Thời gian qua, hoạt động của các Ban Giám sát đầu tư cộng đồng (gọi tắt là Ban Giám sát) đã mang lại hiệu quả thiết thực. Qua giám sát đã kịp thời phát hiện những hạn chế trong quá trình thi công các dự án, công trình ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng công trình; phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện sự công khai, minh bạch, chống lãng phí trong quá trình đầu tư tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hoạt động của các Ban Giám sát vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.
Chủ yếu chỉ giám sát trực quan
Theo quy định, phạm vi giám sát của Ban Giám sát rất rộng. Họ phải tham gia nhiều khâu như: Theo dõi, kiểm tra sự phù hợp của quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư với quy hoạch, kế hoạch đầu tư trên địa bàn theo quy định của pháp luật; theo dõi, kiểm tra việc chủ đầu tư chấp hành các quy định về chỉ giới đất đai và sử dụng đất, quy hoạch mặt bằng chi tiết, phương án kiến trúc, xây dựng, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, tiến độ, kế hoạch đầu tư; tình hình triển khai và tiến độ thực hiện của công trình; phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của cộng đồng trong quá trình thực hiện đầu tư, vận hành dự án; phát hiện những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án; việc thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình đầu tư… Chính vì vậy, nhằm phát huy vai trò “tai mắt” của nhân dân trong công tác giám sát các công trình, dự án, những thành viên của Ban Giám sát ngoài kinh nghiệm, sự nhiệt tình cống hiến, cần có năng lực, trình độ chuyên môn…
|
Bà Chu Thị Phương Nga - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Vĩnh Lương (bìa trái) họp với các thành viên Ban Giám sát. |
Thế nhưng, trên thực tế hiện nay, các Ban Giám sát ở xã, phường, thị trấn tuy có từ 5-7 thành viên (trong đó chiếm gần một nửa là người dân) nhưng rất hiếm người có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực xây dựng. Vì vậy, khi gặp bản thiết kế với quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành, Ban Giám sát đành “bó tay” và tiến hành giám sát theo kiểu trực quan, tức là chỉ quan sát trực tiếp quá trình thi công. Ngoài ra, hiện nay, việc giám sát các công trình, dự án do nhân dân đóng góp hoặc vốn của địa phương thực hiện khá tốt, nhưng hoạt động giám sát cộng đồng đối với các dự án do cấp trên đầu tư tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh), hiện nay, các công trình không phải do UBND phường làm chủ đầu tư, địa phương gần như không thể giám sát. Ví dụ, công trình đầu tư xây dựng trường học thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo, địa phương chỉ biết chủ trương đầu tư, còn chi tiết cụ thể, quá trình thi công công trình, Ban Giám sát không được tham gia, trong khi người thụ hưởng là học sinh trên địa bàn phường. “Chúng tôi kiến nghị, các ngành dọc khi đầu tư xây dựng, sửa chữa công trình trên địa bàn cần có sự phối hợp với địa phương, cung cấp đầy đủ hồ sơ để địa phương cùng giám sát chất lượng công trình. Ban Giám sát là “tai mắt” của dân, vì vậy, để phát huy dân chủ, hạn chế thất thoát, lãng phí, đảm bảo chất lượng công trình thì mọi việc nên để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” - ông Hải nói.
|
Lãnh đạo Mặt trận và thành viên Ban Giám sát trao đổi với đại diện đơn vị thi công về việc điều chỉnh thiết kế công trình đường Hòa Bình (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh). |
Ông Nguyễn Đình Diễn - thành viên Ban Giám sát của xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) cho biết, chính sự thiếu hợp tác của nhà thầu và đơn vị thi công một số công trình ngay từ khâu khảo sát, thiết kế ban đầu làm hạn chế hiệu quả hoạt động giám sát. Vì vậy, chỉ đến khi thi công, các thành viên Ban Giám sát mới có thể phát hiện các thiếu sót, bất cập, yêu cầu khắc phục gây lãng phí cho chính đơn vị thi công và ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Chưa kể, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều chủ đầu tư, đơn vị thi công vẫn chưa nắm được các quy định, còn xem nhẹ, thờ ơ với vai trò, trách nhiệm của các Ban Giám sát. Trong mắt không ít người, công tác giám sát đầu tư cộng đồng như “bình hoa di động - có cũng được, không có cũng chẳng sao”. Ngoài ra, hồ sơ các công trình, dự án có lúc không chuyển cho Ban Giám sát; việc xử lý, giải quyết các kiến nghị sau giám sát còn chậm… cũng làm giảm hiệu quả hoạt động của các Ban Giám sát.
Để phát huy hiệu quả giám sát
Thực tế cho thấy, hoạt động của các Ban Giám sát đã góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí nguồn vốn của Nhà nước nhưng kinh phí cho hoạt động này hiện nay còn eo hẹp. Bà Nguyễn Thị Mùa - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Cam Nghĩa cho biết, hiện nay, đội ngũ làm công tác này vẫn hoạt động chủ yếu trên tinh thần tự nguyện theo kiểu “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Bởi vì, tuy đã có đầy đủ hướng dẫn về kinh phí hoạt động của Ban Giám sát nhưng với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/năm/xã, phường, thị trấn chi cho hoạt động của các Ban Giám sát quá ít. Theo tính toán của bà Mùa, bình quân mỗi năm trên địa bàn phường đầu tư, xây dựng, nâng cấp sửa chữa khoảng 10 công trình xây dựng do phường làm chủ đầu tư, điều này tương đương với việc thành lập 10 Ban Giám sát. Như vậy, mỗi Ban Giám sát được khoảng 500.000 đồng/công trình. Trong khi đó, theo quy định mỗi Ban Giám sát ít nhất 5 thành viên, mỗi thành viên chỉ nhận được khoảng 100.000 đồng cho việc giám sát một công trình xây dựng với thời gian từ 2 đến 3 tháng. Còn bà Chu Thị Phương Nga - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) kiến nghị, đối với kinh phí giám sát đầu tư cộng đồng nên khoán chi cho từng công trình, ít nhất cũng được 100.000 đồng/người/ngày đi làm. Hiện nay, trung bình mỗi thành viên đi làm được khoảng 30.000 đồng/ngày nhưng chỉ được hưởng khi phát hiện ra hạn chế trong quá trình thi công và yêu cầu đơn vị thi công điều chỉnh, làm biên bản chi mới được nhận.
|
Giám sát thi công công trình nâng cấp đường Hòa Bình (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh). |
|
Các thành viên Ban Giám sát đầu tư cộng đồng giám sát công trình xây dựng hồ bơi trẻ em tại xã Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh). |
Theo ông Đặng Ngọc Minh - Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, để hoạt động của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đạt hiệu quả cao, thời gian tới, MTTQ các cấp chủ động tham mưu cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện, cung cấp thông tin, tài liệu… cho Ban Giám sát hoạt động nhằm phát huy vai trò, hiệu quả của các Ban Giám sát. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chức năng, nhiệm vụ của Ban Giám sát, quyền và trách nhiệm của công dân trong tham gia giám sát cũng như ý nghĩa và sự cần thiết của hoạt động này; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng và tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của các tầng lớp nhân dân ở địa phương để giúp Ban Giám sát xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát cụ thể. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ Mặt trận cấp xã, thành viên Ban Giám sát và tổ chức các hội nghị trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các Ban Giám sát; nhân rộng các phương pháp, cách làm hay, mô hình tiêu biểu… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần hỗ trợ cho Ban Giám sát về thông tin, tài liệu liên quan đến dự án; kịp thời giải quyết các đề xuất, kiến nghị của Ban Giám sát…
Ông ĐẶNG NGỌC MINH - Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật, UBMTTQ Việt Nam tỉnh: Trung bình mỗi năm, các Ban Giám sát đầu tư cộng đồng giám sát hơn 450 cuộc. Riêng năm 2022, toàn tỉnh có 218 Ban Giám sát với 1.414 thành viên, tổ chức 459 cuộc giám sát các dự án, công trình phúc lợi xã hội, công trình xây dựng nông thôn mới. Qua giám sát, có 65 kiến nghị khắc phục một số thiếu sót, vi phạm như: Vật liệu xây dựng không đảm bảo chất lượng; thi công không đúng như thiết kế được phê duyệt; việc lu nền đất đường giao thông chưa bảo đảm độ cứng; không có biển báo tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông; vật liệu xây dựng gây cản trở giao thông... Các kiến nghị của Ban Giám sát đều được chủ đầu tư tiếp thu và đơn vị thi công khắc phục kịp thời.
THẢO LY - CẨM VÂN
Theo Báo Khánh Hòa