Căn cứ Hướng dẫn số 59/HD-MTTQ-BTT, ngày 17/3/2022 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa về công tác Phong trào năm 2022, ngày 24/5/2022, Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Cuộc vận động năm 2021, phát động thực hiện Cuộc vận động năm 2022. Tham dự Hội nghị có: Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, Thường trực Huyện ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện; đại diện một số doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn huyện; lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể của 18 xã, thị trấn như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh và Hội Người Cao tuổi; đại diện Ban Quản lý chợ tại các địa phương trong huyện.
Sau phần Công bố Quyết định số 517-QĐ/HU, ngày 28/4/2022 v/v thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Ban Thường vụ Huyện ủy, Hội nghị thông qua đánh giá kết qủa thực hiện Cuộc vận động năm 2021, phát động thực hiện Cuộc vận động năm 2022; thông qua Chương trình triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Kế hoạch số 72-KH/HU, ngày 28/4/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện Kế hoạch số 50-KH/TU, ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy v/v triển khai Chỉ thị 03-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với triển khai Cuộc vận động trong tình hình mới của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện; nghe tham luận của các địa phương, doanh nghiệp; các phát biểu hưởng ứng và tham gia Cuộc vận động của đại diện các Ban Quản lý chợ, đại diện các tầng lớp nhân dân ở các khu dân cư trên địa bàn toàn huyện.
Năm 2021, Ban Chỉ đạo huyện tổ chức phiên chợ Hàng Việt về nông thôn nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và Nhân Dần 2022 tại Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao huyện, chợ Diên Phú, chợ Diên Điền, chợ Diên Sơn, chợ Suối Hiệp, chợ Diên Lạc, chợ Diên Phước và chợ Diên Xuân; thời gian diễn ra hội chợ có hơn 20.000 lượt người tham gia; thành viên Ban công tác Mặt trận; cán bộ, hội viên, đoàn viên của các tổ chức thành viên đã tuyên truyền vận động nhân dân tìm hiểu sản phẩm và ủng hộ cho doanh nghiệp. Các thành viên như: Ngành Văn hóa & Thông tin, hệ thống Truyền thanh từ huyện đến các địa phương mở nhiều đợt tuyên truyền, xây dựng chuyên mục về nội dung Cuộc vận động…; năm 2021 có 19 tin, bài tuyên về các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sản xuất tại Việt Nam được người tiêu dùng ưa chuộng, giới thiệu các sản phẩm truyền thống của địa phương; hướng dẫn cách phân biệt hàng hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, cách sử dụng an toàn vệ sinh thực phẩm; hoạt động của các doanh nghiệp trong huyện; thành viên BCĐ là các tổ chức thành viên tuyên truyền trong cán bộ, đoàn viên, hội viên hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động với hình thức kết hợp vào các buổi sinh hoạt hội, thôn, tổ dân phố; lồng ghép trong các buổi sinh hoạt học tập, sơ kết, tổng kết gắn với triển khai các cuộc vận động, các phong trào do ngành cấp trên phát động; xây dựng nếp sống văn hóa, thói quen tiêu dùng hàng Việt trong các gia đình đoàn viên, hội viên và cộng đồng như: Hội Phụ nữ huyện phối hợp các doanh nghiệp tổ chức 02 đợt giới thiệu sản phẩm Việt Nam chất lượng cao đến các cấp trong tổ chức hội, vận động hội viên dùng hàng Việt trong nội trợ và các nhu cầu khác trong gia đình; Hội Nông dân hỗ trợ vốn sản xuất, vận động nông dân áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa, tạo uy tín cho người tiêu dùng, tổ chức 04 đợt giới thiệu hàng nông sản giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông; Hội Cựu Chiến binh, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên …tham gia hưởng ứng cuộc vận động bằng cách sử dụng hàng Việt làm quà tặng, phát thưởng trong các hội nghị, các cuộc thi….; phối hợp Mặt trận vận động chức sắc các tôn giáo, già làng, người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc phát huy vai trò của mình tích cực tuyên truyền, vận động tín đồ ưu tiên dùng hàng Việt trong thờ cúng, sinh hoạt tôn giáo và mua sắm, phục vụ cuộc sống hàng ngày; phát động, vận động cán bộ, công chức, viên chức trong 97 cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương duy trì việc mua sắm vật tư công, văn phòng phẩm, các mặt hàng tiêu dùng trong các hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị bằng hàng Việt Nam sản xuất; phối hợp tăng cường quảng bá hàng Việt, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao chất lượng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; vận động các tiểu thương tích cực kinh doanh hàng Việt nhằm khẳng định khả năng sản xuất hàng chất lượng cao của các doanh nghiệp Việt Nam, cạnh tranh thị trường hàng nhập khẩu; vận động các cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân phát huy vai trò giám sát, phát hiện, tố giác hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng; thực hiện trách nhiệm giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần cùng Chính quyền thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg, ngày 29/4/2014. Phối hợp, tham gia kiểm tra, kiểm soát thị trường; thực hiện hoạt động giám sát các sự kiện xúc tiến thương mại hàng Việt Nam để bảo đảm mục đích của Cuộc vận động và tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Tiếp tục tuyên truyền vận động thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Chương trình phối hợp số 90/CTrPH/CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 30/3/2016 giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy và Chính quyền, sự phân công phối hợp trong Ban Chỉ đạo, hàng năm các cấp trong hệ thống Mặt trận ngoài việc cùng các tổ chức thành viên tuyên truyền vận động các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống của các tổ chức, cá nhân liên quan và các tầng lớp nhân dân thực hiện về ATTP và thực hành an toàn VSATTP, còn tham gia các Đoàn liên ngành, với sự tham gia của các ngành chức năng như: Ngành Công an, ngành Thú y từ huyện đến các địa phương để thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy định của pháp luật liên quan đến ATTP như:
Giám sát và kiểm tra việc thực hiện các văn bản hướng dẫn, phân công phối hợp trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; Quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước về ATTP, về sự phối hợp đồng bộ giữa ngành Y tế, ngành Kinh tế, ngành Quản lý thị trường trong công tác tham mưu, quản lý, thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hàng năm trên địa bàn huyện; giám sát về sự phối hợp hoạt động đồng bộ giữa Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã với Mặt trận và các tổ chức thành viên trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng, chống buôn lậu, hàng giả, vệ sinh ATTP; giám sát việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được quy định tại điểm a và điểm d - khoản 3 trong Chương trình phối hợp số 90/CTRPH/CP-ĐCTUBTWMTTQVN tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống của các tổ chức và cá nhân liên quan.
Các thành viên Ban Chỉ đạo như: Ngành Quản lý thị trường, ngành Y tế, ngành Kinh tế, các cơ quan chức năng liên quan và các địa phương kiểm tra chất lượng hàng hóa, nhãn mác, xuất xứ, thời gian sử dụng…, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2021, các cấp trong hệ thống Mặt trận tham gia triển khai thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm” đến 18 địa phương và 1.998 (sản xuất chế biến thực phẩm, kinh doanh tiêu dùng, dịch vụ ăn uống…). Các cấp trong hệ thống Mặt trận tham gia 36 Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (tuyến huyện 02 đợt, tuyến xã 34 đợt); đã kiểm tra 563 cơ sở, qua kiểm tra có 529/563 cơ sở đạt chất lượng ATVSTP (tỷ lệ 93,96%), 34 cơ sở vi phạm (tỷ lệ 6,04%), trong đó có 02 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 32 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đã được các đoàn kiểm tra nhắc nhở. Khuyến khích nhân dân phát hiện, phản ảnh lên cấp có thẩm quyền những cơ sở sản xuất không đúng quy trình, tiêu chuẩn; những đại lý, hàng quán bán hàng không đúng chất lượng, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Ông Hà Văn Đông - Chủ tịch Mặt trận huyện trao bằng khen cho các tập thể có thành tích trong thực hiện Cuộc vận động
Các địa phương tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do người dân tự nấu, tự chế biến pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc, xuất xứ dưới mọi hình thức; tham gia với đoàn kiểm tra liên ngành huyện kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Triển khai tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước về sản xuất, kinh doanh rượu; đồng thời tuyên truyền đến người dân trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không uống rượu của các cơ sở nấu không đảm bảo chất lượng…; phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3/2021 trên địa bàn huyện.
Ông Phan Văn Hưng - Phó Chủ tịch Mặt trận huyện trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích trong thực hiện Cuộc vận động
Từ những kết quả đó, có 05 tập thể và 05 cá nhân đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức và địa phương được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện khen thưởng thành tích trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2021.
Nguyễn Anh Tuấn