Những năm qua, công tác dân vận đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thực hiện nghiêm túc, gắn với các phong trào thi đua, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác dân vận càng phát huy vai trò và góp phần không nhỏ vào kết quả phòng, chống dịch.
Đổi mới công tác dân vận
Các cấp ủy đảng thời gian qua đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị; chú trọng thực hiện công tác dân vận chính quyền gắn với việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường tiếp xúc, đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; giải quyết kịp thời, từng bước những vấn đề bức xúc của nhân dân. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được chú trọng hơn, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả công việc…
|
Các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy các xã, phường, thị trấn đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động về công tác dân vận; thường xuyên phối hợp, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện và cụ thể hóa các nội dung trọng tâm của chương trình công tác dân vận phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Hàng năm, phát huy vai trò của chi bộ, ban công tác mặt trận, chi đoàn, hội ở các tổ dân vận thôn, tổ dân phố lãnh đạo thực hiện tốt công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới, tham gia thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế, công tác đền bù, giải tỏa, thu hồi đất, tái định cư.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo bền vững; nâng cao chất lượng hoạt động và củng cố, kiện toàn lực lượng đoàn viên, hội viên. Đặc biệt, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, phong trào thi đua yêu nước “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn mình. Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động rộng rãi và có sức lan tỏa trong đời sống xã hội. Tính đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký xây dựng hơn 1.500 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có nhiều mô hình điển hình như: “Vận động, thuyết phục nhân dân hiến đất làm đường giao thông”, “Tự quản bảo vệ môi trường trong khu dân cư”, “Tự quản bảo vệ an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thôn, tổ dân phố”…
Nhiều cách làm hay trong phòng, chống dịch
Ngay khi trên địa bàn tỉnh ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách về phòng, chống dịch bệnh; huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Hệ thống dân vận đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về phòng, chống dịch trên địa bàn. Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở thực hiện “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm bắt tình hình, đời sống nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch…
|
Bên cạnh tuyên truyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội còn vận động nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch… UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã vận động ủng hộ mua vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền gần 41,4 tỷ đồng. Tính đến ngày 13-10, Trung tâm Cứu trợ Covid-19 tỉnh đã tiếp nhận hơn 22,3 tỷ đồng và nhiều trang thiết bị y tế, hàng hóa thiết yếu khác. Từ số tiền và hàng tiếp nhận nói trên, trung tâm đã chi gần 17,4 tỷ đồng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và mua lương thực, thực phẩm cứu trợ; phân bổ hơn 415,5 tấn gạo cùng tất cả trang thiết bị y tế và hàng hóa tiếp nhận. Mặt trận các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, thông qua các ban cứu trợ cấp huyện, tổ cứu trợ Covid-19 cấp xã, thôn, tổ dân phố nhằm tiếp nhận, phân bổ nguồn lực cứu trợ kịp thời cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
|
Ngoài ra, Mặt trận các huyện, thị xã, thành phố vận động mỗi cán bộ ủng hộ 1 ngày lương và các doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền hơn 3,8 tỷ đồng và nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu khác hỗ trợ người dân. Tỉnh đoàn triển khai chuỗi hoạt động, chương trình: “Chuyến xe yêu thương”, “Triệu bữa cơm - Gửi trọn nghĩa tình”, “Hạt gạo nghĩa tình” với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với các chương trình: “Giọt sữa yêu thương”, “Rau xanh nghĩa tình”, “Tiếp sức tuyến đầu chống dịch”, “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, vận động các nguồn lực trao tặng quà với tổng trị giá hơn 11 tỷ đồng. Hội Nông dân tỉnh với chương trình “Những bó rau nghĩa tình” đã vận động được hơn 60 tấn rau, củ quả, trái cây các loại trao tặng các khu cách ly y tế, bếp ăn, khu phong tỏa. Ban Dân vận Tỉnh ủy thăm và tặng hàng trăm phần quà cho các hộ gia đình ngư dân gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh theo chương trình phối hợp “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”…
Ông Trần Ngọc Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hơn lúc nào hết, hệ thống dân vận tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, nỗ lực đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động; phát huy sức mạnh của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, không ngừng đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, nhất là thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực”.
Theo Báo Khánh Hòa