Tháng 12 năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Chỉ thị số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động quản lý, khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi, đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm thực hiện, công tác quản lý về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực song vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục.
Có sự chuyển biến nhưng còn một số hạn chế
Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 10, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị này. Từ năm 2018 đến 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và Chỉ thị số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh nhận thức đầy đủ hơn về các quan điểm, chủ trương, giải pháp của tỉnh trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản. Công tác lập quy hoạch khoáng sản, quản lý quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản có chuyển biến tích cực; việc cấp phép khai thác khoáng sản ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả. Đặc biệt, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản được chú trọng hơn, qua đó đã xử lý nghiêm các sai phạm. Từ năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng trong toàn tỉnh đã thanh tra, kiểm tra xử lý 6.362 vụ việc. Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền gần 27,2 tỷ đồng; tịch thu hơn 2.000m3 cát, đất và hơn 31m3 đá granite; tịch thu 60 ghe, 41 bè, 2 máy múc, 1 xe kéo tự chế để khai thác cát…
|
Lực lượng chức năng tạm giữ ghe khai thác cát trái phép trên sông Cái. Ảnh: Thái Thịnh |
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý trong lĩnh vực khoáng sản vẫn còn nhiều hạn chế. Phát biểu tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 10 (tổ chức ngày 23-11), đại diện Công an tỉnh cho biết: Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên các sông, suối, hồ, đập ở các địa phương trong tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều dự án lớn nên nhu cầu vật liệu san lấp rất lớn. Tuy nhiên, các mỏ đất, đá đã được UBND tỉnh cấp phép không đủ phục vụ nhu cầu của các dự án nên một số tổ chức, cá nhân vẫn khai thác khoáng sản trái phép để thu lợi bất chính.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong công tác quản lý về hoạt động khoáng sản tại địa phương, ông Mấu Văn Phi - Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh cho biết, các đối tượng thường lén lút khai thác, tập kết khoáng sản vào những ngày nghỉ, giờ nghỉ (chủ yếu là ban đêm), khai thác xa nơi dân cư hoặc tại các vị trí giáp ranh giữa các địa bàn... nên địa phương rất khó quản lý. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho công tác quản lý nhà nước về khoáng sản ở cấp huyện chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; thẩm quyền xử lý của UBND cấp xã rất hạn chế.
Sẽ ban hành chỉ thị mới
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nói trên. Đó là do một số cấp ủy, chính quyền cơ sở thiếu quyết liệt, có biểu hiện buông lỏng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được quan tâm đúng mức. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương có lúc thiếu đồng bộ, có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm; năng lực, trình độ của một số cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ở cấp cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, có biểu hiện tiếp tay, bao che nên việc xử lý sai phạm còn chưa kịp thời...
Trong thời gian tới, tỉnh phải tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị để xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, trọng tâm là việc thu hút, kêu gọi các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Do đó, đòi hỏi tỉnh cần quản lý tốt trong lĩnh vực khoáng sản, bảo đảm nguồn cung vật liệu cho các công trình, dự án lớn. Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh yêu cầu, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân trong tỉnh tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khoáng sản; nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp trong công tác quản lý quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, nhất là đất quy hoạch khoáng sản, bảo đảm việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đúng quy định, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong việc cấp phép các hoạt động khai thác khoáng sản; tổ chức công bố, công khai rộng rãi và thực hiện nghiêm túc công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản ngay từ đầu năm 2024...
Sắp tới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành chỉ thị mới thay thế Chỉ thị số 10 để tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động khoáng sản.
XUÂN THÀNH
Theo Báo Khánh Hòa