Ngày 19/9, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Khánh Vĩnh phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự án Luật đất đai (sửa đổi) và lấy ý kiến phản biện xã hội đối với dự án Luật.
Chủ trì Hội nghị có đồng chí Cao Thị Thêm - Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có các uỷ viên Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Khánh Vĩnh Khoá VII, nhiệm kỳ 2019 – 2024, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Cao Thị Thêm khẳng định Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện Dự án luật trước khi trình Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổng hợp ý kiến.
Đ/c Cao Thị Thêm phát biểu tại Hội nghị
Để Hội nghị phản biện đạt được mục đích, yêu cầu, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đồng chí Cao Thị Thêm đề nghị các đại biểu tập trung phản biện đối với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã thể chế hóa những điểm mới theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, các chủ trương của Đảng về đất đai; sự tương thích của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với Hiến pháp năm 2013 và các luật khác có liên quan.
Việc thể chế hóa các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW nhấn mạnh vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, thực hiện và giám sát, phản biện xã hội chính sách pháp luật về đất đai. Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước các cấp và quyền chủ thể của nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất.
Cùng với đó, tập trung những nội dung trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm tăng tính công khai, minh bạch, bình đẳng giao đất, cho thuê đất. Làm rõ tiêu chí giao đất, cho thuê đất, đặc biệt cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng; tiêu chí, hạn mức giao các loại đất, trong đó qui định rõ hạn mức đất giao cho tôn giáo, loại giao không thu tiền, có thu tiền sử dụng đất. Hoàn thiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư (Chương VII), thể chế hóa quan điểm được nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW “có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”…
Lê Đình Chinh