự cố nghiêm trọng. Ở địa phương, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa 39.073 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo; hỗ trợ hàng triệu lượt người nghèo về sinh kế, khám, chữa bệnh, học tập...
Đặc biệt, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần cùng Đảng, Nhà nước và xã hội ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi và giảm bớt tác hại của đại dịch, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, từng bước khôi phục và phát triển nền kinh tế của đất nước.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã chủ động bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, nghị quyết của Quốc hội và các chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; tích cực hưởng ứng và thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; tập trung thực hiện "mục tiêu kép", đảm bảo an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Chính phủ và Nghị quyết số 06/NQ-MTTW-ĐCT ngày 3/7/2020 của Đoàn Chủ tịch về đẩy mạnh vận động toàn dân phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục phòng, chống, khắc phục hậu quả của đại dịch. Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời ban hành 95 văn bản, tổ chức 3 hội nghị trực tuyến để hướng dẫn, quán triệt các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19; Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia thành viên Ban Chỉ đạo, Trưởng tiểu ban Vận động và huy động xã hội thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hoạt động, chương trình có ý nghĩa thiết thực để ủng hộ phòng, chống dịch. Kết quả công tác vận động ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 (từ ngày 1/5 - 15/12/2021): tổng số kinh phí và hiện vật đã vận động được: 21.803,2 tỷ đồng (qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là 13.003,3 tỷ đồng; qua Quỹ vaccine là 8.799,9 tỷ đồng). Đã phân bổ, hỗ trợ và chi mua vaccine phòng Covid-19: 18.940 tỷ đồng; đã phân bổ 3.998.177 phần quà Đại đoàn kết và túi quà an sinh, giúp đỡ hộ gia đình, cá nhân khó khăn khi phải giãn cách xã hội, hỗ trợ mua thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch 11.264,3 tỷ đồng; Quỹ vaccine đã chi 7.675,7 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng thời với các hoạt động trên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên về giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Qua giám sát, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã kịp thời nắm bắt được thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách để kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ở Trung ương, địa phương, cấp uỷ, chính quyền góp phần bảo đảm sự công khai, minh bạch, đúng đối tượng và thúc đẩy việc thực hiện chính sách kịp thời, đến được với người dân.
Giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân
Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian qua tiếp tục được quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả, trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, qua đó góp phần đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chú trọng đẩy mạnh giám sát thường xuyên; tích cực tham gia góp ý đối với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, nhất là những dự thảo có liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Nhiều nội dung góp ý, phản biện, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Trong năm qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung giám sát có hiệu quả nhiều nội dung được cán bộ, đảng viên, Nhân dân và dư luận quan tâm như: giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; giám sát Luật Đất đai năm 2013; giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp thông qua theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân; phối hợp thực hiện các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp với các cơ quan hữu quan trong đó tập trung phối hợp kiểm tra, giám sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự tại một số địa phương; tham gia thực hiện công tác đặc xá; tham gia tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên… Các tổ chức thành viên căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình đều triển khai các hoạt động giám sát phù hợp, hướng tới bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, hội viên.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương thực hiện giám sát một số chuyên đề theo hướng dẫn của Trung ương, đồng thời triển khai một số nội dung giám sát theo yêu cầu thực tế của địa phương và những vấn đề được người dân quan tâm. Theo báo cáo của 63/63 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương, trong năm 2021 đã tổ chức 22.559 cuộc giám sát, trong đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì giám sát 475 cuộc, cấp huyện giám sát 3.500 cuộc, cấp xã giám sát 18.584 cuộc; tổng số hoạt động giám sát do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia phối hợp với các cơ quan hữu quan là 29.526 cuộc. Sau giám sát, Mặt trận các cấp đã kịp thời kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị khắc phục những hạn chế, bất cập, rà soát chính sách, pháp luật phù hợp, đáp ứng với tình hình và nhu cầu, nguyện vọng của người dân, góp phần giữ ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở.
Thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội, căn cứ hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tế của từng địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương đã lựa chọn nội dung, vấn đề phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước phù hợp, đúng, trúng những vấn đề mà Nhân dân đang quan tâm để tiến hành góp ý kiến và phản biện xã hội. Các Hội nghị phản biện xã hội do Mặt trận Tổ quốc các địa phương thực hiện thường tập trung vào các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương, như: Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, các chuyên đề liên quan đến quyền và lợi ích của Nhân dân ở địa phương. Thực tế đã khẳng định hoạt động phản biện xã hội đã nhận được sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia… đóng góp những ý kiến, kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu và điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội cũng như nguyện vọng của Nhân dân.
Tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”; Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động và tổ chức thành công “Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” hàng năm; tham gia xây dựng và triển khai thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”; triển khai xây dựng 2 chuyên đề trong Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" của Bộ Chính trị, trong đó có chuyên đề "Bảo đảm thực hiện, phát huy quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam"; duy trì tổng hợp và xử lý thông tin nhanh phản ánh trên báo chí, tiếp nhận ý kiến phản ánh của Nhân dân về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chủ động giám sát việc giải quyết các vụ việc gây bức xúc trong Nhân dân.
Với những nội dung, phương thức cụ thể, thiết thực, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã ngày càng thể hiện rõ nét hơn vai trò của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Các hoạt động của Mặt trận đang ngày càng hướng đến lợi ích của cộng đồng và lợi ích của từng người dân, thể hiện tính đại diện cho Nhân dân trong thực hiện dân chủ, trong xây dựng Đảng, Nhà nước, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần bảo đảm tính đúng đắn trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức… Mặt trận làm tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân là yếu tố quan trọng để củng cố niềm tin của Nhân dân với Mặt trận, với Đảng, Nhà nước, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Một số giải pháp phát huy hơn nữa vai trò, chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân trong thời kỳ mới
Một là, phối hợp nâng cao chất lượng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước để báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân địa phương để báo cáo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cùng cấp. Tăng cường theo dõi, giám sát và đôn đốc việc các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đã được Mặt trận phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Hai là, Mặt trận tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Phối hợp thống nhất hành động trong vận động Nhân dân thi đua lao động sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy tài năng, sáng kiến, giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Tiếp tục huy động có hiệu quả các nguồn lực trong xã hội cùng Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành vượt qua khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, quan tâm chăm lo cải thiện, nâng cao chất lượng toàn diện đời sống và sức khỏe cho Nhân dân.
Ba là, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật trong thực hiện dân chủ để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nhất là cơ chế dân chủ trực tiếp và vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong Văn kiện Đại hội XIII với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Sớm đề xuất xây dựng dự án Luật về hoạt động giám sát của Nhân dân.
Bốn là, nâng cao thực chất hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tăng cường giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là giám sát hoạt động quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân; tham gia xây dựng, phản biện dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Năm là, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Tăng cường phối hợp với cơ quan nhà nước trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Xây dựng và củng cố lực lượng hòa giải ở cơ sở góp phần giảm thiểu các mâu thuẫn, tranh chấp tại địa bàn khu dân cư. Phát huy vai trò của Mặt trận và sức mạnh của Nhân dân trong tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hoàn thiện các quy định pháp luật về bầu cử và về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác bầu cử. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
TS. Lê Tiến Châu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTW MTTQ Việt Nam
Theo http://mattran.org.vn