Sau gần 6 tháng triển khai, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay, Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành theo mục tiêu đề ra. Phóng viên Báo Khánh Hoà đã có cuộc phỏng vấn bà Trần Thu Mai - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Các cơ quan Đảng tỉnh xung quanh vấn đề này.
- Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước; thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho những người yếu thế và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Xin bà cho biết, việc chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình này trên địa bàn tỉnh như thế nào?
- Ngày 5-10-2024, Thủ tướng Chính phủ đã phát động “Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” nhằm xóa hơn 153.000 nhà tạm, dột nát nằm ngoài nguồn vốn ngân sách. Chương trình là bước tiếp nối phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”. Đây là nhiệm vụ chính trị, chủ trương lớn có ý nghĩa quan trọng và nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới. Tại Khánh Hoà, ngay sau khi Chính phủ phát động phong trào, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẩn trương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh làm Phó Trưởng Ban Thường trực, phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cụ thể cho từng thành viên. Đồng thời, 100% các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn trong tỉnh cũng thành lập Ban Chỉ đạo, đảm bảo triển khai thống nhất từ tỉnh đến địa phương, với quyết tâm cao nhất hoàn thành chương trình trước ngày 30-4-2025 nhằm lập thành tích chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).
Trên cơ sở đó, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (nay chuyển chức năng giảm nghèo về Sở Nông nghiệp và Môi trường) - cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh triển khai, hướng dẫn MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, tính nhân văn của chương trình. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản, quy định hướng dẫn quy trình rà soát, lập hồ sơ sửa chữa và xây mới nhà; niêm yết công khai kết quả rà soát danh sách đối tượng được hỗ trợ tại Nhà văn hoá, Nhà sinh hoạt cộng đồng và trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn... Công tác rà soát được thực hiện đồng bộ, chính xác, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng, tạo sự công bằng trong nhân dân, được người dân đồng tình hưởng ứng, nhất là khu vực các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.
- Xin bà cho biết, Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này đã đạt được kết quả như thế nào?
- Thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2024-2025 và Quyết định phê duyệt kết quả tổng hợp nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, theo đó toàn tỉnh có 1.326 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; trong đó, xây mới 462 nhà, sửa chữa 864 nhà. Tổng số tiền hỗ trợ hơn 53,6 tỷ đồng; trong đó mức hỗ trợ xây mới 60 triệu đồng/căn, sửa chữa 30 triệu đồng/căn. Tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành chương trình trước ngày 30-4-2025, sớm hơn mốc thời gian Chính phủ giao (ngày 30-10-2025). Trên cơ sở đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết, huy động tổng lực cả hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện. Nhờ vậy, 797 căn nhà thuộc diện sửa chữa đã hoàn thành, được người dân đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán năm 2025. Ngay sau Tết, toàn tỉnh bắt tay ngay vào triển khai thực hiện xây mới 462 căn nhà cho người dân; đồng thời tiếp tục sửa chữa 67 căn nhà còn lại. Trong quá trình triển khai thực hiện tuy có gặp một số khó khăn, vướng mắc nhưng Ban Chỉ đạo các cấp đã kịp thời giải quyết. Đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu đề ra của Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Không chỉ đảm bảo tiến độ, trong quá trình thực hiện, các cấp, ngành, địa phương cơ sở còn theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ chất lượng và kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã thành lập các đoàn tiến hành kiểm tra, giám sát tiến độ và chất lượng công trình, bảo đảm 3 cứng, diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên, đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân. Qua công tác giám sát, kiểm tra cho thấy, các địa phương đã triển khai nghiêm túc theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh; các căn nhà sửa chữa và xây mới đều đảm bảo chất lượng công trình theo quy định.
- Quá trình triển khai thực hiện chương trình nhận được rất nhiều sự quan tâm, chung tay, hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và Mặt trận các cấp, hội, đoàn thể, chính quyền địa phương. Vậy, xin bà cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
- Để có nguồn lực thực hiện chương trình, ngay khi triển khai, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã tổ chức lễ phát động động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” năm 2024 và hưởng ứng Phong trào thi đua “Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà năm 2025. Tại buổi lễ, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo và các tầng lớp nhân dân đã hỗ trợ số tiền hơn 72 tỷ đồng nhằm thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát và Quỹ ‘Vì người nghèo” tỉnh. Trong đó, Công ty TNHH KN Cam Ranh hỗ trợ 30 tỷ đồng; Công ty Xăng dầu Phú Khánh hỗ trợ 5,04 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup; Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời - Sun Group; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Khánh Hòa; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) - Chi nhánh Khánh Hòa mỗi đơn vị hỗ trợ 5 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Khánh Hòa hỗ trợ 4,98 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Khánh Hòa hỗ trợ 5,1 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Khánh Hòa hỗ trợ 4,98 tỷ đồng... Đến nay, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã chuyển 100% kinh phí về cho các địa phương thực hiện Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát.
Bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ từ chương trình, một số địa phương đã chủ động, phát huy tinh thần tương thân tương ái “ai có gì giúp nấy, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít, ai có công giúp công, ai có của giúp của”, kêu gọi các đơn vị, ban ngành, người dân hỗ trợ thêm kinh phí, vật tư, ngày công... để căn nhà của các hộ dân được khang trang, đủ đầy hơn.
- Đến thời điểm này, Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay vẫn còn một số hộ có khó khăn về nhà ở nhưng chưa đủ điều kiện để thụ hưởng chương trình. Vậy, Ban Chỉ đạo nói chung và Mặt trận nói riêng có định hướng như thế nào nhằm tiếp tục hỗ trợ các đối tượng này, thưa bà?
- Vừa qua, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh lần thứ 3, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo đã giao nhiệm vụ cho UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương tiếp tục quan tâm, rà soát, tổng hợp danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không đủ điều kiện thụ hưởng chương trình. Từ đó, nghiên cứu, đề ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh huy động tốt hơn nữa nguồn lực, mở rộng các hình thức hỗ trợ linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Trên cơ sở đó, thời gian tới, UBMTTQ Việt Nam tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo Mặt trận cơ sở nhanh chóng thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ tiếp tục rà soát các hộ dân có khó khăn về nhà ở, báo cáo danh sách cụ thể để Ban Chỉ đạo có định hướng hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.