19 Tháng Tư 2024
MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN QUÝ MÃO******Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh !

 
 
 

Thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường gặp khó

10/12/2020 18:20   admin    822 lần

Việc ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) còn vướng mắc là đánh giá của các đại biểu tại buổi tọa đàm do Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức tại Khánh Hòa vào tháng 11 vừa qua.


Vi phạm phổ biến nhưng khó xử lý


Năm 2017, Nghị định (NĐ) số 155 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực BVMT có hiệu lực. Theo ông Phạm Quốc Đạt - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, NĐ 155 quy định mức phạt tiền cao, nhiều hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả nghiêm khắc; các căn cứ để xử phạt cũng mang tính kỹ thuật cao, phụ thuộc nhiều vào kết quả quan trắc. Trong khi đó, cơ quan chức năng lại hạn chế về phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị, lực lượng giám sát, dẫn tới khó đưa ra căn cứ thuyết phục để xử phạt. Một số vi phạm phổ biến như: Vứt rác, đi vệ sinh bừa bãi nơi công cộng, hút thuốc lá… hầu như không bị xử lý bởi cơ quan chức năng không đủ lực lượng hoặc thiếu kiên quyết.


Đại diện UBND TP. Nha Trang cho biết, các hành vi vi phạm liên quan đến thu gom, vận chuyển, chôn lấp, xử lý, chất thải từ hoạt động xây dựng (xà bần) không hiếm gặp, nhưng cũng chưa có quy định xử phạt. Đại diện UBND thị xã Ninh Hòa nêu, để xác định vi phạm, một số quy định yêu cầu lấy mẫu, phân tích mẫu môi trường, cần cơ quan chuyên môn thực hiện, rất khó áp dụng ở cơ sở.


Ngoài ra, trang thiết bị, kinh phí thực hiện cũng khó khăn. Ninh Hòa có 15/20 xã tổ chức thu gom rác thải nhưng chỉ 4 xã có xe vận chuyển; các xã còn lại vẫn dùng phương tiện thô sơ hoặc hợp đồng xe thu gom. Thông tư 02/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn, quản lý kinh phí sự nghiệp BVMT, hoạt động xác nhận kế hoạch BVMT, xác nhận đề án BVMT đơn giản (văn phòng phẩm, photo tài liệu, làm thêm giờ, kiểm tra thực tế nếu có) là một trong các nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về kinh phí cho công tác thẩm định, cấp giấy xác nhận đăng ký kế hoạch BVMT, đề án BVMT, công tác kiểm tra sau khi kế hoạch BVMT được xác nhận.


Quy định còn bất cập


Luật Xử lý VPHC quy định, việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền, miễn, giảm tiền phạt chỉ áp dụng với cá nhân gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, dịch bệnh. Nhưng thực tế vừa qua, nhiều công ty, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

 

Từ năm 2015 đến tháng 9-2020, toàn tỉnh phát hiện, xử lý 78 vụ VPHC lĩnh vực BVMT, cơ quan chức năng ban hành 82 quyết định xử phạt. UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường 320 dự án; bác bỏ một số dự án, vị trí thực hiện dự án chưa phù hợp như: Dự án chế biến tinh bột tại Ninh Hòa, dự án khu giết mổ gia súc tập trung tại Nha Trang…


Chiều 17-11, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Hy vọng từ nay đến khi luật có hiệu lực (năm 2022), Chính phủ sẽ có thời gian để ban hành các văn bản quy định chi tiết; hệ thống pháp luật về BVMT sẽ đồng bộ hơn.

Luật Thanh tra quy định, các đoàn thanh tra phải thông báo trước và chỉ làm việc trong giờ hành chính, trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh ngoài giờ hành chính của các cơ sở lại khá phổ biến. Lợi dụng quy định này, một số cơ sở đã đối phó, tạm ngừng hoạt động ban ngày hoặc xả trộm chất thải vào ban đêm. Ở các xã, phường, đối tượng vi phạm có quy mô nhỏ lẻ, nhiều ngành nghề gắn với sinh kế của người dân nên khi xử phạt VPHC rất khó áp dụng các biện pháp bổ sung, khắc phục hậu quả (như đình chỉ hoạt động chăn nuôi). Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC đối với cá nhân, hộ gia đình vi phạm về môi trường cũng khó hơn sau khi Bộ Công Thương chỉ đạo không ngừng cấp điện, nước với các trường hợp này bởi NĐ 155 không quy định biện pháp này. Bên cạnh đó, thực tế có giao dịch bán và mua chất thải nguy hại nhưng NĐ 155 chỉ quy định xử phạt hành vi bán.


Hoạt động xử lý chất thải làm phát sinh chi phí của chủ nguồn thải nhưng lại không mang về lợi nhuận nên chủ nguồn thải thường trốn tránh trách nhiệm thu gom, xử lý. Tuy nhiên, việc thanh, kiểm tra doanh nghiệp lại  không được thực hiện quá 1 lần/năm. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý VPHC nên khó cập nhật thông tin, thống kê tình hình VPHC và áp dụng biện pháp xử lý...


Vì vậy, các đại biểu cho rằng, Trung ương cần sớm ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp, chú trọng tăng mức phạt với hành vi xả thải (nước, khí thải, tiếng ồn, độ rung…); định lượng các quy chuẩn về mùi hôi để áp dụng quy định xử phạt VPHC lĩnh vực BVMT. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, xử lý chất thải, BVMT, sản xuất kinh doanh gắn với BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học và khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ xử lý chất thải công nghiệp dân sinh, công nghệ xử lý chất thải phù hợp với nông thôn; ưu tiên bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường để quan trắc, giám sát môi trường tại các bãi chôn lấp theo quy hoạch, hỗ trợ địa phương khắc phục tạm thời ô nhiễm tại các bãi rác không hợp vệ sinh, từng bước đóng cửa các bãi rác quy mô xã, huyện không phù hợp quy hoạch...

Theo Báo Khánh Hòa

 

Liên kết web









TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH KHÁNH HÒA
Giấy phép: Số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Khánh Hòa cấp ngày 15/01/2018
Trưởng Ban biên tập: Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa
Địa chỉ: Số 02 Ngô Quyền - Thành phố Nha Trang - Tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: 0258.3822955 - 0258.3810311 - Fax: 0258.3810503 - Email: banbientapmtkh@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa" hoặc
"www.mattrankhanhhoa.org.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.