25 Tháng Tư 2024
MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN QUÝ MÃO******Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh !

Nội dung văn bản
Ký hiệu 84/HD-MTTW-BTT
Ngày ban hành 30-08-2017
Ngày hết hiệu lực
Trích yếu Hướng dẫn xây dựng mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
Cơ quan ban hành Ủy ban MTTQ Trung Ương
Loại văn bản Hướng dẫn, Kế hoạch
Lĩnh vực
Tập tin đính kèm

Nội dung

ỦY BAN TRUNG ƯƠNG

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

BAN THƯỜNG TRỰC

        Số: 84/HD-MTTW-BTT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

               Hà Nội, ngày  30  tháng 8  năm 2017

 

HƯỚNG DẪN

Xây dựng mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường

và ứng phó với biến đổi khí hậu

 

          Thực hiện Kế hoạch số 363/KH-MTTW-BTT, ngày 31/3/2017 của Ban Chủ nhiệm Chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường về Triển khai các nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm 2017 đã được Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phê duyệt, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc xây dựng các mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường năm 2017 như sau:

I. CƠ SỞ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH KHU DÂN CƯ TỰ QUẢN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

1. Chủ trương, đường lối của Đảng

1.1. Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị nêu rõ:

- “Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân”(Quan điểm 5).

- “Xây dựng nước ta trở thành một nước có môi trường tốt, có sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; mọi người đều có ý thức bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên” (Mục tiêu 3).

- “Phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường. Đề cao trách nhiệm, tăng cường sự tham gia có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông trong hoạt động bảo vệ môi trường... Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và vào tiêu chuẩn thi đua (Giải pháp 3: Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường).

- “Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện Nghị quyết, đưa công tác bảo vệ môi trường vào nội dung hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể” (Tổ chức thực hiện).

1.2. Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3 tháng 6 năm 2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TƯ khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

- “Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội” (Quan điểm).

- “Thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; hỗ trợ người dân trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển, người dân bị ảnh hưởng do khai thác tài nguyên thái quá” (Giải pháp).

          - “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đẩy mạnh công tác vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và giám sát thực hiện Nghị quyết” (Tổ chức thực hiện).

2. Chính sách, pháp luật của Nhà nước

2.1. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23 tháng 6 năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015) (Chương XV- Trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường).

“Điều 144. Trách nhiệm và quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.

2  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường”.

2.2. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- “Tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc; tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.” (Điều 13: Phương thức tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc).

3. Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

          - “Mặt trận phối hợp với chính quyền, các đoàn thể tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng trong phạm vi cả nước các loại mô hình nhân dân tự quản ở phường, xã, khu dân cư để giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường...” (Chương trình 2, ĐH lần thứ VIII MTTQ Việt Nam).

- Đề án số 04, ngày 28/12/2015 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”:

Vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xử lý chất thải sản xuất và sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường; trồng cây xanh; xây dựng các mô hình cổng nhà sân vườn, đường làng ngõ xóm, khu phố sáng - xanh - sạch - đẹp.

Hướng dẫn để người dân biết cách ứng phó với biến đổi khí hậu và tham gia giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường (Các hoạt động trên góp phần tích cực thực hiện tiêu chí 17 về xây dựng nông thôn mới).

- Nội dung đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

- Chương trình phối hợp số 20, ngày 26/12/2016 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường về Thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2017 – 2020:

“Tiếp tục xây dựng mới và nhân rộng các mô hình, điển hình của cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thực hiện nếp sống văn minh, vệ sinh môi trường, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học” (Nội dung phối hợp).

- Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (Giai đoạn 2015 – 2020).

- Phối hợp nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các cộng đồng tôn giáo; hỗ trợ các tổ chức tôn giáo xây dựng mô hình điểm tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và nhân rộng các mô hình này ở cộng đồng phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của mỗi tôn giáo (Nội dung phối hợp hành động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo).

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH KHU DÂN CƯ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

1. Mục đích

- Xây dựng các mô hình về cộng đồng dân cư thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tổ chức cuộc sống ở các địa bàn dân cư. Những mô hình đạt tiêu chí sẽ được nghiệm thu và nhân rộng ra ở tất cả các khu dân cư trong toàn quốc, góp phần thực hiện có hiệu quả tiêu chí số 17 của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

- Trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện xây dựng mô hình, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp trong việc phối hợp với các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức tôn giáo ở địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân ở cộng đồng khu dân cư nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững của cộng đồng dân cư và của đất nước với phương châm vì lợi ích của dân, thực hiện bằng sức dân và do dân tự quản.

2. Yêu cầu

- Việc tổ chức xây dựng mô hình phải có sự thống nhất cao từ nhận thức đến hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện giữa cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức thành viên với Mặt trận các cấp và khu dân cư.

- Cần  nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đầy đủ tình hình, thực trạng về nhận thức và hành vi của người dân; điều kiện kinh tế, xã hội; về sản xuất, kinh doanh; phong tục, tập quán, thói quen hằng ngày của cá nhân và hộ gia đình ở cộng đồng dân cư làm cơ sở xây dựng nội dung, tiêu chí và giải pháp phù hợp để xây dựng mô hình điểm, cũng như căn cứ để đánh giá mức độ thành công khi tiến hành kiểm tra, nghiệm thu mô hình.

- Phát huy trách nhiệm của mọi thành phần trong cộng đồng dân cư, đặc  biệt là vai trò của các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, các vị già làng, trưởng bản, trưởng các họ tộc trong việc xây dựng mô hình.

III. NỘI DUNG XÂY DỰNG MÔ HÌNH

1. Nguyên tắc chung

- Việc xây dựng mô hình phải bảo đảm sự thống nhất về lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giữa cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

- Việc lựa chọn và xây dựng mô hình trước hết phải bảo đảm những yêu cầu cơ bản của việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn dân cư theo những tiêu chí mà Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản pháp quy khác của Nhà nước đã quy định và đặc điểm tình hình của khu dân cư.

- Những nội dung xây dựng và thực hiện mô hình không chỉ đơn thuần về bảo vệ môi trường ở khu dân cư mà còn là các nội dung liên quan, hỗ trợ cho các hoạt động khác ở khu dân cư để thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, vì vậy kết quả của mô hình gắn liền với kết quả của Cuộc vận động đang triển khai ở khu dân cư.

- Các khu dân cư được chọn xây dựng mô hình về cơ bản bảo đảm các yếu tố sau:

+  Quy mô khu dân cư vừa phải:

Từ 200 hộ trở lên  đối với vùng thành thị;

Từ 150 hộ trở lên đối với vùng nông thôn đồng bằng;

Dưới 150 hộ đối với vùng núi.

+  Có Ban Công tác Mặt trận đầy đủ cơ cấu, thành phần, số lượng;

+ Ngoài ra, tùy đặc điểm tình hình của địa phương, có thể chọn khu dân cư có đông đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số.

2. Các nội dung thực hiện trong việc xây dựng các mô hình

Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở khu dân cư theo tiêu chí 17 của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cụ thể:

Nội dung tiêu chí

Chỉ tiêu chung

Chỉ tiêu theo vùng

Trung du miền núi phía Bắc

Đồng bằng sông Hồng

Bắc Trung Bộ

Duyên hải Nam Trung Bộ

Tây Nguyên

Đông

Nam

Bộ

Đồng bằng sông Cửu Long

17.1. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định

≥95%

(≥60% nước sạch)

≥90%

(≥50% nước sạch)

≥98%

(≥65% nước sạch)

≥98%

(≥60% nước sạch)

≥95%

(≥60% nước sạch)

≥95%

(≥50% nước sạch)

≥98%

(≥65% nước sạch)

≥95%

(≥65% nước sạch)

17.2. Tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường

100%

100%

100%

100%

100%

100%

100%

100%

17.3. Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn

Đạt

Đạt

Đạt

Đạt

Đạt

Đạt

Đạt

Đạt

17.4. Mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch

UBND cấp tỉnh quy định cụ thể để phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm văn hóa từng dân tộc

17.5. Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định

Đạt

Đạt

Đạt

Đạt

Đạt

Đạt

Đạt

Đạt

 17. 6. Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch[3]

≥85%

≥70%

≥90%

≥85%

≥85%

≥70%

≥90%

≥70%

17.7. Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường

≥70%

≥60%

≥80%

≥70%

≥75%

≥60%

≥80%

≥70%

17.8. Tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm

100%

100%

100%

100%

100%

100%

100%

100%

3. Tiêu chí để MTTQ Việt Nam công nhận khu dân cư đạt mô hình điểm

3.1. Nhân dân tự giác thực hiện hương ước, quy ước hoặc bản cam kết thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu dân cư:

- Trên 95% hộ gia đình ký và thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất, kinh doanh và tổ chức cuộc sống hằng ngày.

- Trên 90% hộ gia đình tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường của tổ dân phố, thôn, bản, ngõ...;

- Trên 90% hộ gia đình nộp đủ các loại phí bảo vệ môi trường theo quy định.

3.2. Bảo đảm vệ sinh, môi trường ở tất cả các tụ điểm công cộng và khu vực sinh hoạt chung của khu dân cư.

3.3. Có các tổ chức tự quản và hoạt động tích cực, hiệu quả trong kiểm tra việc thực hiện: có lịch hoạt động, kết quả cụ thể của từng thời gian đánh giá, kiểm tra việc thực hiện các nội dung nêu trên từ hộ gia đình đến cả khu dân cư; có lịch trình và tổ chức, huy động các thành viên trong cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường ở khu dân cư (tuần, tháng, quý, năm...).

3.4. Có các hình thức, biện pháp thu gom, phân loại rác thải do cộng đồng dân cư tự tổ chức thực hiện.

3.5. Đường làng, ngõ xóm, ngõ phố phong quang, vệ sinh, sạch đẹp, trồng cây xanh ở những nơi công cộng.

3.6. Có 90% số hộ gia đình (đối với đô thị, nông thôn) và 80% số hộ gia đình (đối với miền núi) thực hiện tốt các tiêu chí ở mục 2.

4. Các bước thực hiện việc xây dựng mô hình thí điểm

4.1. Khảo sát thực tế

- Chọn lựa địa bàn xây dựng mô hình;

- Khảo sát tình hình đời sống, các phong tục tập quán, nếp sinh hoạt của khu dân cư, đặc biệt là thực trạng ô nhiễm môi trường, những yêu cầu cần phải khắc phục, những thói quen, hành động mới cần xây dựng và thực hiện trong sản xuất, kinh doanh, tổ chức cuộc sống, sinh hoạt của mỗi gia đình và của cộng đồng dân cư...

- Xác định điểm xuất phát và các tiêu chí đạt được của mô hình: tập trung vào vấn đề nào cấp thiết nhất cần giải quyết, vấn đề nào khắc phục sau... để xác định thời gian, lộ trình thực hiện hợp lý;

- Làm việc với cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức thành viên, tổ chức, chức sắc tôn giáo trên địa bàn (nếu có) về yêu cầu phối hợp chỉ đạo, thực hiện xây dựng mô hình: thống nhất mục đích, yêu cầu, nội dung; thực trạng hiện nay về môi trường (làm điểm xuất phát); xác định tên gọi của mô hình (theo gợi ý của BCN CT Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường đã giao theo hợp đồng); thành lập tổ chức chỉ đạo xây dựng mô hình của xã, phường, thị trấn, tổ chức vận động ở Khu dân cư làm điểm.

4.2. Triển khai xây dựng mô hình

- Tập huấn cán bộ Mặt trận xã, phường, thị trấn và Ban Công tác Mặt trận, mời chức sắc tôn giáo (nếu có) có khu dân cư chọn xây dựng mô hình;

- Tiến hành các bước chuẩn bị xây dựng mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: xây dựng hoặc bổ sung nội dung bảo vệ môi trường, các giải pháp giúp nhau ứng phó với rủi ro thiên tai bất thường vào hương ước, quy ước hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tổ chức cuộc sống của mỗi gia đình và của khu dân cư.

- Họp dân trong khu dân cư thảo luận mục đích, yêu cầu và những nội dung đã chuẩn bị để đi đến thống nhất;

- Tổ chức ký cam kết thực hiện;

- Tổ chức và xây dựng các nội dung, phương pháp hoạt động của các nhóm tự quản để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện những nội dung đã cam kết.

4.3. Tổ chức thực hiện các nội dung của mô hình: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp hướng dẫn, chỉ đạo khu dân cư thực hiện.

4.4. Kiểm tra, sơ kết, nghiệm thu mô hình

- Khu dân cư tự kiểm tra sơ kết và báo cáo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã;

- Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn kiểm tra, sơ kết và báo cáo kết quả lên cấp huyện;

- Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện kiểm tra, sơ kết ở cấp mình và báo cáo kết quả lên cấp tỉnh;

- Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh tổ chức kiểm tra, sơ kết và báo cáo lên Trung ương;

- Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức kiểm tra, đối chiếu kết quả;

- Tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá, nghiệm thu mô hình ở cấp Trung ương.

* Kinh phí xây dựng mô hình điểm: Thực hiện theo phương châm tự quản, tự trang trải phần kinh phí thực hiện, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ phần kinh phí ban đầu đã triển khai nhiệm vụ của năm 2017.

IV. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

Thời gian xây dựng và nghiệm thu mô hình được tiến hành trong 2 năm. Do thời điểm triển khai công việc chậm so với năm kế hoạch nên về mặt chuyên môn, thời gian xây dựng mô hình được chia làm 2 giai đoạn:

* Giai đoạn 1: từ tháng 11/2017 đến tháng 9/2018

1. Ở Trung ương

- Chuẩn bị nội dung, kế hoạch, biên soạn nội dung hướng dẫn việc xây dựng mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Mở hội nghị tập huấn, hướng dẫn việc xây dựng mô hình.

2. Ở địa phương

- Tháng 9/2017 đến 18/11/2017: khảo sát thực tế, mỗi tỉnh (thành phố) lựa chọn 2 khu dân cư xây dựng mô hình; tiến hành triển khai các bước xây dựng mô hình (mục 3.2); tổ chức phát động xây dựng mô hình trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư chào mừng kỷ niệm 87 năm Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đến ngày 30/12/2017, các địa phương hoàn thành việc báo cáo kế hoạch và danh sách các khu dân cư được chọn xây dựng mô hình về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (qua Ban Tuyên giáo).

- Tháng 9/2018: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, huyện tiến hành kiểm tra việc thực hiện giai đoạn 1 và báo cáo lên Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện.

           - Tháng 10/2018: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện kiểm tra việc thực hiện giai đoạn 1 và báo cáo lên Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.

          - Tháng 11/2018: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh kiểm tra giai đoạn 1 và tổng hợp báo cáo lên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiểm tra, đối chiếu với kết quả của các địa phương, mở hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm xây dựng mô hình điểm giai đoạn 1.

          * Giai đoạn 2: từ tháng 11/2018 đến tháng 12/2019

          - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chỉ đạo bổ sung, hoàn chỉnh các tiêu chí, nội dung các mô hình.

- Từ tháng 9 đến tháng 12/2019: Tổ chức kiểm tra, tổng kết việc xây dựng và triển khai nhân rộng các mô hình từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, huyện, tỉnh đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

* Ghi chú:

- Đối với các khu dân cư đã và đang thực hiện các mô hình Khu dân cư bảo vệ môi trường trước đây (Mô hình:“Lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong Cuộc vận động“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; "Khu dân cư thực hiện hài hoà xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường" (được thay đổi tên gọi là "Khu dân cư thực hiện hài hoà giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường"); Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh") thì rà soát việc thực hiện và bổ sung các nội dung, nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, tự quản giảm nhẹ rủi ro khi có sự cố về môi trường, thiên tai xảy ra.

- Đối với các khu dân cư xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư thực hiện văn minh, bảo vệ môi trường trong việc lễ tang đối với người quá cố” (thay đổi thói quen, tập quán tổ chức việc tang của người chết không bảo đảm vệ sinh, môi trường và xây dựng mô hình văn minh, tiến bộ (hoả táng) thì triển khai thực hiện theo hướng dẫn tại Hội nghị tập huấn.

Trên đây là hướng dẫn xây dựng mô hình Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đã được thảo luận thống nhất tại Hội nghị tập huấn triển khai ở Quảng Ninh ngày 4/8/2017 và ở Sóc Trăng ngày 25/8/2017.

  Nơi nhận:

- Chủ tịch Trần Thanh Mẫn (để báo cáo);

- BTT UBTWMTTQ Việt Nam;

- BTT UBMTTQVN các tỉnh, thành phố;

- Các ban, đơn vị UBTWMTTQ Việt Nam;

- Lưu Văn thư, Ban Tuyên giáo MTTW.

TM. BAN THƯỜNG TRỰC

PHÓ CHỦ TỊCH

 

(Đã ký)

 

 

 

Bùi Thị Thanh

Các văn bản khác

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH KHÁNH HÒA
Giấy phép: Số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Khánh Hòa cấp ngày 15/01/2018
Trưởng Ban biên tập: Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa
Địa chỉ: Số 02 Ngô Quyền - Thành phố Nha Trang - Tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: 0258.3810311 - Fax: 0258.3810503 - Email: banbientapmtkh@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa" hoặc
"www.mattrankhanhhoa.org.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.