28 Tháng Ba 2024
MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN QUÝ MÃO******Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh !

 
 
 

Đa dạng các hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

05/05/2022 16:39   admin    236 lần

Trải qua hơn 360 năm hình thành và phát triển, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 465 cơ sở tính ngưỡng, gồm: 258 đình, 07 đền, 153 miếu, 02 điện thờ tư gia và 45 loại hình khác (tháp, văn, chỉ, lăng, nhà thờ họ, mộ tướng quân...); trong đó có 06 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 152 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 108 di tích chưa được xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê di tích. Dân số tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 1,269 triệu người với 32 dân tộc đang sinh sống (Kinh, Raglai, Hoa, Ê-đê, Cơ-hơ, một nhóm nhỏ dân tộc Tày, Nùng, Mường, Thái, Chăm, Khmer, Thổ...).

 

Lễ hội Tháp Bà Ponagar hàng năm tại thành phố Nha Trang

thu hút hàng trăm nghìn lượt người dân và khách thập phương về hành lễ

 

     Là vùng đất được hình thành gắn liền với công cuộc khai hoang lập ấp của người Việt theo đoàn quân Nam tiến vào vùng đất Nam Bộ, những lưu dân người Việt đến vùng đất Khánh Hòa từ những năm nửa cuối thế kỷ XVII, tức sau năm 1653 khi chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần cùng Cai cơ Hùng Lộc hầu lập ra 02 phủ Thái Khang và Diên Ninh. Khi đến vùng đất mới này, người Chămpa bản địa nơi đây đã có tín ngưỡng, tôn giáo riêng của mình và cùng với quá trình khai hoang lập làng, quy dân lập ấp, những thiết chế văn hóa truyền thống của người Việt như đình, chùa cũng được xây dựng trên vùng đất mới.

     Do có nhiều cộng đồng dân cư, dân tộc sinh sống bằng nhiều loại hình kinh tế khác nhau nên đời sống tâm linh, tôn giáo của cư dân Khánh Hòa cũng rất phong phú và đa dạng. Ngoài sự tồn tại của các tôn giáo lớn, phần lớn người dân nơi đây còn duy trì các loại hình tín ngưỡng dân gian, lễ hội truyền thống. Tôn giáo, tín ngưỡng giữ một vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, ảnh hưởng, chi phối trực tiếp đến văn hóa, tập quán, cũng như lối sống của người dân.

     Hiện nay, có nhiều loại hình tín ngưỡng khác nhau ở Khánh Hòa, tuy nhiên qua quá trình tiếp biến và hội nhập của các dân tộc đã tạo nên những giá trị văn hóa đồng nhất và chính trong sự đồng nhất đó đã khẳng định đặc tính tâm linh riêng của mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa. Căn cứ vào đặc điểm thờ cúng và sinh hoạt tín ngưỡng, tỉnh Khánh Hòa hiện có các loại hình tín ngưỡng như sau:

     Tín ngưỡng thờ cúng tại gia đình bao gồm thờ cúng ông bà, tổ tiên; thờ các vị thần bảo gia (Quan Công, Thiên Hậu, Cửu Thiên Huyền Nữ, Quan Âm, Linh Sơn Thánh Mẫu...), trong đó tín ngưỡng của người Raglai và một số dân tộc thiểu số khác ở Khánh Hòa còn thờ các vị thần như: Thần Trời, Thần Mặt Trăng, thần các Vì sao, ông thần Sấm, bà thần Sét, ông thần Bão, bà thần Gió Lốc, thần Rẫy...; thờ cúng tổ nghề nghiệp (Lê Hữu Trác - tổ sư ngành y học, Nguyễn Minh Không - tổ nghề đúc đồng, Nguyễn Diệu - tổ nghề dệt...); thờ các danh nhân, anh hùng lịch sử, liệt sĩ cách mạng. Bên cạnh đó, người dân còn nhiều bàn thờ khác trong gia đình như thờ ông Địa, thần Tài, ông Táo, bàn Thiên (tín ngưỡng thời trời đất).

     Tín ngưỡng thờ cúng tại các đình, đền, miếu bao gồm thờ anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa và các tổ nghề. Hầu hết các đình làng ở Khánh Hòa đều thờ các vị tổ nghề, thánh sư, tiên sư của một ngành nghề hoặc các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa được nhân dân tôn kính (Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo...). Hàng năm vào xuân hay mùa thu, lễ cúng đình ở Khánh Hòa cũng là ngày hội hè của các làng, xã với nghi thức cúng tế, rước lễ để tỏ rõ sự mong ước, cầu “quốc thái dân an - mưa thuận gió hòa - dân cư an lạc”, mong cho dân làng khỏe mạnh, bình anh, kinh tế phát triển, đất nước phồn vinh.

 

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại thành phố Nha Trang

 

     Thờ Thành hoàng nông nghiệp là tục thờ cúng của cư dân nông nghiệp nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xóm làng thịnh vượng. Thờ Thành hoàng ngư nghiệp: Từ bao đời nay, ngư dân vùng biển Khánh Hòa có tục thờ Ông Nam Hải (còn gọi là cá Ông, lăng thờ cúng gọi là Lăng Ông) - hiện thân của loài cá voi có thân hình to lớn nhưng tính tình hiền hòa, thường cứu giúp ngư dân mỗi khi bị nạn. Hàng năm vào mùa xuân hoặc mùa thu, ngư dân Khánh Hòa tiến hành nghi thức cúng Ông Nam Hải - còn gọi là Lễ hội Cầu ngư, cầu thần Biển phù hộ độ trì cho sóng yên biển lặng và cho mùa vụ đánh bắt hải mới đầy bội thu.

     Thờ Mẫu là tín ngưỡng Mẫu hệ cò từ xa xưa; bên cạnh việc thờ các vị thần người Việt có nguồn gốc từ phương Bắc như: Liễu Hạnh, Chúa Kho,... người dân Khánh Hòa còn thờ các vị thần của các dân tộc Khmer, Chăm, Hoa, như: Bà chúa Xứ, Thánh Mẫu Thiên Y A Na, Thiên Hậu... Hàng năm, từ ngày 01/3 đến 23/3 Âm lịch, người dân tổ chức Lễ hội Am Chúa (tại Am Chúa, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) và Lễ hội Tháp Bà Ponagar (tại Tháp Bà Ponagar, thành phố Nha Trang) để cầu quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

 

Lễ hội Am Chúa hàng năm tại xã Diên Điền, huyện Diên Khánh

 

     Nhìn chung, hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong thời gian qua được các cơ sở tín ngưỡng đăng ký với chính quyền địa phương và tổ chức theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự tại địa phương. Các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội bước đầu đã gắn kết với hoạt động du lịch, thu hút được sự hưởng ứng, quan tâm tham gia của người dân và du khách. Một số hoạt động tín ngưỡng người dân nhớ về cội nguồn dân tộc, tạo sự gắn kết cộng đồng, mang lại không khí vui tươi, hứng khởi cho người dân khi tham gia. Đối với các cơ sở tín ngưỡng được nhà nước công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, công tác trùng tu, tôn tạo đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí. Hoạt động xây dựng, sửa chữa tôn tạo các cơ sở tín ngưỡng được thực hiện đúng theo các cấp thẩm quyền đồng ý và cấp giấy phép.

     Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai, thực hiện công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, thực hành nghi lễ, lễ hội tại các di tích theo quy định của pháp luật và các văn bản có liên quan. Việc triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo đã góp phần quan trọng trong việc đưa các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tại các di tích đi vào nề nếp, đảm bảo tốt về thuần phong mỹ tục, không có hoạt động tiêu cực, phản cảm. Các địa điểm lớn có hoạt động tín ngưỡng, lễ hội (Tháp Bà Ponagar Nha Trang, Danh thắng Hòn Chồng, Am Chúa....) luôn được bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; khi tổ chức đều có xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể.

     Trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong tín ngưỡng, lễ hội, ngành Văn hóa và Thể thao của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị chức năng, các tổ chức đoàn thể của tỉnh, đảm bảo thông suốt và hiệu quả. Sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng diễn ra tại di tích được đảm bảo đúng với văn hóa truyền thống. Phần lễ đảm bảo trang nghiêm, thành kính; phần hội diễn ra sôi nổi, lành mạnh, thu hút đông đảo cộng động dân cư tham gia.

     Tại các địa phương, quần chúng nhân dân tổ chức lễ hội theo định kỳ và trở thành thông lệ hàng năm (hầu hết các cơ sở tín ngưỡng đều đăng ký chương trình hoạt động với chính quyền địa phương). Đây là dịp để nhân dân khơi lại truyền thống uống nước nhớ nguồn, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn với những người đã có công khai phá đất đai, dựng làng lập ấp; cầu mong các vị thần che chở, ban phúc cho dân làng được an khang, thịnh vượng, mùa màng bội thu. Lễ hội cũng là dịp để nhân dân gặp gỡ, giao lưu góp phần thắt chặt tình đoàn kết xóm làng. Mặt khác, phần lớn công tác tổ chức lễ hội đều do ban quản lý - chủ yếu là các vị hào lão cao tuổi, được kính trọng tại địa phương đứng ra tổ chức nên được đông đảo quần chúng nhân dân tín nhiệm và chấp hành nghiêm túc, không để xảy ra trường hợp tiêu cực nào ảnh hưởng đến việc thực hành nghi lễ tại lễ hội.

     Ở cấp tỉnh công tác quản lý hoạt động tín ngưỡng do Sở Văn hóa và Thể thao phụ trách; cấp huyện do Phòng Văn hóa và Thông tin phân công cho 01 cán bộ phụ trách; cấp xã phân công 01 phó chủ tịch UBND xã chỉ đạo và bố trí 01 cán bộ không chuyên trách phụ trách công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng. Có 345/465 cơ sở tín ngưỡng có ban quản lý, số lượng thành viên ban quản lý từ 10 - 15 người gồm trưởng ban, phó ban, thư ký và thành viên. Các vị trưởng, phó ban đa số là trưởng thôn, người lớn tuổi, có uy tín để chủ động, thuận tiện trong công tác tổ chức hoạt động và quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng, kiến thức về công tác bảo tồn di sản, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao thường xuyên tổ chức tập huấn, tư vấn chuyên môn cho đại diện ban quản lý di tích, các cán bộ quản lý văn hóa cấp huyện, xã; ngoài ra còn phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra di tích. Nhờ đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở Khánh Hòa đã từng bước đi vào đời sống nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

     Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và chính quyền địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức về công tác quản lý đối với tín ngưỡng, do đó công tác giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích còn hạn chế. Nhân sự ban quản lý di tích phần lớn là các cụ cao tuổi, làm việc không lương; việc đào tạo, bồi dưỡng cũng như tìm người am hiểu để thay thế và quản lý các di tích còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, thiếu người kế thừa. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng còn thiếu, kiêm nhiệm nhiều việc, kiến thức chuyên môn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Việc phân định chức năng quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng và quản lý lễ hội tín ngưỡng của 02 ngành Nội vụ và Văn hóa - Thể thao còn gặp nhiều lúng túng. Ngân sách bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các công trình di tích còn hạn chế, đặc biệt là các công trình tín ngưỡng chưa được xếp hạng di tích, nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo không đảm bảo, chủ yếu là từ nguồn xã hội hóa nên công trình ngày xuống cấp.

 

Một tiết mục tín ngưỡng dân gian tại Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa

 

     Nhằm duy trì và phát huy những thành quả đạt được liên quan đến tín ngưỡng, tỉnh Khánh Hòa xác định một số giải pháp trọng tâm trong thời gian đến như sau:

     - Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến tín ngưỡng. Trong đó trọng tâm là Luật Di sản văn hóa; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 06/CT-TTg, ngày 20/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội...

     - Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, không cấp phép tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, kiên quyết không để các hành vi phản cảm, hoạt động mê tín, dị đoan,... xảy ra. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội.

     - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, du khách nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia lễ hội. Sắp xếp các biển nội quy, quy định trong lễ hội tại những địa điểm thích hợp, dễ gây sự chú ý kết hợp với thông báo thường xuyên bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau trên hệ thống loa phóng thanh. Bố trí các nơi hóa vàng và đốt đồ mã ở nơi thích hợp; sắp xếp hòm công đức ở vị trí không gây phản cảm và sử dụng nguồn tiền đúng mục đích, công khai, minh bạch.

     - Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy cán bộ làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo các cấp, tăng cường tập huấn nghiệp vụ thường xuyên, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của cán bộ, công chức.

     Tỉnh Khánh Hòa cũng đã kiến nghị Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng và lễ hội tín ngưỡng; đồng thời hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Theo https://tinhuykhanhhoa.vn

 

Liên kết web









TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH KHÁNH HÒA
Giấy phép: Số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Khánh Hòa cấp ngày 15/01/2018
Trưởng Ban biên tập: Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa
Địa chỉ: Số 02 Ngô Quyền - Thành phố Nha Trang - Tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: 0258.3822955 - 0258.3810311 - Fax: 0258.3810503 - Email: banbientapmtkh@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa" hoặc
"www.mattrankhanhhoa.org.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
franck muller replica watches omega replica watches panerai replica watches patek philippe replica watches Richard Mille Replica Watches IWC Replica Watches Richard Mille Replica Watches Breitling Replica Watches Patek Philippe Replica Watches Rolex Replica Watches