29 Tháng Ba 2024
MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN QUÝ MÃO******Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh !

 
 
 

Giải đáp các vấn đề cử tri quan tâm

07/12/2017 22:20   host    8646 lần

Tại kỳ họp, nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến: công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12 trong lĩnh vực nông nghiệp; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy trình thu hồi đất, giá đền bù đất đai chưa thỏa đáng… đã được cử tri gửi đến kỳ họp. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn lãnh đạo UBND tỉnh, các Ủy viên UBND tỉnh về những vấn đề này.


Khẩn trương khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất nông nghiệp

Ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết:

- Do hậu quả của cơn bão số 12, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh rất lớn, nhiều diện tích hoa màu bị hư hại, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nghiêm trọng; nhiều hệ thống kênh mương thủy lợi bị hư hỏng, bồi lấp. UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các địa phương khẩn trương xác định mức độ thiệt hại, triển khai công tác hỗ trợ cho người dân và khắc phục thiệt hại hệ thống thủy lợi để khôi phục sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

 

- Việc xác định mức độ thiệt hại và hỗ trợ đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã được triển khai như thế nào, thưa ông?


- Để tiến hành công tác hỗ trợ, hiện nay các huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát, thống kê chi tiết và đánh giá mức độ thiệt hại cụ thể về sản xuất nông nghiệp để tiến hành các thủ tục, hồ sơ xét hỗ trợ theo Nghị định 02 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Quyết định số 2229 năm 2017 của UBND tỉnh về mức hỗ trợ cụ thể giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. UBND tỉnh đã chỉ đạo, chậm nhất đến ngày 20-12 phải hoàn thành việc đánh giá, xác định xong mức độ thiệt hại, trên cơ sở đó tỉnh cân đối nguồn lực, xem xét các chính sách hỗ trợ cho người dân khôi phục sản xuất.


Riêng đối với hỗ trợ thiệt hại nuôi trồng thủy sản, khó khăn nhất hiện nay là hầu hết các hộ đều không kê khai ban đầu, nuôi trồng không phù hợp với quy hoạch nên không đủ điều kiện được hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ và Quyết định 2229 của UBND tỉnh. Do đó, UBND tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế đặc thù, hỗ trợ cho các đối tượng này. Hiện nay, các bộ, ngành Trung ương đang xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


- Sau cơn bão số 12, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản muốn tái đầu tư để nuôi lại nhưng gặp khó khăn do Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 chưa được phê duyệt, vấn đề này được UBND tỉnh tháo gỡ như thế nào, thưa ông?


- Đối với quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã xây dựng, hoàn thành quy hoạch, UBND tỉnh dự kiến trình tại kỳ họp lần thứ 5 này, nhưng sau khi rà soát, chưa đảm bảo các thủ tục triển khai xây dựng nghị quyết nên chưa trình. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VI.


Để khắc phục tình hình nuôi trồng thủy sản tự phát và không đúng các yêu cầu về quy trình kỹ thuật, nhất là sau cơn bão 12, UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT khẩn trương phối hợp với các địa phương xác định các khu vực quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, hải sản trong khu vực vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh để người nuôi tái đầu tư cho phù hợp và đảm bảo các điều kiện an toàn cho người nuôi và kỹ thuật lồng bè.


- Sau bão, nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng, bồi lấp, xin ông cho biết công tác khắc phục trong lĩnh vực này?


- UBND tỉnh đã yêu cầu 2 Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam và Bắc Khánh Hòa, các địa phương chủ động triển khai rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại các công trình thủy lợi, tiến hành khắc phục. Trước hết, sử dụng nguồn lực tại chỗ bảo đảm nạo vét, thông nước kịp phục vụ vụ đông xuân 2017 - 2018 và đề xuất nhu cầu sửa chữa, khắc phục hư hỏng để bảo đảm cho các hệ thống công trình thủy lợi vận hành an toàn phục vụ sản xuất.


Hiện nay, Sở NN-PTNT đang tiến hành tổng hợp nhu cầu đầu tư sửa chữa khắc phục hậu quả cơn bão số 12. Trên cơ sở đề xuất của sở, các ngành, địa phương, UBND tỉnh sẽ cân đối, bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục các cơ sở hạ tầng, trong đó có các công trình thủy lợi theo khả năng cân đối ngân sách.


Do nguồn lực hạn chế nên trước mắt, một số dự án sẽ được quan tâm cân đối nguồn vốn để đầu tư như: hệ thống kênh chính Nam hồ chứa nước Cam Ranh đã hư hỏng nặng, nhất là qua địa bàn thị trấn Cam Đức và xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm); thi công công trình hệ thống kênh thủy lợi thuộc dự án Hồ chứa nước Tà Rục (huyện Cam Lâm); đầu tư một phần hệ thống kênh cấp 2 thuộc hệ thống đập dâng Chị Trừ (thị xã Ninh Hòa); hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất 120ha cánh đồng Trảng Găng (huyện Diên Khánh); đầu tư kiên cố kênh mương xả nước hồ Cây Sung, hồ Láng Nhớt (huyện Diên Khánh)…


- Xin cảm ơn ông!

HẢI LĂNG (Thực hiện)

 

-----------------------------------------

 

Kết quả cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khá tích cực


Ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết:

 

- Thời gian qua, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận) đã được UBND tỉnh, chính quyền địa phương từ cấp xã, huyện quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được kết quả khá tích cực. Qua rà soát, tổng diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận trên toàn tỉnh là 334.911,93ha/340.720,92ha, đạt 98,3% tổng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh.

 

 

- Xin ông cho biết một số giải pháp đã được UBND tỉnh triển khai để đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?


- UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết thủ tục, kiện toàn bộ máy quản lý đất đai các cấp, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị công nghệ, dữ liệu địa chính dạng số nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận đảm bảo đúng thời hạn quy định.


Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà của cán bộ, nhân viên trong quá trình thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận.

 
Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận được theo dõi và quản lý quá trình giải quyết trên phần mềm một cửa. Việc chuyển thông tin địa chính về đất đai để xác định nghĩa vụ tài chính đến cơ quan thuế được thực hiện thông qua hồ sơ điện tử. Số lượng hồ sơ cấp Giấy chứng nhận do Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai giải quyết trễ hẹn giảm đáng kể, cụ thể: Văn phòng Đăng ký đất đai tiếp nhận giải quyết 5.347 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn là 0,6%; Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tiếp nhận giải quyết 94.481 hồ sơ, tỷ lệ trễ hẹn là 1,88%.


- Liên quan đến quản lý đất đai, cử tri cho rằng, quy trình thu hồi đất, giá đền bù đất đai của nhiều dự án chưa thỏa đáng, gây bức xúc trong nhân dân, như: dự án Rusalka;  dự án khu hành chính và huấn luyện phòng cháy chữa cháy tỉnh tại xã Phước Đồng… Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?


- Về quy trình thu hồi đất, các dự án cử tri nêu, hầu hết đều nằm trong danh mục các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Như vậy, điều kiện để tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng là dự án phải nằm trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các huyện, thị xã, thành phố đã được UBND tỉnh phê duyệt và nằm trong danh sách các dự án thu hồi đất hàng năm do HĐND tỉnh phê duyệt theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Do đó, về trình tự, thủ tục và các chính sách, chế độ liên quan trong quá trình tổ chức, triển khai công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Nghị định 47 năm 2014 của Chính phủ và Quyết định số 29 năm 2014 của UBND tỉnh.


Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, giá đất để tính bồi thường được xác định là giá đất cụ thể, thông qua 5 phương pháp xác định giá theo quy định tại Nghị định 44 năm 2014 của Chính phủ, Thông tư 36 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ yếu hiện nay thực hiện xác định giá đất cụ thể theo phương pháp so sánh. Trên cơ sở thông tin điều tra tình hình chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường, lựa chọn những thông tin phù hợp, tương đồng để tiến hành các bước xác định giá đất theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay việc thu thập thông tin còn nhiều khó khăn, bất cập, hoặc có thông tin nhưng lại không đảm bảo, phù hợp với mục đích cần xác định giá đất, đồng thời phải đảm bảo hài hòa trong khu vực và giữa các dự án lân cận đang triển khai để so sánh. Vì vậy, việc xác định giá đất cụ thể để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, đối với đất ở phần lớn dự án hiện nay đều thực hiện trên cơ sở lấy giá đất ở cùng vị trí quy định tại Bảng giá đất của tỉnh nhân với hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) do UBND tỉnh ban hành, công bố hàng năm, phù hợp với từng thời điểm xác định giá đất. Riêng đối với dự án Rusalka (nay là dự án Champarama Resort & Spa) tại phường Vĩnh Hòa, hiện UBND TP. Nha Trang đang chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai, rà soát để lập phương án nên UBND tỉnh chưa phê duyệt giá đất để tính bồi thường đối với dự án này.


- Ông có thể cho biết cụ thể hơn về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 1 đến Đầm Môn, bởi người dân huyện Vạn Ninh tỏ ra khá bức xúc với dự án này?


- Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 1 đến Đầm Môn (đường Cổ Mã - Đầm Môn) cũng như các dự án khác thuộc danh mục các dự án Nhà nước phải thu hồi đất đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Cụ thể đối với dự án này, UBND huyện Vạn Ninh căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện đã được phê duyệt, danh mục các dự án cần thu hồi đất đã được HĐND tỉnh thông qua; giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện triển khai thực hiện các bước theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Từ khâu điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, thiết lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất để đảm bảo công tác lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; ban hành quyết định thu hồi đất cũng như tổ chức thực hiện theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được duyệt. Hiện nay, giá đất để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt cụ thể tại Quyết định số 2117 vào tháng 7-2017.


Do đó, trong quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 1 đến Đầm Môn nói riêng và các dự án trên địa bàn tỉnh, nếu người dân cho rằng chưa thỏa đáng hoặc có ý kiến, kiến nghị gì liên quan, đề nghị người dân tiếp tục có ý kiến và đồng hành với các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, bất cập. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan, chính quyền địa phương kịp thời tham mưu, báo cáo để UBND tỉnh chỉ đạo, xem xét giải quyết cho từng trường hợp cụ thể theo đúng quy định pháp luật hiện hành.hưe


- Xin cảm ơn ông

Theo baokhanhhoa.com.vn

 

Liên kết web









TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH KHÁNH HÒA
Giấy phép: Số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Khánh Hòa cấp ngày 15/01/2018
Trưởng Ban biên tập: Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa
Địa chỉ: Số 02 Ngô Quyền - Thành phố Nha Trang - Tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: 0258.3822955 - 0258.3810311 - Fax: 0258.3810503 - Email: banbientapmtkh@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa" hoặc
"www.mattrankhanhhoa.org.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
franck muller replica watches omega replica watches panerai replica watches patek philippe replica watches Richard Mille Replica Watches IWC Replica Watches Richard Mille Replica Watches Breitling Replica Watches Patek Philippe Replica Watches Rolex Replica Watches