Được xem là chiếc vé thông hành cho nông sản xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường quốc tế, việc cấp mã số vùng trồng tại Khánh Hòa đang được thúc đẩy mạnh mẽ, trước hết trên những diện tích cây ăn quả.
Đã cấp 17 mã số vùng trồng
Theo ông Trần Thiện Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, những năm gần đây, hoạt động cấp mã số vùng trồng cho một số loại nông sản đã dần nhận được sự quan tâm, tìm hiểu của các hộ nông dân và đơn vị kinh doanh, phân phối. Trên địa bàn tỉnh hiện có 17 mã số vùng trồng được cơ quan chức năng cấp cho các cá nhân, tổ chức sản xuất xoài với diện tích hơn 4.000ha tại huyện Cam Lâm để xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường: Úc, New Zealand, Hoa Kỳ, Trung Quốc và 1 mã số cơ sở đóng gói xoài để xuất khẩu sang Trung Quốc.
|
Ông Nguyễn Huy Thành - Phó Giám đốc Công ty TNHH Vạn Hương (TP. Nha Trang) cho biết: “Tháng 6-2021, doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xoài Cam Lâm để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thời điểm được cấp mã số đã cuối vụ xoài nên chưa thực hiện được. Dự kiến vụ xoài năm nay, doanh nghiệp sẽ bắt đầu thực hiện việc xuất khẩu chính ngạch xoài Cam Lâm sang thị trường này nhưng hiện nay, phía Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách zero Covid-19 nên việc xuất khẩu xoài phải tạm dừng”. Để chuyển hướng kinh doanh, doanh nghiệp đã tìm kiếm, mở rộng xuất khẩu xoài sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và đã đạt được thỏa thuận đặt hàng sơ bộ với một số đối tác. Công ty đã hoàn thiện hồ sơ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang tổ chức thẩm định, trình Cục Trồng trọt xem xét cấp 3 mã số vùng trồng có tổng diện tích 17ha xoài tại xã Cam Thành Bắc (Cam Lâm) để làm cơ sở xuất khẩu xoài sang các thị trường này.
Ngoài ra, Cục Trồng trọt đã có công văn xúc tiến việc xuất khẩu bưởi da xanh qua Mỹ và New Zealand. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã cùng với các địa phương tiến hành phổ biến đến các cơ sở sản xuất, đóng gói trên địa bàn tỉnh các điều kiện cần thiết để bưởi da xanh của Khánh Hòa có thể tiếp cận những thị trường này.
Tăng cường tập huấn, tuyên truyền
Ông Trần Thiện Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Mã số vùng trồng giúp người tiêu dùng có thể truy xuất được đến từng vùng trồng, cơ sở đóng gói về các loại sinh vật gây hại đã phát hiện trên vùng trồng; các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được sử dụng trên vùng trồng; các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu nông sản tiểu ngạch gặp nhiều khó khăn và bấp bênh, việc đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng cho các loại nông sản trên địa bàn tỉnh để nông sản có thể xuất khẩu chính ngạch là nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay của đơn vị. |
Theo ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 3-2022, sở đã tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế và làm việc với 3 địa phương là Cam Lâm, Khánh Sơn và Khánh Vĩnh về hoạt động cấp mã số vùng trồng. Tại Cam Lâm, cây xoài vẫn được định hướng là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn sinh kế ổn định cho người dân; trong khi đó sầu riêng và bưởi da xanh lần lượt là cây trồng chủ lực của 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Do đó, sở đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tập trung tuyên truyền, vận động người dân chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng nông sản sạch, bền vững, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của thị trường trong nước và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, có thể truy xuất được nguồn gốc và từng bước xây dựng mã số vùng trồng. Sở cũng thống nhất với đề xuất của huyện Cam Lâm mở rộng diện tích trồng xoài về khu vực phía tây (dự kiến khoảng 1.000ha).
Sau đợt khảo sát, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất, trong tháng 4 và 5, sở sẽ tổ chức các lớp tập huấn về mã số vùng trồng, mã số đóng gói nhằm giúp các cơ sở sản xuất, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp, lãnh đạo cấp xã, cán bộ quản lý nông nghiệp và nông dân tại địa phương có cái nhìn đầy đủ hơn về mã số vùng trồng và định hướng sản xuất đáp ứng được đòi hỏi của thị trường xuất khẩu. Đồng thời, đây cũng là dịp để địa phương và cơ quan chuyên môn khảo sát, lập danh sách các chủ thể có nhu cầu xây dựng mã số vùng trồng, mã số đóng gói nông sản để tiến hành các bước cấp mã số khi cần thiết.
Được biết, đầu tháng 4, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tập trung kiểm tra, rà soát, đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh, trước hết tại các vùng chuyên canh cây ăn quả.
Theo Báo Khánh Hòa