22 Tháng Mười Một 2024
MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN QUÝ MÃO******Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh !

 
 
 

Khánh Hòa cần có chương trình hành động quyết liệt hơn

03/07/2020 22:39   admin    377 lần

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, diễn ra ngày 2-7. Tại điểm cầu Khánh Hòa, các ông: Nguyễn Khắc Toàn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.


Dịch Covid-19 cản trở hoàn thành các kế hoạch


Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước trong quý II/2020 chỉ tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta, nhưng so với khu vực và thế giới thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương. Trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011 - 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2020 giảm 5,8% so với quý trước; 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019.

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại điểm cầu Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại điểm cầu Khánh Hòa.


Đối với Khánh Hòa, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển KT-XH của tỉnh. 6 tháng đầu năm 2020, các chỉ tiêu đều tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, dịch bệnh đã cản trở việc hoàn thành các kế hoạch đã đề ra đầu năm, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ. Bên cạnh đó, việc tập trung triển khai khắc phục hậu quả các vi phạm và xử lý các vi phạm sau kiểm tra, thanh tra đối với các dự án trên địa bàn tỉnh cũng tác động đến nhiều dự án đang triển khai và ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển KT-XH của tỉnh; một số nội dung vướng mắc, tỉnh phải chờ kết luận chỉ đạo, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, Chính phủ để thực hiện.


Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp


Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, tình hình 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất thách thức, sức ép về kiểm soát lạm phát rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp rất nhiều khó khăn. Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất cần phải có những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập trung cao độ, nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và quán triệt phương châm hành động mới để phục hồi và phát triển kinh tế.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tuy kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tất cả các cấp, ngành cần nhận diện, xác định rõ các rủi ro bên ngoài và bên trong để có biện pháp điều hành đồng bộ, hiệu quả, kịp thời. “Trong khó khăn của thế giới và trong nước, một lần nữa chúng ta cần khẳng định rõ phải duy trì ổn định vĩ mô để nâng cao uy tín chỉ đạo điều hành, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo nền tảng cho ổn định và phát triển KT-XH”, Thủ tướng nhấn mạnh.


Thủ tướng đề nghị các địa phương, các bộ, ngành kiến nghị những giải pháp cụ thể hơn nữa để phát huy vai trò, động lực của các địa phương, nhất là các “đầu tàu kinh tế”, các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố lớn phải có giải pháp mạnh hơn, đồng bộ để vực dậy khu vực dịch vụ, du lịch, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh hiện nay. Trong 12 tỉnh có tăng trưởng âm, các tỉnh, thành: Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu là những tỉnh có mức tăng trưởng âm nhiều nhất. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Khánh Hòa cùng các tỉnh nêu trên cần có chương trình hành động quyết liệt hơn, thậm chí có một chương trình hành động riêng để có thể sớm khôi phục kinh tế.

 

zzUBND tỉnh kiến nghị Chính phủ cho chính sách đặc thù đối với Khu Kinh tế Vân Phong.

UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Chính phủ cho chính sách đặc thù đối với Khu Kinh tế Vân Phong.

 

Đối với Khánh Hòa, để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020, UBND tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ, công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm. Theo đó, sẽ đẩy mạnh triển khai các kế hoạch tái khởi động và phát triển KT-XH theo lộ trình phù hợp; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, sẽ tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch. Hoạt động khai thác kinh doanh du lịch có trọng tâm, trọng điểm cũng sẽ được tỉnh tiếp tục quan tâm. Ngoài ra, UBND tỉnh xem xét tận dụng tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm, thu hút khách du lịch trong nước trong thời kỳ dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp.


Ông Nguyễn Tấn Tuân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cho phép xây dựng Đề án cơ chế, chính sách phát triển Khu Kinh tế Vân Phong trong tình hình mới với một số cơ chế, chính sách đặc thù. Chính phủ cũng sớm đầu tư cao tốc Buôn Mê Thuột - Nha Trang và cho nâng cấp sân bay Tuy Hòa để tạo động lực và khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vịnh Vân Phong nói chung, Khu Kinh tế Vân Phong nói riêng. “Tỉnh mong Chính phủ xem xét, hỗ trợ bổ sung vốn đầu tư các công trình quan trọng cho tỉnh Khánh Hòa như đường giao thông ven biển, đê kè phòng, chống ứng phó biến đổi khí hậu... nhằm kích thích kinh tế và tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm. Đồng thời, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các kết luận chỉ đạo; hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh xử lý các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện các khắc phục theo các nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra… để đưa các dự án đầu tư vào triển khai và ổn định KT-XH của tỉnh”, ông Nguyễn Tấn Tuân kiến nghị.


Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy và đạt được mục tiêu tăng trưởng cao nhất. Cần làm ngay những công tác cấp bách để phát triển kinh tế; quy hoạch kịp thời các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đón các nhà đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải có kịch bản cụ thể cho tăng trưởng quý III và quý IV với mục tiêu tăng trưởng 3 đến 4%. Từng bộ, từng địa phương phải thành lập ban chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là đầu tư công. Thủ tướng yêu cầu thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt các công cụ tài chính, chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tăng trưởng, không thể đi ngược xu hướng chung. Ngoài ra, hỗ trợ các loại hình doanh nghiệp và loại hình kinh tế, đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân; tổ chức kinh tế ban đêm, kích cầu du lịch nội địa. Đặc biệt, quan tâm đến kinh tế tư nhân, các vùng kinh tế trọng điểm phải là đầu tàu để kéo dậy nền kinh tế.

Theo Báo Khánh Hòa

 

Liên kết web









TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH KHÁNH HÒA
Giấy phép: Số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Khánh Hòa cấp ngày 15/01/2018
Trưởng Ban biên tập: Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa
Địa chỉ: Số 02 Ngô Quyền - Thành phố Nha Trang - Tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: 0258.3822955 - 0258.3810311 - Fax: 0258.3810503 - Email: banbientapmtkh@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa" hoặc
"www.mattrankhanhhoa.org.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.