Năm 2020, Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN, mở ra cơ hội để nước ta khẳng định vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế. Năm 2020 cũng đánh dấu chặng đường 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Nhân dịp này, Báo Nhân Dân xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết và ý kiến của các chuyên gia về sự chuẩn bị sẵn sàng của Việt Nam hướng tới Năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Buổi họp báo về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam tại Hà Nội.
Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN, thể hiện hình ảnh một thành viên có trách nhiệm, tích cực, năng động, sáng tạo và nỗ lực hết mình vì Hiệp hội. Việc Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN 2020 đúng dịp kỷ niệm 25 năm nước ta gia nhập “mái nhà chung” ASEAN là một cơ hội đặc biệt để chúng ta phát huy vai trò, khẳng định vị thế và uy tín ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Kể từ khi được thành lập đến nay, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu to lớn không thể phủ nhận. ASEAN đem lại cho các nước thành viên những lợi ích quan trọng của một môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, một không gian hợp tác mở rộng. Tuy nhiên, trong chặng đường sắp tới, ASEAN phải đối mặt không ít thách thức do bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng…
Xuất phát từ các thách thức đặt ra cho ASEAN cũng như căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã lựa chọn Chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. Với “Gắn kết”, Việt Nam mong muốn củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc của ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm. Trong bối cảnh ASEAN đang chịu các tác động phức tạp, đa chiều từ bên ngoài và đứng trước nhu cầu phát triển, liên kết sâu rộng của chính ASEAN, nội hàm gắn kết càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Còn với “Chủ động thích ứng”, Việt Nam mong muốn nâng cao năng lực của ASEAN để có thể thích ứng một cách chủ động và hiệu quả trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, trước các thách thức đang nổi lên, như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia…, đồng thời nâng cao khả năng tận dụng các cơ hội và hạn chế những thách thức do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Gắn kết” và “thích ứng” là hai thành tố có tính giao thoa, bổ trợ chặt chẽ cho nhau. Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển mới có thể chủ động thích ứng các yếu tố tác động từ bên ngoài và ngược lại, chủ động thích ứng hiệu quả sẽ giúp ASEAN trở thành một khối gắn kết chặt chẽ.
Có thể nói, năm 2020 là năm mang ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Với ASEAN, đây là năm bản lề để kiểm điểm giữa kỳ công tác triển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 - 2025. Với Việt Nam, đây là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN. Việt Nam đã khởi động công tác chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 từ rất sớm, với sự thành lập Ủy ban quốc gia ASEAN 2020 vào tháng 12-2018. Công tác chuẩn bị về các mặt như nội dung, lễ tân, vật chất - hậu cần, tuyên truyền - văn hóa, an ninh - y tế... đã được khẩn trương triển khai. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục tiến hành tham vấn trong ASEAN và các đối tác về nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN, nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận trong ASEAN. Cơ bản đến nay, Việt Nam đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020.
Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia ASEAN 2020, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng từng nhấn mạnh, Việt Nam xác định việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 là trách nhiệm to lớn, nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam. Bởi vậy, Việt Nam sẽ dành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này, góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ, vững mạnh, trên cơ sở kế thừa và phát huy những kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội, về tổ chức các hội nghị lớn... của mình, qua đó tích cực đóng góp vào những thành tựu chung của ASEAN.
TỔNG THƯ KÝ ASEAN LIM JOCK HOI:
Tin tưởng Việt Nam sẽ phát huy vai trò dẫn dắt ASEAN
Trong những năm qua, Việt Nam đã từng bước hội nhập sâu rộng hơn vào ASEAN và đã có những đóng góp tích cực vào công việc chung của ASEAN. Hiện nay, ASEAN là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên thế giới và đóng vai trò quan trọng góp phần giải quyết vấn đề giảm nghèo trong khu vực, cũng như các vấn đề của người dân.
Tôi đánh giá cao việc Việt Nam khởi động công tác chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 từ sớm, với lộ trình và các bước đi cụ thể. Tôi tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ phát huy vai trò dẫn dắt trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh. Ban Thư ký ASEAN sẽ tích cực phối hợp và nỗ lực cao nhất để hỗ trợ các cơ quan liên quan của Việt Nam trong quá trình Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Chúng ta cùng hướng tới xây dựng một khu vực hòa bình và ổn định vì người dân.
TRỢ LÝ TỔNG THƯ KÝ LIÊN HỢP QUỐC, ÔNG K.KHIARI:
Liên hợp quốc ủng hộ Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN 2020
ASEAN và Liên hợp quốc luôn chú trọng tăng cường quan hệ đối tác toàn diện hướng đến thực hiện thành công các mục tiêu Tầm nhìn ASEAN năm 2025 và Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030. Hai bên đã hoàn thành 90% hoạt động hợp tác của Kế hoạch hành động ASEAN - Liên hợp quốc giai đoạn 2016 - 2020 trên cả ba trụ cột, gồm chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội.
Năm 2020, Việt Nam sẽ thực hiện vai trò kép vừa là Chủ tịch ASEAN 2020 vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Việc Việt Nam đảm nhận hai trọng trách quan trọng này cùng một lúc tuy là nhiệm vụ khó khăn, song lại mở ra cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế và tiếng nói trên trường quốc tế. Liên hợp quốc cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để giúp Việt Nam đảm nhận tốt nhất các vai trò của mình trong năm 2020. Tôi tin tưởng, Việt Nam sẽ là cầu nối của Liên hợp quốc với ASEAN để thực hiện triển khai các chương trình, kế hoạch của ASEAN đồng bộ với những mục tiêu của Liên hợp quốc, qua đó thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN.
TRƯỞNG ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRÚ CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LIÊN HỢP QUỐC (UNDP) TẠI VIỆT NAM C.WIESEN:
Việt Nam là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư
Việt Nam là một quốc gia năng động, hòa bình. Một trong những điều tôi đánh giá cao ở Việt Nam là mô hình phát triển không chỉ tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn thúc đẩy sự văn minh, tiến bộ xã hội. Tôi tin rằng, việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 sẽ giúp tăng cường uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời giúp quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ổn định, là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư quốc tế.
UNDP sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện tốt những trọng trách quan trọng trong năm 2020, nhất là liên quan việc đẩy mạnh ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy an ninh lương thực..., vốn đều là những yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam chắc chắn sẽ tận dụng tốt các cơ hội để dẫn dắt ASEAN đương đầu những khó khăn, phát huy vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là tại ASEAN và Liên hợp quốc.
Theo https://nhandan.com.vn/thegioi/cong-dong-asean/item/42588402-viet-nam-khang-dinh-vi-the-va-vai-tro-trong-asean.html