Thấm nhuần sâu sắc vị trí, vai trò của nhân dân trong lịch sử: “dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết”; “dân là gốc của nước”, “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”,v.v... với Hồ Chí Minh, tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ của nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vì nhân dân tận tâm, tận lực phục vụ là nguyên tắc tối cao, là sự nhất quán trong tư tưởng và hành động.
Theo đó, muốn phát huy dân chủ, phải thực sự tôn trọng nhân dân, hay nói khác: tôn trọng nhân dân để có thể phát huy dân chủ thực chất.
TIN TƯỞNG VÀ TÔN TRỌNG NHÂN DÂN
Quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo ra lịch sử, lực lượng quyết định sự phát triển của lịch sử. Lịch sử đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng như trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước là minh chứng sinh động khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của nhân dân. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, trong di sản Hồ Chí Minh lại có rất nhiều trang viết, bài nói căn dặn đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải yêu thương, tôn trọng và gắn bó mật thiết với nhân dân, thường xuyên làm tốt công tác vận động nhân dân để nhân nguồn sức mạnh nội lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình cách mạng. Nhân dân trong tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh là tất cả các giai tầng trong xã hội, bao gồm cả kiều bào ta ở nước ngoài, cùng có chung một truyền thống lịch sử, một nền văn hóa, một cuộc sống, một vận mệnh, chí hướng tương lai nên cũng có chung một nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trước họa xâm lăng, xây dựng đất nước hòa bình, phát triển ngày càng phồn thịnh.
Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân ta đã tin tưởng, gắn bó và một lòng theo Đảng, đấu tranh cách mạng để đánh đuổi kẻ thù, giành độc lập, tự do. Đồng thời, cũng chính nhân dân là người đã thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình, lựa chọn và bầu ra các cấp chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Vì thế, khi nước nhà được độc lập, Hồ Chí Minh đã nêu rõ quan điểm: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân… Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân… hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”(1), vì rằng, “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(2). Cũng theo Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, phải hướng vào dân, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Lợi ích của Đảng, của Nhà nước với lợi ích của nhân dân là thống nhất, đó là lợi ích của cả tập thể, của đông đảo quần chúng nhân dân lao động và của toàn xã hội. Do đó, những vấn đề về đường lối, chính sách, cơ chế tổ chức có liên quan đến sinh mệnh, cuộc sống và tương lai của đất nước rất cần sự tham gia, đóng góp ý kiến của nhân dân, để không chỉ vừa thể hiện sự tôn trọng, phát huy dân chủ mà còn tập hợp được trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của nhân dân nhằm hạn chế những sai lầm, khuyết điểm.
Yêu thương nhân dân, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng, và kịp thời giải quyết những yêu cầu, kiến nghị của nhân dân, có lợi cho nhân dân cũng chính là thể hiện sự tôn trọng nhân dân. Cho nên, đối với mọi vấn đề, hãy để mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, “góp phần tìm ra chân lý” và từ đó họ “tự do phục tùng chân lý”.
Trong mỗi quyết sách liên quan đến vận mệnh quốc gia và cuộc sống của nhân dân, Hồ Chí Minh đều cân nhắc cẩn trọng mối quan hệ giữa lợi ích và trách nhiệm, quyền hạn và bổn phận của mỗi người dân để khơi dậy và phát huy được sức mạnh của nhân dân. Xuất phát từ lợi ích, coi lợi ích là động lực thúc đẩy mọi hành động chính trị của nhân dân, Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Chính quyền ta và Đoàn thể ta là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đầy tớ cho dân”(3), nên mỗi cán bộ, đảng viên “Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết. -Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân. -Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình. Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”(4). Đồng thời, trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn, trước hết, phải có chủ trương, đường lối và chính sách đúng; tiếp đến phải có biện pháp đúng, để “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”(5).
Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh đã không chỉ yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải tin tưởng và tôn trọng nhân dân, vì nhân dân phục vụ với vai trò là người “công bộc” mẫu mực mà Người còn mong mỏi, nhắn nhủ nhân dân phải sáng suốt lựa chọn cán bộ xứng đáng đại diện cho quyền lợi của mình. Luôn thống nhất giữa nói và làm, Hồ Chí Minh là người thực hành đường lối cách mạng vì nhân dân sâu sắc nhất, triệt để nhất; đồng thời, là tấm gương sáng về tinh thần lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhân dân và phát huy dân chủ trong mọi hoàn cảnh.
PHÁT HUY VÀ THỰC HÀNH DÂN CHỦ
Tôn trọng tinh thần dân chủ, Hồ Chí Minh coi dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân và thực hành dân chủ là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi khó khăn.
Cốt lõi tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là lấy dân làm gốc, mà dân là gốc thì dân phải là chủ và dân phải làm chủ. Song, nhân dân có quyền làm chủ cũng đồng thời phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân.
Bản chất dân chủ là quyền làm người, do đó để nhân dân có điều kiện tham gia trực tiếp vào việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với tư cách là người chủ thực sự, Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện một nền dân chủ của nhân dân, đảm bảo lợi ích chính đáng của nhân dân; đồng thời, cũng phải đề ra quyền lợi và nghĩa vụ rõ ràng để công dân làm theo đúng Hiến pháp, pháp luật.
Không chỉ khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(6), Hồ Chí Minh còn chỉ rõ dân chủ là phương pháp chứ không phải là những thủ thuật chính trị. Theo đó, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị phải ra sức thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy dân chủ, vì “có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”, “có dân chủ thì dân mới tin, mới dám nói, mới có sự sáng tạo”, góp phần tạo nên động lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Để phát huy dân chủ trên tinh thần tôn trọng nhân dân, Người đưa quy định để mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn phải thực hiện: 1) Trước hết phải làm cho dân biết, “phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”. Nhất là, đối với nông dân, những người vốn có trình độ học vấn không cao nhưng lại chiếm số đông trong xã hội, thì cán bộ phải tuyên truyền, giải thích “làm sao cho bà con hiểu mình là người chủ tập thể, làm chủ hợp tác xã, làm chủ Nhà nước”. 2) Khi dân đã được biết, được hiểu thì phải tạo điều kiện để mọi người được bàn bạc thật sự: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt ra kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương”(7). 3) Sau khi dân đã biết, đã hiểu, đã bàn bạc và xây dựng kế hoạch của địa phương mình, cơ sở mình, thì nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo là “động viên và tổ chức cho toàn dân ra thi hành”. Trong triển khai thực hiện, phải theo dõi, gúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân nhân dân tự giác tham gia, “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”. 4) Công đoạn cuối cùng là mỗi tổ chức, đơn vị, địa phương, cơ sở khi thi hành xong “phải cùng với nhân dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”, để giúp tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm vụ khác.
Hồ Chí Minh là một mẫu mực của tinh thần dân chủ, phát huy dân chủ và luôn mong muốn đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để cán bộ làm tròn nhiệm vụ người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân. Vì thế, Người thường xuyên kêu gọi nhân dân giám sát công việc của Chính phủ từ Trung ương đến cơ sở. Bằng tình cảm chân thành nhất, Người nói: “Từ ngày thành lập Chính phủ, trong nhân viên có nhiều khuyết điểm. Có người làm quan cách mạng, chợ đỏ, chợ đen, khinh dân, mưu vinh thân, phì gia.... Xin đồng bào hãy phê bình giúp đỡ giám sát công việc Chính phủ. Còn những việc làm, mà chưa làm được thì xin đồng bào nguyên lượng”(8).
GẮN BÓ MẬT THIẾT VỚI NHÂN DÂN
Ngay từ năm 1946, khi trả lời phỏng vấn một nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh đã nói rằng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa”. Suốt cuộc đời Người đều hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc và nhân dân, không ham danh lợi với một lối sống giản dị, khiêm nhường. Người không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là tấm gương mẫu mực về đạo đức và phong cách của người cộng sản để các thế hệ cán bộ, đảng viên noi theo.
Để “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị trở thành nhu cầu tự thân, nền nếp, hơn bao giờ hết, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở (xã, phường, cơ quan, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp...) là nơi trực tiếp thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nơi nhân dân sinh sống, lao động, sản xuất, công tác và học tập cần phải gương mẫu thực hiện việc “xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ” theo chủ đề năm 2019 về “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thống nhất giữa nói và làm, giữa khẩu hiệu và hành động thực tiễn hằng ngày.
Sự suy thoái đạo đức, lối sống của nguyên Đại tá Trần Dụ Châu, Giám đốc Nha quân nhu, Tổng cục Cung cấp (nay là Cục Quân nhu Tổng cục Hậu Cần - Bộ Quốc phòng) với tội danh ăn cắp công quỹ và làm nhiều điều bỉ ổi đã bị xét xử, y án tử hình vào ngày 5-9-1950 tại chiến khu Việt Bắc; những vụ án liên quan đến tham ô, tham nhũng, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng được đưa ra xét xử thời gian gần đây… đã và đang là bài học sâu sắc, là sự cảnh tỉnh với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những có chức quyền trong các cơ quan công quyền.
Tuy thang, bậc, quyền hạn, vị trí công tác của mỗi cán bộ, đảng viên ở cơ sở trong điều hành xử lý công việc hằng ngày khác nhau, song mỗi người đều phải thấm nhuần nguyên tắc đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết; luôn vì lợi ích của nhân dân mà kiên quyết đấu tranh xóa bỏ những vi phạm đến lợi ích chung của nhân dân. Đồng thời, phải nâng cao đạo đức cách mạng, phòng và chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, sự cửa quyền, hách dịch,v.v.. gây mất niềm tin trong nhân dân. Cùng với đó, mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ phải yêu kính nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân mà còn phải khiêm tốn, gần gũi nhân dân, học hỏi nhân dân một cách thật thà, ngay thẳng, cầu thị trên tinh thần không giấu dốt, không giấu khuyết điểm, sai lầm, không được kiêu ngạo, chủ quan... Trong mọi mặt công tác, phải kiên quyết dựa vào nhân dân để không chỉ tiến hành thắng lợi mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn phải “xây trụ sở trong lòng nhân dân”, dựa vào nhân dân để giám sát sự phấn đấu, gương mẫu về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tình thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng và Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Đặc biệt, thấm nhuần lời dặn của Hồ Chí Minh “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”, tại mỗi địa bàn cơ sở, cấp ủy, chính quyền các cấp cần phát huy dân chủ; thực hiện quyền lực của nhân dân và đoàn kết, tập hợp, cổ vũ nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị phải tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, đấu tranh với những tệ nạn quan liêu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm trước tâm tư, nguyện vọng chính đáng, thiết thực của nhân dân; đồng thời, lắng nghe ý kiến góp ý, xây dựng của nhân dân để xứng đáng với vai trò vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân như Hồ Chí Minh mong muốn.
--------------------
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, t.4, tr.51-52, 64.
(3), (4), (5), (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.432, 434, 232, 232, 233.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.5. tr.75.
Ban Tuyên giáo Trung ương