Đó là đề nghị của ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh tại buổi làm việc ngày 11/9 cùng Đoàn kiểm tra, khảo sát việc thi hành Luật MTTQ Việt Nam tại trụ sở Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tham gia Đoàn công tác có ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
|
Đoàn công tác làm việc tại Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. |
Giám sát, phản biện được đẩy mạnh thực hiện
Theo báo cáo tổng hợp, 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân đã chủ trì, phối hợp tổ chức 6.892 cuộc giám sát việc thực hiện một số chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân, những vấn đề có nhiều bức xúc trong sản xuất và đời sống của nông dân như chính sách về quản lý, đền bù, thu hồi đất đai, pháp luật về bảo vệ môi trường,...
Về phía Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, từ năm 2016 đến nay, Trung ương Hội đã chủ trì giám sát 10 nội dung với nhiều hình thức đa dạnh, thành lập 31 đoàn giám sát; giám sát thông qua báo cáo và các tài liệu liên quan đối với 4 tỉnh, giám sát 4 vụ việc qua quá trình giải quyết đơn thư.
Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, huyện, xã đã chủ trì thành lập 14.906 đoàn giám sát, tham gia 11.043 đoàn giám sát, khảo sát của cấp ủy Đảng các cấp, Quốc hội, HĐND, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp.
|
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc. |
Theo ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam, vấn đề nổi cộm ở nhiều địa phương hiện nay là việc các đơn thư khiếu nại của người dân liên quan đến vấn đề đất đai chưa được giải quyết kịp thời và triệt để. Do đó, việc bám sát Luật MTTQ Việt Nam để thực hiện việc giám sát thực hiện giải quyết các đơn thư khiếu nại của Hội Nông dân cần được đẩy mạnh, tập trung phản biện các dự thảo liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Văn Trượng, đại diện Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho rằng, hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân cần được đẩy mạnh hơn nhằm hỗ trợ về dịch vụ pháp lý cho người dân, từ đó giảm bớt được đơn thư khiếu nại vượt cấp cũng như tạo thuận lợi cho công tác giám sát, phản biện việc thực hiện chính sách pháp luật trong thời gian tới.
|
Ông Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. |
Khó khăn trong việc tập hợp ý kiến quần chúng
Hiện nay, việc tập hợp ý kiến phản ảnh, kiến nghị của nông dân còn hạn chế tại nhiều địa phương, một phần do số lượng cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội tại các địa phương là không nhiều, chưa phát huy tốt vai trò của lực lượng đông đảo hội viên, nông dân. Bản thân ông Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam luôn trăn trở về sự khó khăn trong thực hiện công tác tập hợp ý kiến của nhân dân tại cơ sở.
“MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần có sự phối hợp, đổi mới, thay đổi cách thức vận hành chính sách. Các nội dung thực hiện trong Luật MTTQ Việt Nam đều hướng đến lợi ích của nhân dân và xuất phát từ ý kiến của nhân dân. Nếu không tập hợp được đầy đủ ý kiến của người dân thì mọi hoạt động sẽ bị ngừng trệ, khó giải quyết”, ông Đoàn kiến nghị.
|
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại buổi làm việc. |
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, suy cho cùng, người dân là chủ thể của mọi quan hệ quy định trong Luật MTTQ Việt Nam, do đó phải dựa vào dân để có được các thức giám sát, tập hợp ý kiến người dân đúng đắn, đồng thời, các tổ chức thành viên cũng cần thực hiện phương châm vừa làm, vừa chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường trao đổi những cách làm hay, tránh sự chồng chéo, sâu sát hơn trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại ở cơ sở.
Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh khẳng định, các ý kiến đóng góp của các đại biểu là những chia sẻ rất quan trọng, làm cơ sở cho Đoàn giám sát nghiên cứu, đưa ra những giải pháp thực hiện hiệu quả Luật MTTQ Việt Nam trong thời gian tới.
|
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh tại buổi làm việc với Trung ương Hội LHPN Việt Nam. |
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đề nghị, trong thời gian tới, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các tổ chức thành viên phải có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở, đặc biệt chú trọng giám sát quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến đất đai và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, đồng thời có sơ kết, rút kinh nghiệm, tổng hợp thành tích, động viên khen thưởng kịp thời.
“Điều quan trọng nhất là mỗi tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam phải phát huy được vai trò, thế mạnh của mình qua quá trình thi hành Luật. Có như vậy, nhận thức của đội ngũ cán bộ sẽ ngày một nâng cao, năng lực điểu hành, hoạt động của các tổ chức dần được cải thiện, những rào cản, hạn chế ở cơ sở sẽ được khắc phục và loại bỏ. Đó chính là hiệu quả từ việc thi hành các quy định trong Luật MTTQ Việt Nam”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Theo http://mattran.org.vn