Nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Qua đó, khẳng định vai trò của đại biểu HĐND tỉnh trong việc đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, tạo niềm tin đối với cử tri và nhân dân.
Những đổi mới bước đầu
Thời gian qua, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, HĐND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh được thực hiện nghiêm túc; việc tiếp xúc cử tri được tiến hành trước và sau 2 kỳ họp thường lệ hàng năm, bảo đảm đúng quy định, đồng thời có sự đổi mới, nâng cao chất lượng. Các cuộc tiếp xúc cử tri đã thu hút sự quan tâm, tham dự của cử tri và nâng cao ý thức về trách nhiệm giải trình, tiếp thu của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; thể hiện rõ mối liên hệ giữa đại biểu và cử tri. Vai trò, trách nhiệm, kỹ năng của đại biểu trong tiếp xúc đã nâng lên theo hướng đi vào những vấn đề cụ thể, sát với nội dung kỳ họp và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Không chỉ ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhiều đại biểu còn trực tiếp thông tin, trao đổi lại, giải đáp rõ về các kiến nghị đã được cơ quan chức năng giải quyết, góp phần hạn chế việc cử tri kiến nghị nhiều lần. Bên cạnh hình thức tiếp xúc thường lệ, HĐND tỉnh, HĐND cấp huyện đã tổ chức một số cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, hướng đến đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của chính sách dự kiến ban hành để có thêm nhiều thông tin phục vụ việc xem xét, quyết định tại kỳ họp; tổ chức lồng ghép tiếp xúc cử tri nhiều cấp, qua đó tạo thuận tiện cho việc tiếp thu, trao đổi, trả lời cử tri.
|
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh, việc tổ chức tiếp xúc cử tri thời gian qua vẫn còn hạn chế, có phần đơn điệu, hình thức dẫn đến hiệu quả chưa được như mong muốn. Phần lớn ý kiến của cử tri tại các buổi tiếp xúc thường là phản ánh, hoặc yêu cầu giải quyết các vụ việc cụ thể liên quan đến quyền lợi của cá nhân gia đình, thôn xóm mình; ít có ý kiến tham gia đóng góp các vấn đề liên quan đến chương trình kỳ họp, vấn đề quan trọng, quyết định phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong khi đó, chủ trì hội nghị chưa chú trọng đến việc định hướng, cung cấp thông tin về những nội dung trọng tâm cần xin ý kiến để cử tri phát biểu; việc trả lời của các đại biểu HĐND hoặc đại diện chính quyền tại các buổi tiếp xúc còn chung chung; việc giải quyết một số kiến nghị của cử tri tại các kỳ tiếp xúc trước của các ngành chức năng chưa đến nơi đến chốn. Hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề còn ít, thời gian của một số cuộc tiếp xúc cử tri chưa nhiều khiến một số cử tri chưa thực sự mặn mà với các diễn đàn tiếp xúc cử tri…
Để nâng cao chất lượng tiếp xúc
Tại hội nghị giao ban của Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các địa phương mới đây, đại diện Thường trực HĐND các địa phương cho rằng, trong thời gian tới, cần nghiên cứu, tổ chức hoạt động tiếp xúc theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; tổ chức theo mô hình tiếp xúc nhiều cấp; nhân rộng hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo khu vực dân cư. Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng tiếp xúc cử tri muốn được nâng cao, hiệu quả thì phải có kế hoạch tốt, chuẩn bị tốt nội dung tiếp xúc, có sự phân công rõ ràng, đúng thành phần. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực UBMTTQ và lãnh đạo UBND cùng cấp, dành nhiều thời gian để cử tri thể hiện tâm tư nguyện vọng, đề xuất ý kiến, kiến nghị; việc phân loại và chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri phải đúng địa chỉ, phải quan tâm đến những vấn đề bức xúc, những vấn đề đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Đặc biệt, đại biểu phải nâng cao trình độ, kỹ năng mềm về giao tiếp, làm việc nhóm, quan sát, ứng biến kịp thời, quản lý tốt thời gian tiếp xúc… Mỗi đại biểu, tổ đại biểu HĐND phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt việc theo dõi, đôn đốc, giám sát đến cùng việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Ông Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị, trước mắt, Thường trực HĐND các cấp trong tỉnh phải sớm khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế đã gặp phải trong thực tế; nghiên cứu, áp dụng các kinh nghiệm hay đã được Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực HĐND các địa phương chia sẻ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến đại biểu HĐND các cấp. Trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh, HĐND cấp huyện cần tập trung tổ chức tốt các kỳ họp HĐND; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn - trả lời chất vấn; tăng cường hoạt động giám sát; tập trung tuyên truyền Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các chương trình hành động của Chính phủ, Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị; nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa…
Theo Báo Khánh Hòa