27 Tháng Tư 2024
MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN QUÝ MÃO******Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh !

 
 
 

Những đặc điểm chính trong truyền giáo của Đạo Cao Đài

01/10/2017 23:09   admin    9083 lần

Theo Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo; có điểm mới được đề cập trong Nghị quyết là theo đạo và truyền đạo.

                                                                                

Quan điểm, chính sách này đã định hướng, điều chỉnh hai vấn đề cơ bản của tôn giáo và công tác tôn giáo (theo đạo và truyền đạo), đồng thời cũng chỉ rõ trách nhiệm và quyền lợi của tín đồ, tổ chức tôn giáo ở nước ta hiện nay.

       Truyền đạo được hiểu là quá trình rao giảng, cung cấp thông tin về giáo lý tôn giáo nhằm tác động chuyển hóa đối tượng (cá nhân hoặc tập thể người) làm cho đối tượng tin theo.

       Theo đạo là việc tín đồ tự nguyện tin theo một tôn giáo, thực hành lễ nghi tôn giáo, tuân thủ luật lệ và gia nhập tổ chức của một tôn giáo, hay nói khác đi là biểu hiện niềm tin tôn giáo, một định hướng giá trị vững chắc trong nhận thức và hoạt động của con người.      

       Tổ chức tôn giáo luôn coi công việc truyền đạo (truyền giáo) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Giáo hội để tuyên truyền giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo, thu hút tín đồ, phát triển tín đồ, củng cố đức tin, truyền bá tâm linh, hướng con người tin vào các đấng thần linh, siêu nhiên nhằm mở rộng phạm vi hoạt động, nâng cao vị thế tôn giáo của mình. Hoạt động truyền đạo còn phụ thuộc vào khả năng của từng cá nhân, tổ chức tôn giáo, hoàn cảnh xã hội và đối tượng được truyền đạo.

       Với đạo Cao Đài, hoạt động truyền đạo được các vị tiền khai Đại đạo triển khai ngay sau khi khai đạo; do bối cảnh lịch sử và đặc điểm văn hóa, tín ngưỡng của người dân Nam bộ lúc bấy giờ rất thuận lợi cho việc truyền đạo; trong bài viết này chỉ nêu những điểm chính trong hoạt động truyền giáo của đạo Cao Đài.

          1. Đạo Cao Đài đã thiết lập các đàn cơ để thu hút tín đồ.

       Vào cuối năm 1925 đến đầu năm 1926 thì chính quyền Pháp ở Nam bộ đã biết đến những nhóm hoạt động Cơ bút tiền thân của đạo Cao Đài, nhưng họ cho rằng đây chỉ là những hoạt động mang tính chất tôn giáo và văn hóa, gần gũi với phong trào Thuật Chiêu hồn đang thịnh hành ở phương Tây; mặt khác đa số những người hoạt động Cơ bút là tư sản, địa chủ, công chức trong bộ máy chính quyền thực dân, nên chính quyền Pháp không tỏ thái độ nghi ngờ mà có sự thiện cảm.

       Giai đoạn đầu hình thành hoạt động truyền giáo, các vị chức sắc tiền khai đạo Cao Đài đã tập trung vào việc phát triển tín đồ (hay còn gọi là phổ độ) chủ yếu thông qua việc thiết lập các đàn cơ để thu hút tín đồ. Tháng 10 năm 1926 (tháng 9 năm Bính Dần), các nhóm đi truyền đạo, phổ độ khắp các tỉnh gồm: Nhóm ông Lê Văn Trung, Nguyễn Ngọc Thơ, Trần Đạo Quang đi phổ độ ở các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá; hai ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc phò loan. Nhóm ông Lê Văn Lịch, Nguyễn Ngọc Tương, Yết Ma Luật đi phổ độ mấy hạt chợ Lớn, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre; hai ông Nguyễn Trung Hậu và Trương Hữu Đức phò loan. Nhóm ông Lê Bá Trang, Vương Quan Kỳ, Yết Ma Nhung đi phổ độ trong mấy hạt Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Gia Định, Biên Hòa, Bà Rịa, Sa Đéc; hai ông Cao Quỳnh Diêu và Cao Hoài Sang phò loan.      

       Tất cả các nhóm cùng thời điểm trên đã tỏa đi khắp các tỉnh để phổ độ; mỗi lần đi phổ độ phải có nhiều người đi cùng để thiết lập đàn cơ; một người giám sát buổi đàn, một cặp phò loan, một độc giả đọc lại những chữ do Cơ viết ra và một người điển ký lo ghi chép lại những lời Thượng Đế dạy.

       Đạo Cao Đài sử dụng hai hình thức cơ bút là Cầu cơ (chấp cơ) và Chấp bút để giao tiếp, thông công với các Đấng thiêng liêng nơi cõi vô hình. Đối với hình thức Cầu cơ, một hoặc hai đồng tử sử dụng Ngọc cơ viết chữ lên mặt bàn (Ngọc cơ được làm bằng quả bầu khô rỗng ruột hoặc giỏ tre phết sơn nam gắn với cần cơ dài khoảng 80 cm được trạm khắc cầu kỳ, đầu kia của cần cơ gắn với chiếc bút lông hoặc cành tre làm bút; khi Cầu cơ, đồng tử ôm Ngọc cơ ngồi lắc lư, bút cơ vẽ lên bàn hoặc mâm gạo những chữ, được coi là những lời khuyên dậy của các Đấng siêu hình). Đồng tử có thể xuất khẩu trong khi viết chữ hoặc chỉ viết chữ cho độc giả đọc; còn Chấp bút thì chỉ có một đồng tử cầm bút chì viết chữ trên giấy.

       Thời kỳ này đạo Cao Đài chưa có nơi thờ cúng riêng, các đàn cơ được lập tại gia đình của môn đệ hoặc ở chùa Ngũ chi Minh đạo, Phật giáo; khi lập đàn cơ thì tất cả mọi người được tham dự, ai muốn nhập môn thì vào quỳ trước bàn cơ cầu nguyện, không phải ai đến hầu đàn cũng được thu nhận làm tín đồ mà còn tùy theo cơ bút chỉ dạy, nếu cơ bút viết chữ Thâu thì điển ký ghi tên người đó vào sổ đạo (sẽ được làm lễ nhập môn và học cách tụng kinh, ăn chay), còn viết Lui thì thôi.

       Giai đoạn đầu phổ độ đã đem lại một lực lượng lớn tín đồ, khiến chính quyền địa phương không khỏi lo ngại và buộc họ phải lưu tâm đến phong trào Cao Đài. Đến ngày 14 tháng 11 năm 1926 (mùng 10 tháng 10 năm Bính Dần), tạm ngừng việc truyền đạo để lo khánh thành Thánh thất Từ Lâm Tự (chùa Gò Kén ở Tây Ninh); kết quả truyền đạo chỉ trong vòng hơn một tháng đã thu nhận được mấy vạn tín đồ [1, tr.26].

     2. Phong chức cho chức sắc có uy tín và vị trí trong xã hội như quan chức, địa chủ, trí thức vào đạo.

Các chức sắc Cao Đài quan tâm thu phục các công chức, địa chủ, kỳ hào ở nông thôn; các tư sản, tiểu tư sản, trí thức trong chính quyền Pháp theo đạo và họ được đưa vào hàng chức sắc, có vị trí trong đạo nhằm tăng ảnh hưởng của đạo và thông qua họ lôi kéo những tá điền hoặc những người dưới quyền vào đạo; tiêu biểu như ¤ng Lª V¨n Trung từng làm Thượng Nghị viên Đông Dương, đại diện cho 247 tín đồ và 28 chức sắc [2, tr.291-293] trực tiếp đưa đơn cho Thống đốc Nam kỳ Le Fol, ¤ng NguyÔn Ngäc T­¬ng - Tri phñ Chñ quËn CÇn Giuéc, Đốc phủ Lê Bá Trang đã thu hút được đông đảo nhân dân theo đạo ở vùng Cần Giuộc, Bến Tre, Bà Rịa (Hà Tiên), Gia Định, Chợ Lớn, Vũng Tàu…. các chức sắc này có ảnh hưởng và tạo được uy tín trong nhân dân. Do vậy, số đông nhân dân ở các địa phương trên đã tin tưởng và nhập môn vào đạo; sau này, chức sắc lãnh đạo Cao Đài rất quan tâm và phong chức cho các quan chức chính quyền.

       Bên cạnh việc quan tâm và phong chức cho tầng lớp quan chức chính quyền; các vị tiền khai Đại đạo nhận thấy người chủ đất có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của nông dân Nam bộ, tiêu biểu như ông Cao Triều Phát - Cao Đài Minh Chơn đạo Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Ca - Cao Đài Chơn lý Tiền Giang, ông Ngô Văn Kim - Cao Đài Tây Ninh… khi nhập môn vào đạo, họ kéo theo bạn bè, anh em và hàng ngàn tá điền nhập môn vào đạo đã góp phần cho sự phát triển tín đồ của đạo. Các chức sắc Cao Đài đi truyền đạo thường đến các gia đình nông dân, tìm hiểu về đời sống, tâm tư, nguyện vọng, hướng dẫn khai hoang, truyền nghề thủ công, sử dụng thuốc nam chữa bệnh, giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn, quan hôn tang tế… khiến tình cảm giữa mọi người ngày càng gần gũi và có nhiều người nhập môn vào đạo.

       Ngoài việc tập trung vào hai thành phần là quan chức và địa chủ, các chức sắc khai đạo còn tích cực truyền đạo cho thành phần tri thức; tiêu biểu như các ông Đoàn Văn Bản - Đốc học trường Cầu Kho, ông Nguyễn Trung Hậu - Đốc học trường Tư thục Đa Kao, ông Nguyễn Văn Trò - giáo viên Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Hương - giáo viên Đa Kao, ông Võ Văn Kỉnh - giáo tập Cần Giuộc, ông Phạm Văn Tỷ- giáo tập Cần Giuộc…. Họ là những người tích cực trong công việc truyền đạo, do có trình độ và khả năng thuyết trình nên họ thực sự là những chức sắc truyền giáo của đạo, sau này số trí thức vào đạo ngày càng nhiều và họ trở thành chức sắc truyền đạo chủ chốt của đạo Cao Đài.

      3. Các chức sắc truyền đạo thông qua sinh hoạt tôn giáo và sử dụng Tân luật, Pháp Chánh truyền, Thánh ngôn Hiệp tuyển, Kinh cúng Tứ thời…

       Đạo Cao Đài chú trọng đến việc thu hút quần chúng bằng cách đưa cho người nông dân đương thời món ăn tinh thần, trộn cái đời thường với cái siêu linh; Thánh ngôn, giáo lý, giáo luật, kinh cúng tứ thời… được thể hiện bằng văn vần, văn xuôi, những bài kinh được đọc theo giọng nam ai, nam xuân nên người nông dân dễ học, dễ thuộc và dễ hiểu. Hình thức truyền đạo này rất phổ biến ở Nam bộ; còn truyền đạo Cao Đài ra miền Bắc thời kỳ đầu còn mang tính chất bán công khai, vào năm 1930 người đầu tiên đưa đạo Cao Đài ra Bắc bộ là ông Bùi Văn Hòa, công chức Sở Bưu điện Hà Nội có thời gian vào Nam làm ăn và theo đạo Cao Đài, mặc dù không được Tòa thánh Tây Ninh giao nhiệm vụ truyền giáo, nhưng với phẩm Lễ sanh, ông Bùi Văn Hòa đã tích cực đi truyền đạo và thu hút được một số tín đồ ở các làng Tương Mai, Bạch Mai, Đặng Giang...

       Do biết khai thác khía cạnh cuộc sống, tình cảm và tâm linh nên các chức sắc truyền đạo đã thuyết phục được người nông dân vào đạo Cao Đài; với tư tưởng đại đồng tôn giáo, chủ nghĩa yêu thương nhân loại, đạo Cao Đài đã nhanh chóng được người nông dân Nam bộ tin theo.

     4. Sau khi chia rẽ các chi phái, hoạt động truyền đạo có sự khác nhau về phương thức; truyền đạo phổ độ “ngoại giáo công truyền”, truyền đạo “nội giáo tâm truyền”.

       Đa số các phái thực hiện việc Phổ độ “Ngoại giáo công truyền” thể hiện được mọi tính chất đem đạo vào đời, giúp đời nên đạo và được thể hiện trong danh xưng của đạo là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ; việc phổ độ được các vị tiền khai Đại đạo rất quan tâm và coi trọng, nên chỉ trong thời gian ngắn đạo Cao Đài đã thu hút được rất đông tín đồ.

       Phái theo hướng truyền đạo “Nội giáo Tâm truyền” là phái Chiếu Minh, được thể hiện bên trong có tính cách huyền nhiệm, sâu xa mà người ngoài khó mà biết được, họ thực hiện các phép tu bí tích của ông Ngô Minh Chiêu (người đệ tử đầu tiên của đạo Cao Đài) nhằm giải thoát cho mình, cứu độ chúng sanh lúc còn tại thế và giải thoát khỏi vòng luân hồi sau khi con người tạ thế. Không kể thành phần nào trong xã hội, những tín đồ phái Chiếu Minh phải giữ trọn lời nguyện, không vương vấn hồng trần, thực hiện việc trường trai, tuyệt dục, tứ thời thiền định, tu hành khổ hạnh; thực hành tịnh luyện đúng phép “tánh mạng song tu” để đạt đến “diệt ngã” mà qui về đạo mầu, là cảnh hư vô tuyệt đối; trong quan hệ đều là huynh đệ, tỉ muội, không phân biệt đẳng cấp giữa các môn đệ. Pháp môn Chiếu Minh không có chức sắc và hệ thống tổ chức; các nhà Đàn của Pháp môn hành đạo độc lập, bình đẳng và không phụ thuộc lẫn nhau, nhưng có cùng một mục đích hành đạo là thực thi và lưu truyền Giáo pháp Chơn truyền của ông Ngô Minh Chiêu.

     5. Cùng với hoạt động tôn giáo, các chức sắc lãnh đạo Cao Đài thực hiện tốt hoạt động y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo.

Phương châm hành đạo của đạo Cao Đài là chánh tín, căn bản tự nguyện tu thân hành thiện, hướng dẫn con người sống có đạo đức, hoàn thiện hóa bản thân, hoàn thiện hóa xã hội và giải thoát linh hồn; trong đời thường mỗi tín đồ phải tu dưỡng đạo đức bản thân, lấy phong thái lễ nghĩa làm nề nếp, lấy hiền đức, trung thực làm chuẩn mực đối đãi với xã hội, họ hàng, anh em, bè bạn để làm tấm gương trong sáng cho con cháu trong gia đình, lấy việc thực hiện nhân nghĩa cứu giúp những người có hoàn cảnh bất hạnh làm hành vi chia sẻ, hoà hợp cộng đồng dân tộc, tôn trọng sự công bằng để loài người nơi trần thế được sống trong cảnh thái bình an lạc và tình huynh đệ tương thân tương ái đại đồng.

Theo Đạo Nghị Định số 48/PT lập ngày 19 tháng Mười năm Mậu Dần (tức 10/12/1938), Cơ Quan Phước Thiện được thành lập để lo về việc xã hội, cứu khổ, là một trong 4 cơ quan của đạo Cao Đài, trực thuộc Hiệp Thiên Đài.

Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức của Hội phước thiện được coi ngang hàng như bộ máy tổ chức của Cửu Trùng đài; Hội Phước thiện cũng có Cửu viện và các Ban; tổ chức Phước thiện cơ sở ngang hàng với Họ đạo có các Ban Trị sự bao gồm 12 thành viên, hoạt động tách biệt với các Ban Trị sự của Cửu Trùng đài.

Nhân sự Hội Thánh Phước Thiện gồm 12 phẩm từ trên xuống như sau:

1. Phật Tử: Được xác định là ngôi cao nhất, đồng quyền cùng Đức Chí Tôn để cai quản cả Thần, Thánh, Tiên, Phật trong vũ trụ; ngôi này phải qua “cơ bút” mới được phong (thiên phong); thực tế chưa có ai đảm nhiệm.

2. Tiên Tử: Được xác định là phẩm sáng suốt hoàn toàn, học đủ lục thông và vâng lệnh Đức Chí Tôn để làm một vị Giáo chủ nhân loại; ngôi này cũng được phong bằng cơ bút; thực tế không có ai đảm nhận.

3. Thánh Nhơn: Được xác định là phẩm đã thông ba giới (Thượng giới, Trung giới, Hạ giới) và sẽ đi khai đạo một nơi để độ rỗi chúng sinh; ngôi này do cơ bút phong; thực tế không có ai đảm nhận.

4. Hiền Nhơn: Được xác định là phẩm đã diệt được thất tình (tức bảy tình cảm nơi con người theo quan niệm Phật giáo) không còn nhiễm trần thế, cõi lòng đã thanh tịnh; ngôi này do cơ bút phong và đã có người đạt được trong thực tế (ông Lê Văn Trung).

5. Chơn Nhơn: Được xác định là phẩm đã được theo Tân pháp, nên phải đi hành đạo đúng theo Tân pháp để cứu giúp nhơn sanh; ngôi vị này không do cơ bút phong mà do công nghiệp hành đạo, làm phúc, làm việc thiện nên được phong. Từ ngôi Chơn Nhơn trở xuống đến ngôi vị thấp nhất là Minh Đức đều do công nghiệp mà được Hội thánh xét phong, thực tế có rất nhiều người được phong.

6. Đạo Nhơn: Được xác định là phẩm còn đang học đạo và hành pháp, phải về Hội thánh để thọ Tân pháp bí truyền.

7. Chí Thiện: Được xác định là phẩm đã đạt phẩm hạnh cao nhất của đường thiện, trở thành người hoàn thiện hoàn toàn.

8. Giáo Thiện: Được xác định là phẩm đang đi dạy việc thiện cho người, cứu giúp nhơn sanh tìm đường thiên lý tức Đạo Trời.

9. Hành Thiện: Được xác định là phẩm đang làm việc thiện để cứu khổ những kẻ đang lầm khổ, tật nguyền, bệnh hoạn…

10. Thính Thiện: Được xác định là phẩm trong sạch trong tinh thần, là tai luôn luôn nghe và tâm hồn luôn luôn cảm những việc lành hầu phân biệt chánh, tà, thiện, ác.

11. Tân Dân: Được xác định là phẩm đã từ bỏ thói hư, tật xấu của người đời, trau dồi đức hạnh, biết sửa mình.

12. Minh Đức: Được xác định là phẩm đang trau dồi đức hạnh, trong đức hơn tiền tài.

Vào năm 1970, Phước thiện điều hành 108 hoạt động kinh doanh, 96 khu đất cấy lúa, 3 khu cho vụ mùa thứ hai, 3 đồn điền cao su, 5 cơ sở đồ gỗ thủ công, 1 trung tâm thương mại. Hội Phước thiện điều hành một trường trung học, bắt đầu năm 1964 và vào năm 1970 có trên 1.000 học sinh và trường trung học cơ sở có 1.800 học sinh. Khóa học bao gồm tiếng Trung Quốc, nhạc, triết học, tôn giáo; lương trong các trường này không cao, chỉ bằng 15% lương của các trường nhà nước, nhưng loại hình dạy học này được xem là “công quả” và sau 5 năm dạy, một giáo viên thành công có thể trở thành Lễ sanh, họ có khoảng 2.000 cuốn sách. Học viện mở ra ba trường trung học. Vào năm 1970 có khoảng 20.000 học sinh. Y viện không có hoạt động rộng rãi vì các phương tiện chữa trị chủ yếu ở Thánh địa do Phước thiện quản lý. Nó có trạm xá, nhà ở cho người già, Ban tương trợ cho những người có nhu cầu thuốc men và tài chính; tính đến năm 1971, Hội Phước thiện có tổng cộng 6.044 chức sắc.

Với phương châm hành đạo chuyên lo công việc từ thiện, giúp đỡ những người khó khăn, bệnh tật, già yếu, cô đơn, mở phòng thuốc, phòng khám bệnh miễn phí, trường học cho con em đạo, dưỡng lão đường, cô nhi viện; mở các tiệm cơm chay, nồi cháo tình thương, ủng hộ đồng bào lũ lụt thiên tai, hòm cho người nghèo qua đời … các đám tang, ma, cúng giỗ được đạo Cao Đài hết sức coi trọng, trở thành công việc thường xuyên của các Thánh thất, được tổ chức với sự tham gia của cả cộng đồng và với những nghi lễ hết sức cầu kỳ đã chiếm được cảm tình của đông đảo nhân dân.

       Đạo Cao Đài được thể hiện ở niềm tin và hành vi tôn giáo của tín đồ Cao Đài; sinh hoạt đời sống, đạo đức văn hóa - xã hội của tín đồ Cao Đài còn bị ràng buộc bởi lễ nghi, tổ chức của đạo. Mọi chức sắc cũng như tín đồ ngoài việc làm lễ, răn giữ ngũ giới, làm công quả tự nguyện tùy theo ý thích và năng lực từng người phải tuân thủ một cách chặt chẽ luật đạo, từ việc làm lễ tắm thánh cho trẻ sơ sinh, buộc trẻ nhỏ học đạo, làm lễ nhập môn, đến việc tổ chức lễ hôn phối, lễ cầu lành bệnh, đặc biệt là tang tế... Đó là việc đưa việc đạo vào việc đời và ngược lại. Hơn thế nữa, ở đạo Cao Đài các tín đồ được tổ chức theo gia đình, khi cha mẹ đã vào đạo thì nghiễm nhiên con phải trở thành tín đồ khi đến tuổi trưởng thành.

Có thể nói, đạo Cao Đài ra đời ở Việt Nam nên có các đặc điểm gần gũi với truyền thống văn hóa của dân tộc. Trong lịch sử đạo, các vị tiền khai đạo Cao Đài là những người có trình độ, khả năng thuyết đạo, truyền đạo; đa số chức sắc, chức việc, tín đồ trong đạo là nông dân có tinh thần yêu nước gắn bó với dân tộc; đây là điều kiện thuận lợi để các chức sắc đi truyền đạo, thu hút tín đồ vào đạo và đã đạt được những thành quả to lớn; đồng thời cũng là điều kiện để đạo Cao Đài tồn tại và phát triển các hoạt động tôn giáo thuần túy mang bản sắc văn hóa dân tộc./.

ThS.Nguyễn Ngọc Huấn

Ban Tôn giáo Chính phủ

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Trung Hậu, Histoire du Caodaisme của G.Gobron xuất bản ở Paris, năm 1948.

2. Cơ quan Phổ thông Giáo lý, Lịch sử đạo Cao Đài, quyển 1, Nxb Tôn giáo, 2005, Hà Nội.

3. Cơ quan Phổ thông Giáo lý, Lịch sử đạo Cao Đài, quyển 2, Nxb Tôn giáo, 2008, Hà Nội.

4. Phan Văn Hoàng, Cao Triều Phát- Nghĩa khí Nam bộ, Nhà xuất bản trẻ, 2001, Tp Hồ Chí Minh.

5. Viện nghiên cứu Tôn giáo, Bước đầu tìm hiểu đạo Cao Đài, Nxb Khoa học xã hội, 1995, Hà Nội.

 

Liên kết web









TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH KHÁNH HÒA
Giấy phép: Số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Khánh Hòa cấp ngày 15/01/2018
Trưởng Ban biên tập: Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa
Địa chỉ: Số 02 Ngô Quyền - Thành phố Nha Trang - Tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: 0258.3822955 - 0258.3810311 - Fax: 0258.3810503 - Email: banbientapmtkh@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa" hoặc
"www.mattrankhanhhoa.org.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.