A. BỐI CẢNH QUAN HỆ QUỐC TẾ HIỆN NAY
1. Tình hình thế giới
- Quan hệ giữa các nước lớn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh chiến lược để khẳng định cường quốc và tăng cường ảnh hưởng, chi phối quan hệ quốc tế trên từng khu vực và toàn trên toàn thế giới. Các biến động chính trị, sự gia tăng các hành động can thiệp quân sự, cách mạng “sắc màu” gây bất ổn tại nhiều khu vực; sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố, cực đoan và các nguy cơ an ninh phi truyền thống.
- Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục có sự phát triển kinh tế một cách năng động, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các cơ chế hợp tác ở khu vực. Và năm 2020, Việt Nam là Ủy viên không Thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc và Chủ tịch ASEAN; Việt Nam sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN với chủ đề của năm là “Gắn kết và chủ động thích ứng”, đánh dấu 5 năm hình thành Cộng đồng ASEAN.
- Quan hệ quốc tế hiện đã trải qua những căng thẳng nhất trong nhiều năm qua. Quan hệ Trung-Mỹ với vấn đề chiến tranh thương mại; quan hệ giữa các nước có liên quan trên Biển Đông và đặc biệt việc Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và đưa tàu thăm dò xâm phạm vào vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Cụ thể, năm 2014 và 2019, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương HD981 và HD8 tới vị nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc huy động nhiều tàu thuyền các loại, trong đó có tàu quân sự, tàu hải cảnh, cùng nhiều tàu vận tải, tàu cá. Cuối cùng sau nhiều lần kéo giàn khoan và tàu thăm dò vào vùng đặc quyền của Việt Nam..., Trung Quốc đã rút giàn khoan và tàu thăm dò ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam. Nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ quan ngại đối với sự “uy hiếp”, “đe dọa” của Trung Quốc đối với các quốc gia trên Biển Đông.
à Những hoạt động quan hệ quốc tế nhìn chung biểu hiện việc tập hợp lực lượng tranh giành ảnh hưởng quyết liệt. Song do có sự tùy thuộc lẫn nhau nên các bên vẫn kiểm soát căng thẳng, tìm cách ổn định quan hệ vì lợi ích của mỗi bên. Kinh tế thế giới tiếp tục giảm trong năm 2019, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm giảm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
- Về các tổ chức phi chính phủ trên thế giới (NGO), có một số đặc điểm chú ý: hình thức tổ chức lỏng lẻo, không mang tính quần chúng nhưng có khả năng liên kết cao; đa dạng về tôn chỉ, mục đích, năng lực hoạt động; có sự phụ thuộc phần lớn vào tài trợ bên ngoài; cơ cấu thành phần chủ yếu là bộ phận trí thức, thị dân trung lưu...).
Chiến lược của một số nước phương Tây sử dụng một số tổ chức Phi chính phủ làm công cụ tác động, chi phối các tổ chức và diễn đàn quốc tế, tác động vào chính trị các nước; sử dụng tài trợ để thúc đẩy phát triển “xã hội dân sự”, tạo dựng, phát triển và hỗ trợ hoạt động của lực lượng đối lập, bảo trợ, kết nối các tổ chức và cá nhân đối lập, các tổ chức quốc tế để tạo thanh thế và nhằm thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, “cách mạng sắc màu” tại các nước; tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; tác động vào nhận thức về tư tưởng, thể chế, chính sách, pháp luật và thực hiện lồng ghép thông qua các dự án nâng cao năng lực, đào tạo cán bộ, hội nghị, hội thảo, truyền thông, báo chí, phát triển “xã hội dân sự”…
- Tình hình tỉnh Khánh Hòa: Trong những năm gần đây, tỉnh Khánh Hòa trở thành địa điểm hấp dẫn thu hút lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa ngày càng tăng. Hiện có mối quan hệ kết nghĩa với 10 tỉnh, thành phố của các nước Nga, Pháp, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Úc,… có 39 tổ chức Phi chính phủ và 04 tổ chức quốc tế đang hoạt động viện trợ tại tỉnh; hàng năm tỉnh đón trên 100 đoàn khách quốc tế đến làm việc, trao đổi quan hệ, xúc tiến đầu tư, nghiên cứu khoa học; có khoảng 79 doanh nghiệp có vốn góp của người Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động đầu tư, kinh doanh tại tỉnh…
B. MỘT SỐ KẾT QUẢ CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI
1. Một số kết quả hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa
Trong những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh với các đoàn thể chính trị-xã hội và Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh làm nòng cốt đã triển khai, thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân, tăng cường hợp tác quốc tế. Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra các hoạt động văn hóa xã hội nổi bật như Festival Biển 2019, Lễ khai mạc và các hoạt động Năm Du lịch quốc gia 2019,… đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đối ngoại cũng như trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh tỉnh Khánh Hòa ra nước ngoài.
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên đã tổ chức tuyên truyền ngày càng sâu rộng, đa dạng về hình thức, lồng ghép trong các chương trình, hoạt động… tới các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, nhất là nội dung Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 6/7/2011 về "tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới"; Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ các cấp và toàn thể nhân dân.
- Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức thành viên đã chú trọng đẩy mạnh hoạt động giao lưu với các nước trong và ngoài khu vực, bạn bè truyền thống, trọng tâm là tạo mối gắn kết với các nước ưu tiên thứ tự: Các nước láng giềng, ASEAN, khu vực châu Á, Thái Bình Dương, khu vực có vai trò và ảnh hưởng đối với lợi ích của ta: như các tỉnh At-ta-pư, Cham-pa-sak của nước bạn Lào, Strung cheng (Campuchia), Ul-san (Hàn Quốc), Mor-bi-han (Pháp), Saint-Peter-sburg (Nga), Vùng Bắc úc…góp phần củng cố quan hệ hữu nghị và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Tham gia phối hợp Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, các Hội hữu nghị, các tổ chức thành viên duy trì việc tổ chức một số hoạt động thường niên: gặp mặt năm mới 2019 dành cho Kiều bào và người nước ngoài đang sống và làm việc tại Nha Trang – Khánh Hòa; Tổ chức du xuân, tham quan Hội hoa xuân Nha Trang dịp Tết Nguyên đán; dâng hương Đền Hùng nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương; Tổ chức vui Tết Trung thu cho thiếu nhi là con em của một số người nước ngoài và Kiều bào, tổ chức chương trình Giao lưu văn nghệ nhân dịp kỷ niệm của nước bạn, tổ chức đoàn đi tham quan danh thắng, di tích trong và ngoài tỉnh…qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè nước ngoài với công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa, tăng cường sự hiểu biết và thiện cảm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam cũng như nâng tầm vị thế, hình ảnh của Khánh Hòa - Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
- Đối với bà con người Hoa đang sinh sống tại Khánh Hòa: phối hợp với Hội hữu nghị Việt - Trung và các Hội quán người Hoa tại Khánh Hòa tổ chức một số hoạt động như: gặp mặt nhân ngày Quốc khánh Trung Hoa 01/10; khai giảng lớp dạy Hoa văn; lễ thờ cúng Đền Quan thánh, Miếu Thiên Hậu do Hội quán người Hoa tại Nha Trang tổ chức,... Thông qua những lễ hội và các buổi gặp mặt, đã truyền tải thông điệp “cộng đồng người Hoa là cầu nối hữu nghị thực hiện nhiệm vụ đối ngoại nhân dân giữa nhân dân hai nước Việt - Trung nhằm gìn giữ nên hòa bình, tình hữu nghị truyền thống đã được nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp”.
- MTTQ và các tổ chức thành viên đã chủ động tham gia tìm hiểu, mở rộng hợp tác với các tổ chức nhân dân các nước; tổ chức đón tiếp và phối hợp triển khai các hoat động với nhiều đoàn khách quốc tế đến tỉnh như: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tiếp đoàn Hội Phụ nữ Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Tỉnh đoàn tổ chức Hội trại Thanh niên ASEAN với sự tham gia của hơn 300 sinh viên, Ngày hội “Sắc màu ASEAN+1” nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng ngày môi trường thế giới và ra quân vệ sinh môi trường biển cùng các thủy thủ Hoa Kỳ trong khuôn khổ Chương trình đối tác Thái Bình Dương; đoàn đại biểu và thiếu nhi Liên Bang Nga, Liên đoàn lao động tỉnh tiếp đoàn Liên hiệp Công đoàn tỉnh Chămpasack (Lào);
Đồng thời, ký kết các chương trình hợp tác với các tỉnh bạn như: Tỉnh đoàn Khánh Hòa đã ký kết quan hệ hợp tác, kết nghĩa với tỉnh Attapu – Lào, tỉnh Preah Sihanuk của Campuchia về hợp tác quốc tế thanh niên giai đoạn 2014-2017, triển khai chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh, tập huấn kỹ năng công tác thanh niên, khám chữa bệnh cho 3.000 người dân tại tỉnh Attapư; hỗ trợ trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Attapư với tổng trị giá trên 1,3 tỷ đồng; Liên đoàn Lao động tỉnh ký kết chương trình phối hợp hoạt động với đoàn Liên hiệp Công đoàn tỉnh Chămpasack (Lào).
- Mặt trận các cấp làm tốt công tác phối hợp vận động kiều bào hướng về xây dựng quê hương, đất nước, phát huy vai trò cầu nối của bà con kiều bào trong hoạt động đối ngoại nhân dân: Tổ chức thăm hỏi, giao lưu, du xuân đón Tết cổ truyền, gặp mặt kiều bào và thân nhân vào các dịp lễ, tết, về thăm thân; kết nối với thân nhân kiều bào để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cộng đồng người Khánh Hòa ở nước ngoài; tiếp đón, tạo điều kiện thuận lợi, vận động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động khám chữa bệnh, hoạt động nhân đạo, ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ cứu trợ giúp đỡ đồng bào bị thiên tai; phát động phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” trong cộng đồng người Khánh Hòa ở nước ngoài đóng góp ý tưởng hay, kinh nghiệm từ các nước để xây dựng và phát triển tỉnh nhà, tăng cường hỗ trợ người Khánh Hòa ở nước ngoài giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc, của địa phương, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đối ngoại nhân dân của MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa còn một số hạn chế như: Công tác phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên trong công tác đối ngoại nhân dân đôi lúc chưa chặt chẽ, thường xuyên; quy mô, số lượng các hoạt động đối ngoại nhân dân chưa tương xứng với yêu cầy nhiệm vụ và tiềm năng của tỉnh.
Nguyên nhân hạn chế: do sự quán triệt, chỉ đạo chung có lúc chưa kịp thời, thiếu cụ thể; việc đổi mới phương thức hoạt động đối ngoại nhân dân chưa theo kịp thực tiễn hội nhập quốc tế; tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác đối ngoại chưa được sắp xếp, bố trí tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một bộ phận không ít cán bộ không được đào tạo chuyên nghiệp, chưa được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; kinh phí hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận và các đoàn thể chưa có.
3. Nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại của MTTQ Việt Nam thời gian tới.
1. Một số nhận thức cơ bản:
- Mục tiêu: Đối ngoại nhằm giữ vững môi trường hoà bình để xây dựng, phát triển đất nước.
- Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển;
- Chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; “là bạn, đối tác tin cậy với tất cả các nước, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
* Về tư tưởng chỉ đạo đối với công tác đối ngoại nhân dân:
- Nguyên tắc: bảo đảm thực hiện đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và tuân thủ đúng các quy định pháp luật; phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước; bao đảm sự phối hợp thống nhất giữa các tổ chức nhân dân Việt Nam với vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội trong hoạt động đối ngoại nhân dân;
- Phương châm "chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”, “thêm bạn, bớt thù”, “biết mình, biết người, biết thời, biết cách”. Kết hợp nhuần nhuyễn vừa hợp tác, vừa đấu tranh để tranh thủ, phát huy mặt tích cực, tương đồng đồng thời hạn chế, khắc phục mặt tiêu cực của từng đối tác; tăng cường chiều sâu trong các quan hệ đối ngoại kết hợp bảo đảm tính thiết thực, chống lãng phí.
- Nhiệm vụ: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN; xây dựng và tăng cường tình cảm hữu nghị, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ rộng rãi của bạn bè quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Chủ động và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, làm cho bạn bè quốc tế và nhân dân thế giới ngày càng hiểu đúng và đầy đủ hơn về đất nước và con người Việt Nam, nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam.
Đổi mới hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức nhân dân, cá nhân tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Làm tốt công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, tích cực tham gia đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nước ta với các nước.
2. Một số định hướng chủ động đối ngoại
- Trong quan hệ với Trung Quốc: Thực hiện vừa hợp tác vừa đấu tranh. Tăng cường hữu nghị, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác cùng có lợi, tạo điều kiện giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi để phát triển đất nước; kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phản đối các hành động xâm hại lợi ích chính đáng của ta nhưng không kích động hận thù, chủ nghĩa dân tộc cực đoan; phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc nhưng không phải để liên kết chống Trung Quốc và chống nhân dân Trung Quốc nói chung. Tiếp tục khẳng định trân trọng truyền thống hữu nghị, sự ủng hộ giúp đỡ đối với ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, coi trọng vị trí của Trung Quốc là nước láng giềng, nước lớn và là nước XHCN, mong muốn quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp, lành mạnh, ổn định theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt. Khẳng định lập trường, quan điểm của ta; đề nghị thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
- Trong quan hệ với Lào: tăng cường quan hệ hữu nghị, tin cậy, gắn bó, nâng cao hiệu quả hợp tác, giúp bạn một cách thiết thực phù hợp với khả năng của mình. Đối với việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, cần giải thích có tình, có lý cho bạn hiểu về mối quan ngại chính đáng của ta, làm rõ sự cần thiết nghiên cứu kỹ, đánh giá đầy đủ tác động của các công trình trước khi xem xét, quyết định nhưng không để hiểu lầm là ta ngăn cản, không muốn bạn phát triển hoặc vận động các nước chống lại bạn.(Tỉnh Khánh Hòa hiện đang kết nghĩa với 2 tỉnh At – ta –pư, Chăm – pa-sắc (Lào); Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều sinh viên Lào, Campuchia đang sinh sống học tập
- Trong quan hệ với Căm-pu-chia: kiên trì củng cố hữu nghị, hợp tác với nhân dân Căm-pu-chia; đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc lịch sử, các hành động sai trái, thù địch với Việt Nam nhưng không kích động hận thù dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của Căm-pu-chia.
- Về Cộng đồng ASEAN: Ủng hộ một cộng đồng ASEAN hướng về nhân dân, đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau, hợp tác cùng phát triển, tuân thủ luật pháp quốc tế và các thỏa thuận chung; kiên trì bảo vệ nguyên tắc đồng thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
- Trong quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây: Tăng cường quan hệ hiểu biết, hữu nghị nhân dân, thúc đẩy hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với các nước trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, đặc điểm chính trị, văn hóa của mỗi nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; đối thoại về các vấn đề khác biệt nhưng không đơn phương phán xét, áp đặt các quan điểm, giá trị. Mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân có quan điểm tiến bộ, hữu nghị; đồng thời cảnh giác và kiên quyết đấu tranh chống lại các hoạt động thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực xấu.
- Về một số vấn đề lịch sử: cần bám sát các tài liệu, thông tin chính thống, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương để giải thích, phổ biến, đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc lịch sử. Tinh thần của ta là “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” để phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác, không nuôi dưỡng, kích động hận thù nhưng cần tôn trọng lịch sử, không quên quá khứ, càng không chấp nhận xuyên tạc lịch sử. Ta sẵn sàng mở rộng quan hệ cả với cựu chiến binh các nước từng tham chiến mong muốn tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, nhưng không chấp nhận việc bóp méo lịch sử để phù nhận tính chính nghĩa của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; không chấp nhận việc tôn vinh các đội quân xâm lược.
3. Các hoạt động cụ thể:
3.1. MTTQ các cấp tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân theo Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 12-KH/TU, ngày 26/10/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới cũng như nội dung các hoạt động ngoại giao nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xác định nhiệm vụ đối ngoại nhân dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là sự nghiệp của toàn dân. Cụ thể: Cung cấp một số thông tin chính thống về chủ trương, đường lối đối ngoại nhân dân của Đảng, Nhà nước; Vận động nhân dân tham gia các cuộc thi tìm hiểu nét văn hóa, quan hệ Việt Nam và các nước; tham gia các hoạt động giao lưu, tham quan, triển lãm văn hóa các nước tổ chức tại tỉnh..v.v…
3.2. Phối hợp với các cơ quan ban ngành khi có yêu cầu để hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức Phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại địa phương, tranh thủ nguồn lực đầu tư hỗ trợ an sinh xã hội và tiếng nói ủng hộ của quốc tế nhằm phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền đất nước.
3.3. Vận động nhân dân bảo vệ cảnh quan và môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng, nhất là môi trường biển đảo, bảo vệ và phát huy, giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc cho khách quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài khi có điều kiện như: Lễ hội Tháp Bà Ponagar, nghệ thuật trình diễn đàn đá Khánh Sơn, lễ bỏ mả của dân tộc Raglai, nghệ thuật Bài chòi, đồng thời luôn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong treo biển kinh doanh buôn bán……sao cho mỗi người dân, một hành động ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch là nhân tố tích cực, một đại sứ quảng bá trên mặt trận đối ngoại nhân dân.
Xây dựng và triển khai các mô hình điểm khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và an toàn giao thông tại khu dân cư, nhất là những nơi có hoạt động du lịch, đầu tư…nhằm giữ gìn cảnh quan, phát triển du lịch mang tính bền vững, bảo đảm an toàn an ninh cho du khách; đồng thời phê phán các hành vi gây mất mỹ quan đô thị, ứng xử kém với khách du lịch.
Vận động nhân dân ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước, trong tỉnh, một mặt góp phần giữ ổn định và phát triển kinh tế của tỉnh, một mặt góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam, Khánh Hòa thông qua những thương hiệu sản phẩm chất lượng, vươn tầm quốc tế tại địa phương như Yến Sào Khánh Hòa, Cafe Mê Trang, nước mắm 584, may mặc Khacoto..
3.4 Động viên tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, tích cực hưởng ứng các phong trào yêu nước và các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo, đầu tư kinh doanh…tại địa phương thông qua công tác vận động, tiếp xúc với thân nhân trong cộng đồng bà con Khánh Hòa ở nước ngoài; tuyên truyền thành quả của sự nghiệp đổi mới đất nước, hình ảnh một nước Việt Nam hòa bình, ổn định và trên đà phát triển với bạn bè quốc tế. Tuyên truyền về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Đồng thời, đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xuyên tạc chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam, nhân dân Khánh Hòa với nhân dân các nước.
Ban Tuyên giáo MTTQVN tỉnh