Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo. Đến nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo. Có trên 26 triệu tín đồ, bằng khoảng 27% dân số; có trên 70% dân số còn lại đều có đời sống tín ngưỡng rất phong phú.
Các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay có trên 60 ngàn chức sắc, nhà tu hành; 148 ngàn chức việc (gần 40 ngàn người vừa là chức sắc vừa là chức việc); có 29 ngàn cơ sở thờ tự, cơ sở sinh hoạt tôn giáo đang sử dụng, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành và cơ sở hoạt động từ thiện nhân đạo.
Riêng, Khánh Hòa đồng bào theo tôn giáo có khoảng 371.475 người chiếm 30% dân số trong toàn tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 21 tổ chức tôn giáo thuộc 08 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân; có 1.868 chức sắc, nhà tu hành và 3.745 chức việc, có 621 cơ sở tôn giáo.
1. Phật giáo
2. Công giáo
3. Đạo Tin lành
4. Đạo Cao Đài có 24 thánh thất;
5. Phật giáo Hòa Hảo
6. Phật đường Nam Tông Minh Sư Đạo
7. Tịnh Độ cư sỹ Phật hội Việt Nam
8. Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam
Về tổ chức xã hội của tôn giáo có tổ chức Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Khánh Hòa có 90 thành viên là thành viện của UBMT TQVN tỉnh.
Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo
Tại Điều 4, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định:
(1) Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(2) Phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(3) Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
(4) Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và Nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
(5) Giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Một số nội dung công tác tôn giáo của MTTQ chủ yếu sau đây:
(1) Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào các tôn giáo thực hiện có hiệu quả các nội dung chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước; góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước và địa phương.
(2) Tuyên truyền, vận động chức sắc, nhà tu hành và đồng bào các tôn giáo tham gia phòng chống dịch Covid, đảm bảo an toàn giao thông; tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS; chung tay giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai, bão lũ và đồng bào gặp hoàn cảnh khó khăn; thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các phong trào thi đua yêu nước khác.
(3) Phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện cho tổ chức, chức sắc và đồng bào các tôn giáo tổ chức tốt các ngày lễ trọng của tôn giáo, đảm bảo trang nghiêm, chu đáo, an toàn, tiết kiệm và theo quy định của pháp luật: lễ Phật đản; lễ Giáng sinh, lễ Khai đạo...
(4) Tạo điều kiện cho các tôn giáo tham gia công tác giáo dục, mầm non, bảo trợ xã hội, dạy nghề, y tế, an sinh xã hội. Xây dựng và phát huy cốt cán, người tiêu biểu trong các tôn giáo. Tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà, thăm viếng các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo nhân các ngày lễ trọng của tôn giáo, Tết cổ truyền của dân tộc và khi chức sắc, nhà tu hành ốm đau, qua đời.
(5) Thực hiện tốt hơn chức năng giám sát, phản biện xã hội theo qui định của Luật; Tích cực tham gia góp ý kiến, phản biện xã hội đối với dự thảo các dự án, kế hoạch, chương trình kinh tế- xã hội liên quan đến công tác tôn giáo của địa phương; các chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
---//---
SINH HOẠT TÍN NGƯỠNG
Trải qua hơn 370 năm hình thành và phát triển, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 465 cơ sở tính ngưỡng, gồm: 258 đình, 07 đền, 153 miếu, 02 điện thờ tư gia và 45 loại hình khác (tháp, văn, chỉ, lăng, nhà thờ họ, mộ tướng quân...); trong đó có 06 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 152 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 108 di tích chưa được xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê di tích. Căn cứ vào đặc điểm thờ cúng và sinh hoạt tín ngưỡng, tỉnh Khánh Hòa hiện có các loại hình tín ngưỡng như sau:
Tín ngưỡng thờ cúng tại gia đình bao gồm thờ cúng ông bà, tổ tiên; thờ các vị thần bảo gia (Quan Công, Thiên Hậu, Cửu Thiên Huyền Nữ, Quan Âm, Linh Sơn Thánh Mẫu...), trong đó tín ngưỡng của người Raglai và một số dân tộc thiểu số khác ở Khánh Hòa còn thờ các vị thần như: Thần Trời, Thần Mặt Trăng, thần các Vì sao, ông thần Sấm, bà thần Sét, ông thần Bão, bà thần Gió Lốc, thần Rẫy...; thờ cúng tổ nghề nghiệp (Lê Hữu Trác - tổ sư ngành y học, Nguyễn Minh Không - tổ nghề đúc đồng, Nguyễn Diệu - tổ nghề dệt...); thờ các danh nhân, anh hùng lịch sử, liệt sĩ cách mạng. Bên cạnh đó, người dân còn nhiều bàn thờ khác trong gia đình như thờ ông Địa, thần Tài, ông Táo, bàn Thiên (tín ngưỡng thời trời đất).
Tín ngưỡng thờ cúng tại các đình, đền, miếu bao gồm thờ anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa và các tổ nghề. Hầu hết các đình làng ở Khánh Hòa đều thờ các vị tổ nghề, thánh sư, tiên sư của một ngành nghề hoặc các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa được nhân dân tôn kính (Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo...). Hàng năm vào xuân hay mùa thu, lễ cúng đình ở Khánh Hòa cũng là ngày hội hè của các làng, xã với nghi thức cúng tế, rước lễ để tỏ rõ sự mong ước, cầu “quốc thái dân an - mưa thuận gió hòa - dân cư an lạc”, mong cho dân làng khỏe mạnh, bình anh, kinh tế phát triển, đất nước phồn vinh.
Thờ Thành hoàng nông nghiệp là tục thờ cúng của cư dân nông nghiệp nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xóm làng thịnh vượng. Thờ Thành hoàng ngư nghiệp: Từ bao đời nay, ngư dân vùng biển Khánh Hòa có tục thờ Ông Nam Hải (còn gọi là cá Ông, lăng thờ cúng gọi là Lăng Ông) - hiện thân của loài cá voi có thân hình to lớn nhưng tính tình hiền hòa, thường cứu giúp ngư dân mỗi khi bị nạn. Hàng năm vào mùa xuân hoặc mùa thu, ngư dân Khánh Hòa tiến hành nghi thức cúng Ông Nam Hải - còn gọi là Lễ hội Cầu ngư, cầu thần Biển phù hộ độ trì cho sóng yên biển lặng và cho mùa vụ đánh bắt hải mới đầy bội thu.
Thờ Mẫu là tín ngưỡng Mẫu hệ còn từ xa xưa; bên cạnh việc thờ các vị thần người Việt có nguồn gốc từ phương Bắc như: Liễu Hạnh, Chúa Kho,... người dân Khánh Hòa còn thờ các vị thần của các dân tộc Khmer, Chăm, Hoa, như: Bà chúa Xứ, Thánh Mẫu Thiên Y A Na, Thiên Hậu... Hàng năm, từ ngày 01/3 đến 23/3 Âm lịch, người dân tổ chức Lễ hội Am Chúa (tại Am Chúa, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) và Lễ hội Tháp Bà Ponagar (tại Tháp Bà Ponagar, thành phố Nha Trang) để cầu quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
NGỌC TÂM