28 Tháng Tư 2024
MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN QUÝ MÃO******Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh !

 
 
 

Kỷ niệm 106 năm - Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2017)

16/09/2017 15:26   host    27045 lần

Vào những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nước ta bị thực dân Pháp thống trị. Sống trong bối cảnh nước mất, các thế hệ người dân Việt Nam lúc ấy đều mong muốn đánh đuổi giặc Pháp, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Không cam chịu nô lệ, nhiều nhà yêu nước theo phong trào Cần Vương vào nửa cuối thế kỷ XIX, như Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Trần Quí Cáp, Trịnh Phong, Thủ Khoa Huân…đã lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Pháp khắp mọi nơi trong cả nước; đến các phong trào theo khuynh hướng dân chủ tư sản, tiểu tư sản như: Đông Du (Phan Bội Châu), Duy Tân - Đông Kinh nghĩa Thục (Phan Chu Trinh), Việt Nam Quang Phục Hội (Nguyễn Thái Học) vào đầu thế kỷ XX … nhưng kết cục đều bị thất bại vì không thể vạch ra được con đường giải phóng dân tộc đúng đắn. Cách mạng Việt Nam đứng trước sự bế tắc về đường lối cứu nước. Nguyễn Tất Thành rất khâm phục tinh thần yêu nước của các sĩ phu, văn thân, chí sĩ xã thân vì nước, nhưng Người không tán thành đường lối cứu nước của các bậc tiền bối. Người quyết định đi ra nước ngoài để học hỏi, quyết tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. 
 

Tàu Amiral Latouche Tréville
Bến Nhà Rồng (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh) Tàu Amiral Latouche Tréville

 

Ngày 5 - 6 - 1911 tại Bến Nhà Rồng (bến cảng Sài Gòn), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, với tên gọi Văn Ba, xin làm phụ bếp trên chiếc tàu buôn Pháp của Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville) để bắt đầu chuyến hành trình dài, mang theo nhiều khát vọng lớn lao tìm đường cứu nước cho dân tộc mình (từ năm 1911 cho đến năm 1941). Khi nói về mục đích chuyến đi của mình, năm 1923 Người đã trả lời một nhà báo Nga rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái… Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”. Theo hành trình của tàu, Nguyễn Tất Thành đã dừng chân ở cảng Mácxây, cảng Lơ Havơrơ (Le Havre) của Pháp. Những ngày đầu tiên trên đất Pháp, Anh được chứng kiến ở Pháp cũng có những người nghèo như ở Việt Nam. 

Đầu năm 1912, không dừng lại ở Pháp Nguyễn Tất Thành tiếp tục làm thuê cho một chiếc tàu của hãng Sácgiơ Rêuyni, Anh có dịp đi vòng quanh châu Phi, Trung Mỹ, Nam Mỹ và nhiều nước của Châu âu. Cuối năm 1912, Anh dừng lại ở nước Mỹ. Tại đây, Người có dịp tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ với bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng trong lịch sử, tìm hiểu đời sống của những người dân lao động Mỹ và cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của những người da đen. Trong suốt cuộc hành trình, đi đến đâu Người cũng thấy cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị và nạn phân biệt chủng tộc. Anh liên tưởng một cách tự nhiên đến số phận của người dân Việt Nam, đồng bào khốn khổ của Anh. Họ cũng là nạn nhân của sự hung ác, vô nhân đạo của bọn thực dân. Cũng từ đó Người đã rút ra kết luận: Chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. 

Khoảng đầu năm 1913, Nguyễn Tất Thành theo tàu rời Mỹ sang Anh. Đến nước Anh, để kiếm tiền sinh sống, Anh nhận cào tuyết cho một trường học, làm thợ đốt lò, rồi chuyển sang làm phụ bếp ở khách sạn Cáclơtơn (Carlton), một khách sạn sang nổi tiếng ở Luân Đôn. Công việc hết sức nặng nhọc, nhưng sau mỗi ngày Người đều tranh thủ thời gian học tiếng Anh và hăng hái tham dự những cuộc diễn thuyết ngoài trời của nhiều nhà hoạt động chính trị, tham gia Hội những người lao động hải ngoại, ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Airơlen.

Cuối năm 1917, giữa lúc cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra ác liệt, tình hình Đông Dương đang có những biến động, Nguyễn Tất Thành quyết định từ Anh trở lại Pháp. Người vừa hoạt động chính trị, vừa phải kiếm sống một cách chật vật, khi thì làm thuê cho một hiệu ảnh, khi thì vẽ thuê cho một xưởng đồ cổ mỹ nghệ Trung Hoa, nhưng Người vẫn kiên trì, hăng say học tập, viết sách báo để tuyên truyền, đấu tranh đòi quyền lợi cho nhân dân nước mình. Thời gian này, Người thường xuyên gặp gỡ với những người Việt Nam ở Pháp, có tư tưởng và khuynh hướng tiến bộ như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và từng bước tham gia vào cuộc đấu tranh của phong trào công nhân và lao động Pháp. Khoảng đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Khi được hỏi vì sao vào Đảng, Người trả lời: Vì đây là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”.

Ngày 18-6-1919, tại Hội nghị hòa bình thế giới ở Vécxây (Pháp) thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành cùng Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường soạn thảo bản Yêu sách của nhân dân An Nam, gồm tám điểm gửi tới Hội nghị Vécxây. Dưới bản Yêu sách Nguyễn Tất Thành ký tên: Nguyễn Ái Quốc. Đây là lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện. 

Tại Đại hội lần thứ hai Quốc tế Cộng sản (năm 1920), đã thông qua Luận cương của Lênin về những vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Luận cương của Lênin đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc đã lập tức thu hút và tác động mạnh mẽ đến Nguyễn Ái Quốc và chỉ ra cho Người con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”!

Quá trình tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin của Nguyễn Ái Quốc ngày càng có hệ thống và hoàn thiện khi Người tham gia Đảng Cộng sản Pháp, học tập ở Trường Đại học Phương Đông và hoạt động trong phong trào Quốc tế Cộng sản, đã làm cho nhận thức của Người càng thêm sâu sắc hơn về sức mạnh của nhân dân lao động thế giới, về mối quan hệ giữa các dân tộc bị áp bức, giữa cách mạng ở các nước thuộc địa và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc của giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở các nước chính quốc và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cuộc đấu tranh ấy. Trong đó sự kiện Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng cộng sản Pháp (12/1920) là một mốc lịch sử quan trọng trong hành trình đi tìm đường cứu nước của Người, đánh dấu bước chuyển biến quyết định, nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người - từ một nhà yêu nước chân chính trở thành một chiến sĩ cộng sản và có những luận điểm bổ sung, phát triển, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với thực tiển cách mạng Việt Nam. Đồng thời, sự kiện đó cũng đánh dấu một bước ngoặc lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới: Cách mạng dân tộc gắn liền với Cách mạng Xã hội chủ nghĩa.

Đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người bắt đầu xây dựng những nhân tố bảo đảm cho cách mạng Việt Nam: truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, khởi thảo Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt – Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (năm 1930), xác định con đường của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Sau hơn 30 năm xa Tổ quốc, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về đất nước, tại Pác Bó - Cao Bằng để trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng trong nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường cho phong trào yêu nước, làm cho chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam vươn lên tầm thời đại và trở thành biểu tượng chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam: lãnh đạo thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyễn Thọ

 

Liên kết web









TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH KHÁNH HÒA
Giấy phép: Số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Khánh Hòa cấp ngày 15/01/2018
Trưởng Ban biên tập: Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa
Địa chỉ: Số 02 Ngô Quyền - Thành phố Nha Trang - Tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: 0258.3822955 - 0258.3810311 - Fax: 0258.3810503 - Email: banbientapmtkh@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa" hoặc
"www.mattrankhanhhoa.org.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.