20 Tháng Tư 2024
MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN QUÝ MÃO******Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh !

 
 
 

Thử bàn về Ngày khai đạo của đạo Cao đài

05/11/2019 10:55   admin    6892 lần

Trải qua một chặng đường hành đạo 95 năm – kể từ khi ra đời, hàng năm các Chi phái của nền Đại đạo đều lấy ngày rằm tháng 10 năm Bính Dần (1926) là ngày khai đạo. Tuy nhiên, trên thực tế có một bộ phận tín đồ phần lớn ở các thánh thất độc lập lại cho rằng ngày 23 tháng 8 Bính Dần (1926) mới là ngày khai đạo và riêng Hội Thánh Minh Chơn Lí (Tiền Giang) lại kỉ niệm khai đạo ngày 25/12 (Dương lịch)… Và, theo họ ngày 15 tháng 10 năm Bính Dần (1926) là ngày lễ Hạ ngươn đồng thời là ngày Đại lễ ra mắt cơ đạo Cao đài tại Từ Lâm tự, Gò Kén (Tây Ninh), nhằm đăng quang chứng vị của chư chức sắc Thiên phong và công bố với công chúng về một tôn giáo mới được khai mở!

Theo sử quan của đạo Cao đài, từ tháng 9/1970 lịch sử nền Đại đạo lại xuất hiện ba cụm từ nói về sự ra đời của đạo Cao đài. Ba cụm từ đó được hiểu ở các góc độ nghĩa ngữ khác nhau, như: Ngày khai đạo (ngày lập đạo), ngày khai tịch đạo và ngày khai minh Đại đạo. Như vậy, các cụm từ ngày “khai đạo”, ngày “khai tịch đạo”[1] và ngày “khai minh Đại đạo” thì nghĩa ngữ thế nào dưới góc độ lịch sử và khoa học của nó?

 

Như ta đã biết, lẽ thường tình, khi một sự vật và hiện tượng nào đó ra đời đều phải trải qua một quá trình thai nghén nhất định của nó, trong lịch sử Tôn giáo cũng vậy. Để làm rõ vấn đề trên, chúng ta có thể bắt đầu bàn từ các khái niệm về khai và đạo là gì?

 

Khai, có nghĩa là mở ra, là sự khởi đầu và còn có nghĩa là thành lập nữa.

 

Đạo, là một tôn giáo nào đó, đồng thời đạo còn có nghĩa là con đường…

 

Vậy, theo ngữ nghĩa ấy thì ngày khai đạo tức là ngày mở ra hay ngày thành lập một tôn giáo mới, tức là mở ra một con đường tu mới, con đường hành đạo mới. Theo đó, ngày khai đạo của đạo Cao đài tức là ngày mở ra giềng mối đạo của nền Đại đạo Tam kì, là ngày thành lập đạo Cao đài.

 

Theo sử quan của đạo Cao đài, từ thời sơ khai chúng ta thấy các bậc tiền bối của nền Đại đạo chỉ nói đến duy nhất cụm từ ngày khai đạo. Việc xuất hiện ba tên gọi khác nhau để chỉ về ngày khai hoá nền Đại đạo, như: Ngày khai đạo, ngày khai tịch đạo và ngày khai minh Đại đạo lại mới được biết đến, mới được ghi nhận từ năm 1970 trở lại đây.

 

 Để rộng đường trao đổi về tên gọi và ngày lập đạo – một sự kiện lịch sử ra đời của đạo Cao đài, chúng ta thấy có hai vấn đề cần thử bàn để tìm đến sự thống nhất, tính khoa học và lịch sử của nền Đại đạo, đó là: Thứ nhất, Từ góc độ lịch sử và khoa học, xác định cụm từ nào để chỉ về ngày ra đời của đạo Cao đài; Thứ hai, Từ đó, nên chăng trong nền Đại đạo cùng tồn tại một ngày lập đạo và xác định ngày khai đạo đúng với lịch sử?

 

1. Ngày khai đạo là cách gọi đúng với Thiên ý và Thánh giáo của nền Đại đạo.

 

Trong chúng ta ai cũng công nhận rằng gần nữa thế kỉ – từ lúc ban sơ, các bậc tiền bối của nền Đại đạo duy nhất chỉ nói đến từ ngày khai đạo, chưa hề có các từ khai tịch đạo hoặc khai minh Đại đạo trong sử quan Cao đài. Cụm từ ngày khai đạo được các bậc tiền bối vâng lệnh theo ý chỉ của Đức Chí Tôn và theo đúng Thánh giáo của nền Đại đạo. Xin dẫn một số những sử liệu để minh chứng cách gọi ngày khai đạo là đúng với Thiên ý và Thánh giáo, đồng thời vừa đúng với lịch sử của nền Đại đạo, là:

 

 

Quang cảnh lễ kỷ niệm ngày Khai đạo 23/08 năm Nhâm Thìn (2012)

tại Nam Thành Thánh Thất, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

 

+ Theo Thánh ngôn Hiệp tuyển (Toà Thánh Tây Ninh – năm 1927) quyển 1, trang 30, chép: Ngày 22 tháng 9 năm 1926, nhằm ngày 16 tháng 8 (Bính dần), Đức Thượng đế giáng điển dạy cho hai vị Đầu sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt, rằng: “Trung, Lịch hai con phải hội chư Thánh mà xin khai đạo”. Sau đó, đúng một tuần lễ, nhằm ngày 23/8/Bính Dần, vâng lệnh Thánh ý ngài cựu Nghị viện Lê văn Trung hiệp cùng các chư Thánh mở Đaị hội lập bản Tuyên ngôn khai đạo[2] (tờ khai đạo) để khai đạo nơi Chính Phủ. Cùng sử liệu này, trong cuốn Đạo sử (quyển II) của bà Chánh Phối sư Hương Hiếu cũng chép rằng: “Ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần (29 tháng 9 năm 1926), ông cựu Nghị viện Lê Văn Trung vâng lệnh Thánh ý hiệp với chư đạo hữu hết thảy là 247 người tại nhà ông Nguyễn Văn Tường, đứng tên vào tịch đạo để khai đạo với Chánh Phủ” hoặc trong Đại đạo Căn nguyên của ông Nguyễn Trung Hậu, xuất bản năm 1933, trang 23, viết rằng: “Khai đạo nơi Chính Phủ. Ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần (29/9/1926), ông cựu Nghị viện Lê Văn Trung vâng lệnh Thánh ý hiệp với chư đạo hữu hết thảy là 247 người tại nhà ông Nguyễn văn Tường, đứng tên vào tịch đạo để khai đạo với Chánh Phủ”. Và trong Đặc san Đại Đồng của Liên hòa Tổng hội, xuất bản năm 1938 tại Thánh thất Cầu kho, cũng viết: “Tờ vi bằng kì lễ kỉ niệm ngày Khai đạo với Chính Phủ, ngày 23 tháng 8 Mậu Dần”;

 

+ Trong cuốn lịch sử của quan Phủ Ngô Văn Chiêu, (bản in năm 1962), trang 40, có chép: “Ấy là lời Thánh giáo đầu tiên, ngày kỉ niệm khai đạo Cao đài về cơ phổ hóa: ngày mồng 1 năm Bính Dần giờ Tí vậy (13 février 1926). Và trang 38, cũng viết: “ vào hạ tuần tháng chạp năm Ất Sửu, Đức Cao đài Thượng đế giáng cơ dạy mấy ông Trung, Cư, Sang, Hậu, Đức phải theo lịnh Đức Thượng đế lại chung hiệp với quan phủ Ngô Văn Chiêu mà lo mở đạo” và “để khai đạo (cơ phổ hoá) với Chánh Phủ”; 

        

+ Theo sách Cao đài Tự điển của Đức Nguyên (quyển II), trang 124 chép rằng: “Ngày 23/8/Bính Dần là ngày Đại hội đầu tiên của các tín đồ Cao đài để soạn thảo bản Tuyên ngôn khai đạo. Đây là một ngày lịch sử trọng đại của đạo Cao đài”. Hoặc trong Đạo sử nhựt kí, cùng tác giả, Quyển I, trang 190, cũng chép: Ngài Lê Văn Trung vâng lệnh Thầy, triệu tập một Đại hội các tìn đồ ở vùng Sài gòn, Chợ lớn, Gia định họp Đại hội tại nhà ông Nguyễn Văn Tường, ở hẻm số 237bis, đường Galliéni, nay là đường Trần Hưng Đạo, Quận I, Sài gòn để lấy danh sách các tín đồ đầu tiên của đạo Cao đài làm hồ sơ lập tờ khai đạo, công khai với Chính quyền Pháp tại Nam kì”

 

+ Ở một sử liệu khác, cũng nói đến cụm từ ngày khai đạo như là sự khẳng định, đó là: tại một đàn cơ ngày 22/8/Đinh Mùi (25/9/1967) tại Thánh Thất Nam Thành[3], Đức tiền bối Trương tiếp pháp dạy như sau: “Nhân dịp lễ kỉ niệm ngày khai đạo nơi Nam Thành Thánh thất, chúng Tiên huynh trần tấu xin Giáo Tông Đại đạo được phép lâm đàn giáng cơ để cùng nhau ôn lại những kinh nghiệm quí giá trong đời hành đạo”. Cuối đàn hôm ấy, Đức Kim Quang Đồng tử cũng nhắc tới ba chữ ngày khai đạo năm thứ 43”.

 

Như đã nói, từ khi ra đời cho tới năm 1970 – sau gần 50 năm tồn tại, các bậc tiền bối của nền Đại đạo vẫn theo Thánh chỉ của Đức Chí Tôn gọi ngày 23 tháng 8 (Bính Dần) là ngày khai đạo của nền Đại đaọ. Cách gọi này bởi Thiên ý, theo đúng Thánh giáo và được sử quan của nền đạo ghi nhận. Nhưng, như đã nói, vào khoảng tháng 9/1970, nền Đại đạo lại có ba tên gọi dùng để chỉ về sự ra đời của đạo Cao đài, đó là: “ngày khai đạo”, “ngày khai tịch đạo” và “ngày khai minh Đại đạo” .

 

Trong bài nói chuyện của mình tại Cơ quan Phổ thông Giáo lí Cao đài, với tiêu đề “Từ khai tịch đến khai minh”, sử gia Cao đài Huệ Khải đã có những phân tích làm rõ những ngữ nghĩa và ý nghĩa của ngày khai tịch đạo (23/8) và ngày khai minh Đại đạo (15/10)[4]. Từ những lí giải đó, ở góc độ ngữ nghĩa ta thấy trong Thánh giáo do các bậc tiền bối vâng lệnh Thánh ý giáng điển đã chỉ giáo và lí giải làm sáng tỏ về khái nệm và ý nghĩa của nó. Ở đây, trên góc độ trao đổi chúng ta “tránh” không bàn luận Thánh giáo nói gì, mà chỉ nhìn lại vấn đề từ góc độ lịch sử và khoa học của một nền đạo thì sự khác nhau về ngữ nghĩa cũng như ý nghĩa của các tên gọi trên, thì sự khác biệt đó không rõ ràng và không rõ nghĩa (nếu không muốn nói trùng lắp). Đúng hơn nó chỉ là một! Theo người viết, thì “khai đạo” và “khai minh Đại đạo” là cùng một ý nghĩa, bởi khi một nền đạo được mở ra thì ắt nền đạo ấy tự nó đã tỏa sáng rồi… và do đó nền Đại đạo không cần thiết phải ghi nhận thêm ngày “khai tịch" hoặc “khai minh” nữa. Vấn đề đặt ra là phải xác định một tên gọi và ngày ra đời của một nền đạo sao cho đúng và hợp lí – để nó không chỉ có “thống nhất”, mà phải đúng ý nghĩa lịch sử và tính khoa học của nó.

 

2. Ý nghĩa lịch sử và tính hợp lí của một ngày khai đạo,

 

 Lật lại lịch sử, kể từ khi Đức Chí Tôn giáng thế mở Đại đạo, với các sự kiện theo dấu ấn thời gian mà ý nghĩa của nó liên quan và gắn chặt với sự ra đời của đạo Cao đài, như: ngày 25/12/1926, ngày mồng 1 tháng giêng (Bính Dần), ngày 23/8/ Bính Dần, ngày 1/9 Bính Dần (7/10/1926) và ngày 15/10 (Bính Dần). Từ đây, chúng tôi (tác giả) làm rõ ý nghĩa các sự kiện và các ngày nói trên để đi tới xác định ngày khai đạo đúng với lịch sử của nền Đại đạo bằng phương pháp loại trử, đó là:   

 

* Ngày 25/12/1925, nhằm ngày mồng 9/11(Ất Sửu), là ngày: “Đêm nay, 24 Décembre, phải vui mừng vì là ngày của Thượng đế xuống trần dạy đạo bên Thái Tây (Europe)”;

 

* Ngày mồng 1 tháng giêng (Bính Dần), nhằm ngày 13/2/1926, là ngày đầu xuân năm Bính Dần. Ngày này, Thượng đế ban lời Thánh giáo vào giờ Tí, dạy rằng: “Các môn đệ khởi sự đi truyền đạo phổ độ nhơn sanh”. Và, “Ấy là lời Thánh giáo đầu tiên, kỉ niệm ngày khai đạo mồng 1 giờ Tí, tết năm Bính Dần vậy” [5];

 

* Ngày 23 tháng 8 Bính Dần, nhằm ngày 29/09/1926, là ngày Đại hội đầu tiên các Môn đệ của Đức Cao Đài. Ngày này, “ngài Lê Văn Trung vâng lệnh Thầy, triệu tập một Đại hội các tìn đồ ở vùng Sài gòn, Chợ lớn, Gia định họp Đại hội tại nhà ông Nguyễn Văn Tường, ở hẻm số 237bis, đường Galliéni, nay là đường Trần Hưng Đạo, Quận I, Sài gòn để lấy danh sách các tín đồ đầu tiên của đạo Cao đài làm hồ sơ lập tờ khai đạo, công khai với Chính quyền Pháp tại Nam kì”; [6]

 

 * Ngày mồng 1/9 (Bính Dần), nhằm ngày 7/10/1926, là ngày cựu Nghị viện Lê Văn Trung vâng lệnh Đức Chí Tôn đến Dinh Thống đốc Nam kỳ, nộp tờ khai đạo cho ông LEFOL Thống đốc Nam kì;

 

* Ngày ngày 15/10 Bính Dần (1926), là ngày lễ Hạ ngươn và  mở đầu ngày hội khánh thành Thánh thất tạm (Gò Kén), đồng thời là ngày Đại lễ ra mắt cơ đạo Cao đài tại chùa Gò Kén (Tây Ninh) và đăng quang chứng vị của chư chức sắc Thiên phong, nhằm công bố với công chúng về một tôn giáo mới đã được khai mở ở miền Nam của nước Việt Nam. 

 

Nói về ý nghĩa ngày Đại lễ khai đạo 15/10 (Bính Dần), sách Đạo sử nhựt kí, Quyển I, chép: “Số tín đồ mỗi lúc một đông, nên cần phải làm một Đại lễ Khai đạo để ra mắt quốc dân và thế giới. Đức Chí Tôn quyết định sẽ làm Đại lễ Khai đạo vào ngày Rằm Hạ ngươn năm Bính Dần” và sử dụng Từ Lâm tự (Gò Kén) làm Thánh thất tổ chức Đại lễ khai đạo. Và, sách Đạo sử nhựt kí lại chép: “Khai đạo xong rồi, quí ngài Lê văn Trung, Lê Văn Lịch, Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Ngọc Tương… ra mặt công khai truyền đạo, mở rộng việc phổ độ” ở Lục tỉnh.

 

Từ những sử liệu trên cho thấy tổ chức “Đại lễ khai đạo” ngảy 15/10 (Bính Dần) khác với ngày mở ra giềng mối đạo, tức ngày khai đạo. Bởi lẽ, sau khi một tổ chức nào đó được thành lập thì việc cần làm tiếp theo là tổ chức một cuộc lễ ra mắt, công bố… Mặc nữa, ba đoàn chức sắc tiến hành công cuộc mở rộng việc phổ độ ở Lục tỉnh ở thời điểm ngay sau khi bản “Phổ cáo Chúng sanh” của đạo được Đức Chí Tôn duyệt y ngày 7/9 (Bính Dần) – thời điểm trước ngày tổ chức “Đại lễ Khai đạo” 15/10 (Bính Dấn) hơn một tháng. Do vậy, nếu gọi ngày 15/10 (Bính Dần) là ngày Đại lễ Khai đạo thì không có gì phải bàn. Nhưng, theo lịnh Thánh ý: “Đến ngày 10/10/ Bính Dần, công việc phổ độ phải tạm ngưng để các Chức sắc tập trung về Thánh thất Gò Kén lo sắp đặt Đại lễ Khai đạo”. Từ đây cho thấy, nếu gọi ngày Đại lễ Khai đạo – 15/10 (Bính Dần) là ngày khai đạo thì chưa thỏa đáng và chưa đúng với ý nghĩa lịch sử khai mở nền Đại đạo.

 

Trở lại vấn đề ngày khai đạo của đạo Cao đài, theo tôi và cũng như sử quan của đạo Cao đài đã ghi nhận từ buổi ban sơ, nên vấn đề này không bàn cải nữa, mà dùng cụm từ ngày khai đạo để chỉ ngày kỉ niệm về sứ mệnh lịch sử mở ra một giềng mối của nền Đại đạo. Đồng thời, để xác định ngày khai đạo đúng với lịch sử của nền Đại đạo, chúng ta cần nhắc lại lời giáng điển của Đức Chí Tôn, ngày 16 tháng 8 (Bính dần) đã chỉ giáo rằng: “Trung, Lịch hai con phải hội chư Thánh mà xin khai đạo”. Sau khi nhận được mạng lệnh của Thượng đế, “Ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần (29 tháng 9 năm 1926), “ngài Lê Văn Trung vâng lệnh Thầy, triệu tập một Đại hội các tìn đồ ở vùng Sài gòn, Chợ lớn, Gia định họp Đại hội tại nhà ông Nguyễn Văn Tường, ở hẻm số 237bis, đường Galliéni, nay là đường Trần Hưng Đạo, Quận I, Sài gòn để lấy danh sách các tín đồ đầu tiên của đạo Cao đài làm hồ sơ lập tờ khai đạo, công khai với Chính quyền Pháp tại Nam kì”. Ở đây cho thấy, sự kiện Ông cựu Nghị viện Lê Văn Trung, vâng lệnh Thánh ý hiệp với chư đạo hữu để “khai đạo” và một lẽ nữa, bởi đạo Cao đài do Thiên cơ lập ra. Ý nghĩa lịch sử trọng đại của sự kiện đầu tiên – “một Đại hội các tìn đồ ở vùng Sài gòn, Chợ lớn, Gia định” này đã hàm đủ những yếu tố để nói rằng, ngày ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần, nhằm ngày 29 tháng 9 năm 1926, là ngày khai đạo của nền Đại đạo Tam kì Phổ độ.

 

Để thay lời kết, xin mượn lời của Ngài Huệ Lương, tức ông Trần văn Quế[7] – một chức sắc đã từng là lãnh đạo Cơ quan Phổ thông Giáo lí, của Hội Thánh Truyền giáo Cao đài và Chi Minh Lí đã thuyết giảng ý nghĩa lễ kỉ niệm ngày khai đạo nhân dịp kỉ niệm lần thứ 45 ngày khai đạo – ngày 23 tháng 8 năm Canh Tuất (1970), rằng: “Lễ kỉ niệm năm thứ 45 ngày khai Đại đạo Tam kì Phổ độ hôm nay tại Nam Thành Thánh Thất, là dịp duy nhất trong một năm để ôn lại một việc đã qua hầu rút ra những bài học cho toàn cả anh chị em trong Đạo Thầy mai sau này…” ./.

 

Trần Tiến Thành            

 

 [1]. Trong một đàn cơ tại Nam Thành Thánh Thất, vào ngày 23 tháng 8 năm Canh Tuất (nhằm ngày 22 tháng 9 năm 1970), hai bậc tiền bối vâng lệnh Đức Thượng đế giáng đàn đã dạy: Linh giác bậc tiền bối Đoàn văn Bản giáng điển rằng “Vâng lệnh Đức Chí Tôn, Tệ huynh cùng Hộ pháp đến hôm nay để chứng lễ khai tịch đạo 23 tháng 8”. Và sau đó, Linh giác Đức Hộ Pháp lại giáng điển chỉ giáo về ngày 23 tháng 8 và ngày Rằm tháng 10. Ngày khai tịch đạo ngày “khai minh Đại đạo”được hình thành từ đó.

 

2. Đại hội này được họp tại tư gia của ông Nguyễn văn Tường, Thông ngôn sở Tuần cảnh Sài gòn, ở đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo, Q.1, tp Hồ Chí Minh).

 

3.Đàn cơ này do bộ phận Hiệp Thiên Đài cơ quan Phổ Thông Giáo Lí phụ trách.

 

4.Bởi theo ông, Đức Diêu Trì Kim Mẫu, đã dạy: “Phải hiểu đạo là uyển chuyển, thiên biến vạn hóa, tùy cơ duyên mà phổ độ, tùy hoàn cảnh thực tại mà linh động, uyển chuyển tác dụng cho hợp thời đúng lúc, tùy trình độ căn trí mà biện minh phân giải, thuyết lí độ đời…” Và, theo bậc Tiền bối Đoàn Văn Bản, day: “Vâng lệnh Đức Chí Tôn, Tệ huynh cùng Hộ Pháp đến hôm nay để chứng lễ khai tịch đạo 23/8 này”; tiếp theo đó, Đức Hộ Pháp đã giáng đàn, day: “Vì muốn sáng tỏ Thiên cơ trên đường hành đạo, hôm nay bần đạo vâng lệnh Đức Chí Tôn và cũng thay mặt cho tiền bối quá vãng đến để nói rõ ngày 23/8 và ngày rằm tháng10”.

 

5 Thánh ngôn, sưu tập trọn bộ bài 19, ngày 1/1 (Bính Dần).

 

6 Theo Hiền tài Nguyễn văn Hồng, Đạo sử nhựt kí (quyển I) trang190

 

7. Ông Trần văn Quế, nguyên là Giáo sư Sử học, trường Đại học Văn Khoa Sài gòn thời kì

 trước năm 1975.                               

 
Tin liên quan
Cam Hải Đông: Tết trao yêu thương
Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà Ban đại diện Tin lành
Nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ Giáng sinh
Thăm, tặng quà các vị chức sắc, cơ sở tôn giáo nhân dịp Giáng sinh
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm Tòa Giám mục Giáo phận Nha Trang
Bổ nhiệm 6 chư tăng làm nhiệm vụ Phật sự tại Trường Sa
Hỏi đáp pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo
Tuyên truyền luật giao thông đường bộ cho đồng bào công giáo
Ủy ban ĐKCG tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Mặt trận thành phố Cam Ranh tuyên truyền pháp luật về bảo đảm trật tự An toàn giao thông trong đồng bào Công giáo
Cam Lâm: Phối hợp tuyên truyền pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong đồng bào Công giáo
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị tuyên truyền về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong đồng bào Công giáo
Thượng tọa Thích Thiện Quang
Giáo xứ Hòa Yên, Cam Lâm hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Diên Khánh phối hợp tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông trong các tôn giáo
Huyện Khánh Vĩnh: Lễ động thổ xây dựng tu viện Tánh Minh tại xã Khánh Phú và Sông Cầu
Hơn 50 suất quà được phát cho các em học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số
Khánh Hòa: Các Dân tộc thiểu số luôn đoàn kết, phát huy nội lực để phát triển
Vu Lan báo hiếu - Những món quà từ tấm lòng
Ủy ban MTTQ huyện Cam Lâm bàn giao nhà đại đoàn kết cho đồng bào dân tộc thiểu số
Khen thưởng 32 tập thể, cá nhân tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số thị xã Ninh Hòa

Liên kết web









TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH KHÁNH HÒA
Giấy phép: Số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Khánh Hòa cấp ngày 15/01/2018
Trưởng Ban biên tập: Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa
Địa chỉ: Số 02 Ngô Quyền - Thành phố Nha Trang - Tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: 0258.3822955 - 0258.3810311 - Fax: 0258.3810503 - Email: banbientapmtkh@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa" hoặc
"www.mattrankhanhhoa.org.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.