Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) là một trang sử vàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Một trong những cuốn sách quan trọng nhất viết về sự kiện lịch sử này là thiên hồi ức “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người yêu thích lịch sử tìm thấy ở đó những tư liệu, thông tin để hiểu thêm về chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của dân tộc Việt Nam, đồng thời có cái nhìn mang tính khái quát về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc. Và ở đó, người đọc sẽ thấy được thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp qua quyết định mang tính lịch sử - chuyển từ phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc"!
|
|
Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử được viết bằng văn phong giản dị, kết hợp hài hòa giữa tái hiện chi tiết, sự kiện với việc thể hiện tư tưởng, tình cảm và những chiêm nghiệm suy tư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về đất nước, nhân dân. Điều đặc biệt, dù là một tác phẩm mang tính hồi ký chiến tranh, đề cập đến sự kiện lịch sử, số liệu… nhưng nhờ lối viết tinh tế, trữ tình, cuốn hồi ký (hồi ức) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn hết sức hấp dẫn. Những trận đánh quyết liệt gắn liền với các địa danh: Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, Mường Thanh, đồi A1.., những toan tính chiến lược từ hai phía địch, ta; những nụ cười chiến thắng và những giọt nước mắt đau thương... tất cả đều được tái hiện một cách giản dị, chân thực, tự nhiên qua từng trang viết. Hơn hết, theo dòng hồi ức của tướng Giáp, người đọc có thể thấy chính sức mạnh chính trị, tinh thần của dân tộc đã giúp Việt Nam vượt qua khó khăn và giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
|
|
Dù là một tác phẩm mang tính hồi ký, nhưng ở Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, người đọc dễ nhận thấy tướng Giáp rất ít nói về mình. Thay vào đó, ông nói nhiều về sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, của Bác Hồ, về những người đồng đội, về nhân dân Việt Nam anh hùng. Từ những người chỉ huy dạn dày trận mạc như: Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Vương Thừa Vũ, Lê Quảng Ba, Nguyễn Hữu An, Hoàng Cầm... đến những người lính binh nhất, binh nhì đều được đại tướng nhắc đến một cách tự hào và trân trọng. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi giao nhiệm vụ cho ông, Bác Hồ chỉ nói ngắn gọn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Chính vì vậy, khi vào chiến dịch, đến sát ngày nổ súng, qua nắm bắt thực tế, nhận thấy tình hình địch đã có nhiều thay đổi, quân ta “rất ít yếu tố thắng lợi”, ông đã hết sức suy tư, trăn trở. “Mỗi ngày, tôi càng nhận thấy rõ là không thể đánh nhanh được. Lời Bác dặn trước lúc lên đường và Nghị quyết Trung ương đầu năm văng vẳng bên tai: “Chỉ được thắng không được bại, vì bại là hết vốn...”. Sau một đêm gần như thức trắng, sáng 26-1-1954 (ngày dự kiến mở màn chiến dịch), trong cuộc họp Đảng ủy mặt trận, sau khi thảo luận rất dân chủ, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi cách đánh, từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Thực tế cho thấy, đây là một quyết định sáng suốt, mang tính lịch sử, làm thay đổi cục diện chiến trường, đưa trận chiến Điện Biên Phủ đến toàn thắng vào ngày 7-5-1954. 6.200 quân viễn chinh Pháp bị tiêu diệt và bắt sống tại trận địa. Thành trì bất khả xâm phạm của chủ nghĩa đế quốc đã bị phá vỡ. Hồi chuông báo hiệu giờ tận số của chủ nghĩa thực dân đã điểm... Chính quyền thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva, chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập của 3 nước Đông Dương.
Nhà sử học người Mỹ Cecil B.Currey đã đặt tên cho cuốn sách của mình về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “Chiến thắng bằng mọi giá”. Thế nhưng, với hồi ký Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, người đọc có thể thấy tướng Giáp không phải là vị tướng cầm quân bất chấp tất cả để đạt được kết quả cuối cùng. Ngược lại, ông luôn suy nghĩ, tính toán để đạt được thắng lợi nhưng tổn thất ít nhất. "Tôi đã thuộc từng trung đoàn, từng tiểu đoàn, từng đại đội chủ công, biết những cán bộ đại đội, trung đội, chiến sĩ đã lập công xuất sắc. Đã thấy rõ mọi người lên đường lần này đều sẵn sàng hy sinh để giành chiến thắng. Nhưng nhiệm vụ của chiến dịch không chỉ là giành chiến thắng, mà còn phải giữ được những vốn quý cho cuộc chiến lâu dài...", đại tướng nhớ lại. Nói như tướng Trần Văn Trà, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “một Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”.
|
|
Đọc hồi ức Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử còn có thể thấy, Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng rất nhân văn. Minh chứng rõ nét nhất, giữa những ngày ác liệt nhất của trận chiến ở Điện Biên Phủ, những người lính bắt được thùng hàng do máy bay thả xuống, trong đó có lá thư và 2 cuốn tiểu thuyết của vợ De Castries gửi cho chồng. Biết điều đó, tướng Giáp đã yêu cầu chỉ huy đơn vị phải tìm cách gửi cho De Castries. Ngay sau khi trận đánh vừa kết thúc, ông đến từng căn hầm gặp những người lính Pháp bị thương, điều động quân y phối hợp với nhân viên y tế của Pháp cứu chữa cho họ, cho phép máy bay Pháp hạ cánh chở những thương binh nặng về Hà Nội chữa trị. Đó là cách hành xử nhân văn hiếm có xưa nay, là sự tiếp nối về tinh thần hòa hiếu của dân tộc Việt Nam như khi xưa Nguyễn Trãi đã tham mưu cho Bình Định Vương Lê Lợi cấp 500 chiếc thuyền cho các bại tướng giặc Minh về nước.
70 năm đã đi qua kể từ ngày 7-5-1954 lịch sử. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành cuốn sách kinh điển cho những ai muốn tìm hiểu về trận chiến Điện Biên Phủ, và rộng hơn là về chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Với cuốn sách này, người đọc không chỉ được tiếp xúc với nguồn sử liệu chân thực, sống động, mà còn nhận ra chân dung tinh thần, tầm vóc văn hóa, cốt cách vĩ nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người đã trở thành một phần của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX!
Hồi ức Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (nhà văn Hữu Mai thể hiện) dày gần 500 trang, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành lần đầu tiên vào năm 2000. Tên của cuốn hồi ký xuất phát từ câu nói nổi tiếng của tướng Giáp: “Điện Biên Phủ là điểm hẹn mà lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay”. Ngay khi ra đời, cuốn hồi ký đã được các nhà nghiên cứu lịch sử và công chúng quan tâm bởi tác giả là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, người chỉ huy trực tiếp chiến dịch Điện Biên Phủ, một trận đánh đã đi vào lịch sử chiến tranh nhân loại. Năm 2004, tác phẩm được nữ nhà văn, nhà báo người Mỹ Lady Borton dịch ra tiếng Anh và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới./.
Nguồn Báo Khánh Hòa - MTTQKH