Dưới ách thống trị nô dịch của thực dân Pháp, nhân dân ta với lòng nồng nàn yêu nước đã đứng lên đấu tranh quyết liệt, mạnh mẽ, tuy nhiên các phong trào yêu nước Việt Nam nổ ra từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đều thất bại, cách mạng Việt Nam lâm vào khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước. Xuất thân trong gia đình nho giáo có truyền thống yêu nước, ngay từ thuở niên thiếu, Hồ Chí Minh đã luôn đau đáu khi chứng kiến cuộc sống cơ cực của người dân bị thực dân, phong kiến áp bức, bóc lột đến tận cùng xương tủy. Trước bối cảnh đó, cuộc hành trình tìm đường cứu nước tháng 6/1911 của người thanh niên Nguyễn Tất Thành là cuộc tìm kiếm một con đường tranh đấu không chỉ nhằm giải quyết một mục tiêu như các bậc tiền bối: giành độc lập dân tộc, mà có mục tiêu là cứu nước và cứu dân.
Ngay từ khi giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã đặt cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta gắn liền với sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, những người lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Trong điều kiện một nước thuộc địa nửa phong kiến, lực lượng giải phóng dân tộc chính là lực lượng toàn dân, trong đó liên minh công nông làm nòng cốt. Bác đã đề ra chiến lược đại đoàn kết toàn dân dưới ngọn cờ cứu nước, giải phóng dân tộc để tập hợp tất cả mọi người dân Việt Nam yêu nước, "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Đồng thời nhấn mạnh, đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh vô địch, “Đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng.”
Ðầu năm 1941, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước chủ trì Hội nghị T.Ư 8, đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu và thành lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân, phát động nhân dân vùng dậy đấu tranh giành chính quyền. Ngay từ khi tìm thấy con đường cứu nước, Bác đã rất chú ý đặt nền móng cho sự hình thành Mặt trận dân tộc thống nhất, xây dựng trên nền tảng liên minh công, nông, trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã quy tụ được cả dân tộc, tập hợp được toàn dân kết thành một khối vững chắc.
Tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 10/9/1955, Bác khẳng định: "Lịch sử trong những năm qua đã tỏ rõ lực lượng đoàn kết của nhân dân là vô địch. Mặt trận Việt Minh đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Mặt trận thống nhất Việt Minh - Liên Việt đã giúp kháng chiến thắng lợi. Chúng ta có thể tin chắc rằng: Với sự cố gắng của mỗi người và sự ủng hộ của toàn dân, Mặt trận Tổ quốc sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là giúp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".
Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã luôn coi trọng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế, lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó là bài học lớn của cách mạng Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết thành nguyên lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã tiếp tục khẳng định tư tưởng đại đoàn kết là một quan điểm, chủ trương lớn cần được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực củng cố, tăng cường, trở thành cội nguồn sức mạnh để đất nước ta vươn lên phát triển mạnh mẽ, hoàn thành những mục tiêu trên con đường phát triển tiếp theo của cách mạng nước ta. Đảng ta khẳng định: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hành dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội”.
90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam luôn vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn là hình ảnh cao đẹp nhất của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, với phương châm đoàn kết, sáng tạo, lắng nghe, cầu thị và cởi mở để tạo sự đồng thuận bền vững, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng Khánh Hòa giàu đẹp, văn minh, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Khánh Hòa không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bám sát nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương để đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, củng cố vững chắc mối quan hệ đoàn kết với các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, người Khánh Hòa ở nước ngoài…
Thường xuyên tuyên truyền, đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách đại đoàn kết, biển đảo... Kịp thời nắm bắt tâm tư, tập hợp ý kiến, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân; tập hợp ý kiến của cử tri, nhân dân trước và sau kỳ họp của Quốc hội, HĐND các cấp để kịp phản ánh, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, góp phần làm tăng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền. Qua đó, MTTQ vừa kết hợp tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, vừa giải thích, vận động tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội và góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương. Kịp thời thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phản bác trước những thông tin sai lệch của các thế lực thù địch, lợi dụng các vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, những hiện tượng tiêu cực, hạn chế trong đời sống xã hội…để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hoạt động của Mặt trận ngày càng hướng mạnh về cơ sở, cộng đồng dân cư, đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với cuộc vận động; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”; đã lồng ghép các nội dung, các phong trào, cuộc vận động vào sự phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên ở khu dân cư bằng nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo, đa dạng, các phong trào không ngừng nhân rộng, lan tỏa, mang hiệu ứng xã hội cao đã khơi dậy tinh thần tự nguyện tự quản của Nhân dân; hỗ trợ xây mới trên 1.300 nhà đại đoàn kết, sửa chữa trên 2.500 nhà cho hộ nghèo và hỗ trợ hơn 60.000 suất quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh…
Các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác vận động nhân dân và là mối liên kết hiệu quả trong hệ thống chính trị ở cơ sở. MTTQ các cấp cũng thường xuyên tiếp xúc, quan tâm thăm hỏi đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo, phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo và người uy tín trong cộng đồng dân cư làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động.
Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã chủ trì thực hiện hơn 930 cuộc giám sát, hơn 250 cuộc phản biện, tổ chức 147 hội nghị góp ý. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được từ công tác giám sát ở cơ sở thông qua việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn trong các hoạt động của thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng, công tác hòa giải và tiếp nhận giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, đảm bảo minh bạch trong việc công khai các thông tin, dân chủ, bình đẳng trong việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về các vấn đề lớn ở địa phương cũng như trong việc tổ chức các bình xét ở cở sở. Mặt trận và các tổ chức thành viên đã tích cực tham gia góp ý vào các văn bản dự thảo chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, các quy định có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Mặt trận các cấp đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp tổ chức hội nghị để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối thoại với nhân dân, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc nảy sinh ở cơ sở; phối hợp giám sát, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời ý kiến cử tri.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, để xứng đáng với vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới, MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, triển khai ực hiện các nội dung cụ thể sau:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động. Phát huy thế mạnh của MTTQ trong việc tạo lập uy tín và giữ vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường việc mở rộng tổ chức, phát triển thành viên là tổ chức và thành viên là cá nhân tiểu biểu; đoàn viên, hội viên của các tổ chức thành viên bảo đảm tính đại diện, tiêu biểu và thiết thực, Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, nghị quyết của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội IX MTTQ Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền các nhân tố mới, điển hình tiêu biểu, mô hình mới, cách làm hay trong việc thực hiện cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, phải làm cho công tác tuyên truyền của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có sức thuyết phục cao, lan tỏa rộng đến các tầng lớp Nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.
Thứ hai, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phải là “cầu nối” góp phần củng cố vững chắc mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến Nhân dân để phản ánh với các cấp ủy đảng, chính quyền. Chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng gần dân, thiết thực, hiệu quả; vận động Nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực, chủ động phản ánh, góp ý kiến, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Thứ ba, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong công tác phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng; xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong đội ngũ cán bộ, đảng viên trên cơ sở phải chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị sinh sống tại các khu dân cư. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, tổ chức tốt hơn nữa các hoạt động thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng; nâng cao chất lượng tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; giám sát, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời ý kiến của cử tri; phối hợp cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp công dân, tổ chức đối thoại với dân, giải quyết đơn thư; nâng cao chất lượng việc lấy ý kiến Nhân dân đối với công tác phản biện xã hội (góp ý) đối với dự án luật, các chế độ chính sách, các chương trình, dự án, quy hoạch… có ảnh hưởng đến dân sinh cần phải lấy ý kiến Nhân dân theo quy định, đẩy mạnh hơn nữa các hình thức nhằm phát huy dân chủ trực tiếp của Nhân dân ở cộng đồng dân cư.
Thứ tư, Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, Mặt trận các cấp tiếp tục tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân với tinh thần đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, tiến bộ và phát triển. Thực hiện tốt công tác vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quê hương, con người, tiềm năng, lợi thế của cả nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng, góp phần mở rộng đoàn kết, thu hút vốn đầu tư, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đồng thời kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam.
Thứ năm: Tích cực đề xuất với cấp ủy các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác Mặt trận, nhất là việc bố trí, xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận. Tiếp tục củng cố, kiện toàn công tác tổ chức hệ thống Mặt trận, các đoàn thể, các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở, Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng công tác vân động quần chúng, tạo điều kiện cho cán bộ Mặt trận được học tập, trao đổi kinh nghiệm công tác theo các chuyên đề, nhất là cách làm hiệu quả trong công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền… Tăng cường phát huy vai trò của các chuyên gia ở các ngành, Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của MTTQ các cấp..
Thúy Anh - Ban DCPL