Đó là khẳng định của bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tại Hội nghị Lấy ý kiến nhân sỹ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài vào các dự thảo văn kiện ngày 30/10 do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức.
|
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị |
Thay mặt Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trân trọng cảm ơn các ý kiến chân thành, sâu sắc, dựa trên tinh thần xây dựng, đóng góp tâm huyết cho Đảng của các đại biểu, trực tiếp là vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII.
“Các ý kiến đều có những điểm chung và điểm khác nhau, làm phong phú thêm nội dung các đóng góp của nhân dân vào dự thảo các văn kiện của Đảng”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Về quá trình chuẩn bị dự thảo các văn kiện, bà Trương Thị Mai cho biết: Từ ngày 7/1/2019, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Có thể nói quá trình chuẩn bị dự thảo văn kiện là lâu dài, khoảng 2 năm, từ 7/1/2019 đã có phiên họp đầu tiên để định ra những nội dung lớn, kết cấu quan trọng của các dự thảo báo cáo, qua đó xác định Báo cáo Chính trị là trung tâm”.
Tại Hội nghị lần này, một số ý kiến cho rằng một số dự thảo báo cáo chưa thực sự đồng bộ với Báo cáo Chính trị, bà Trương Thị Mai khẳng định, quá trình tiếp thu, điều chỉnh sẽ lấy Báo cáo Chính trị là trung tâm, hoàn thiện theo hướng để tất cả các báo cáo khác đồng bộ với Báo cáo Chính trị.
“Cùng với việc tổ chức đánh giá thêm tình hình thực tiễn về một số chủ trương, quan điểm lớn của Đảng để đảm bảo sự chính xác về nội dung khi đưa vào trong các dự thảo văn kiện, Tiểu ban Văn kiện đã cùng các địa phương tổ chức khảo sát tại nhiều nơi nhằm đánh giá, làm rõ thêm một số vấn đề lớn về mặt chủ trương, đường lối của Đảng”, bà Trương Thị Mai thông tin.
Nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại phiên họp thứ nhất của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII: Tiếp tục nghiên cứu chuẩn bị các văn kiện có đổi mới, song cần dựa trên các nguyên tắc và hết sức phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tạo được sự thống nhất giữa Đảng và nhân dân, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, Văn kiện của Đảng nhưng toàn dân sẽ tham gia cùng Đảng thực hiện để tạo mục tiêu phát triển trong những bước tiếp theo.
Làm rõ một số điểm khác biệt giữa dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII so với các văn kiện của Đại hội XII, Trưởng ban Dân vận Trung ương cho biết: “Các dự thảo lần này không chỉ đánh giá 5 năm vừa qua (2016 – 2020) hay 5 năm tới (2021 – 2025) mà còn nhìn lại quá trình 35 năm đổi mới đất nước, nhìn lại việc thực hiện 30 năm Cương lĩnh 1991 và 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020. Chặng đường tiếp theo xác định xây dựng phương hướng cho 3 mốc mục tiêu: 2025, 2030, 2045 và Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm từ 2021 – 2030, thể hiện tầm tư duy xa hơn trong quá trình chuẩn bị các dự thảo văn kiện.”
Về các nhóm nội dung được các đại biểu góp ý tại Hội nghị lần này, Trưởng ban Dân vận Trung ương khái quát: Các ý kiến phát biểu đã thể hiện tinh thần tâm huyết, trách nhiệm, cơ bản tán thành, đánh giá cao công tác chuẩn bị các dự thảo văn kiện cho Đại hội XIII; cho rằng các dự thảo văn kiện có nhiều điểm đổi mới, đầy đủ, toàn diện, kiên định nguyên tắc, mục tiêu, đồng thời có kế thừa kinh nghiệm từ các nhiệm kỳ trước, nhất là nhiệm kỳ Đại hội XII.
Các đại biểu đánh giá phần hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong dự thảo các văn kiện đã được nhìn nhận khá thẳng thắn; phần phương hướng cho chặng đường tiếp theo thể hiện mục tiêu phát triển đất nước tương đối rõ ràng.
Bên cạnh việc góp ý về chủ đề nên bổ sung thêm nội dung về khát vọng dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên động lực mới cho nhiệm kỳ tới, các ý kiến tập trung vào một số nhóm vấn đề chính: Dự báo những diễn biến nhanh chóng của tình hình sắp tới, đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ hơn để nâng cao khả năng cạnh tranh của quốc gia; làm rõ một số quan điểm, chủ trương của Đảng về kinh tế; vấn đề công bằng, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình để kiểm soát quyền lực; quan tâm hơn tới công tác bảo vệ rừng nói riêng và môi trường nói chung; đề xuất thêm cơ chế chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xác định văn hóa thực sự là nền tảng, động lực của xã hội, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển sắp tới và góp phần khẳng định vị trí của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng quan tâm cho ý kiến về vấn đề quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, trong đó tôn giáo được xem là yếu tố góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, là nhu cầu của đông đảo nhân dân; quan tâm hoàn thiện thể chế về tôn giáo để tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, tạo sự thống nhất về mặt quan điểm.
Liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, có ý kiến cũng đề nghị dự thảo các báo cáo cần làm rõ các trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế, nhất là trong giai đoạn thực hiện các mục tiêu tiếp theo về kinh tế số; làm rõ vai trò của khoa học xã hội và các tổ chức quần chúng; phát huy quyền làm chủ và sức mạnh đại đoàn kết; hoàn thiện thể chế, hiến pháp về quyền con người, quyền của nhân dân và vai trò giám sát của nhân dân đối với Đảng và hệ thống chính trị...
Ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp của các đại biểu, bà Trương Thị Mai khẳng định, với trách nhiệm của mình, Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến để chuyển cho Tiểu ban Văn kiện tiếp tục hoàn thiện dự thảo các báo cáo trình Đại hội XIII.
Theo http://mattran.org.vn