Lịch sử nhân loại từ thời cổ đại đến nay đã chứng minh rằng, các thể chế và nhà nước muốn phát triển ổn định và trường tồn thì phải đảm bảo quyền lợi của số đông người dân trong nhà nước đó; hay nói khác đi là phải đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, quyền dân chủ một cách thực tế. Quá trình hình thành và phát triển nhà nước Việt Nam từ trước đến nay cũng đã minh chứng cho điều này và Nhà nước Việt Nam hiện đại hiện nay cũng không phải là một ngoại lệ.
Trong hệ tư tưởng mác-xít và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân bao giờ cũng khẳng định nhân dân là tính thứ nhất trong mọi quan hệ quyền lực. Qua 90 năm lãnh đạo xây dựng Nhà nước và xã hội, Đảng ta đã thể hiện được trí tuệ và bản lĩnh chính trị của mình, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước và vận mệnh của mình. Từ khi thành lập Nhà nước đến nay, Đảng ta luôn lãnh đạo Nhà nước phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đến nay, các quyền dân chủ của nhân dân đã được thể hiện triệt để và tối đa trong Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, trong các tôn chỉ và mục đích hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội.
Thế nhưng, để quyền làm chủ của nhân dân ở nước ta được phát huy một cách tối đa và triệt để như khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển 2011) của Đảng ta:
“Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm.
Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.
Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện” thì cần phải làm gì và làm như thế nào?
Thứ nhất, Đảng, Nhà nước cần tạo lập những cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý để đảm bảo quyền làm chủ thực sự của nhân dân (bằng các văn bản pháp luật cụ thể chứ không nên nói chung chung).
Chẳng hạn: tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, tất cả đều “của dân, do dân, vì dân” thể hiện rất sâu sắc và đầy đủ bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nếu mọi lời nói và hành động đều hướng đến mục tiêu này thì nền dân chủ xã hội chủ nghĩa quả là rất ưu việt. Thế nhưng, ở nước ta thời gian qua, trên thực tế vai trò của nhân dân trong việc tham gia vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội là không nhiều và có phần mờ nhạt; nhiều lúc, nhiều nơi quyền lợi của nhân dân bị xâm phạm mà ít có cơ quan, tổ chức nào lên tiếng bảo vệ, để đến khi bức xúc dâng cao, tạo thành điểm nóng, gây mất ổn định và để lại hậu quả nặng nề; tiếng nói của người dân ít được lưu tâm nên tạo ra một tâm lý tự ti trong nhân dân, người dân ít tham gia đóng góp ý kiến vì nghĩ rằng “có nói cũng chưa chắc được lắng nghe, có nói cũng không thay đổi được tình hình...”. Thế nên, để phát huy dân chủ thì phải luật hóa quyền lợi, nghĩa vụ của công dân trong việc tham gia đóng góp ý kiến, phản biện xã hội, giám sát các công việc của Đảng, Nhà nước và phải luật hóa và có chế tài xử lý những cơ quan và cá nhân có thẩm quyền nhưng chậm hoặc không giải quyết lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người dân, để bức xúc dồn nén và kéo dài, gây bất bình và mất ổn định chính trị - xã hội.
Thứ hai, Đảng cần lãnh đạo Nhà nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin và trách nhiệm giải trước nhân dân về những vấn đề liên quan trực tiếp đến nhân dân, phải dân chủ hóa thông tin bằng cách: tạo lập cơ chế cung cấp thông tin cho người dân một cách minh bạch, rõ ràng, đầy đủ, chính xác. Mọi ý kiến thắc mắc của nhân dân về quyền lợi của họ và lợi ích của đất nước đều phải được các cơ quan công quyền và cá nhân có thẩm quyền giải trình đầy đủ. Nếu giải trình không đúng, không chính xác làm ảnh hưởng và vi phạm quyền lợi của công dân, lợi ích quốc gia thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải trình đó phải chịu trách nhiệm đối với sai phạm của mình; ngoài trách nhiệm về mặt đạo đức và trách về nhiệm chính trị, hành chính thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại về vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Thứ ba, phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp về bảo đảm quyền tự do, quyền con người của mọi công dân. Đây là mục tiêu bao trùm, thể hiện đầy đủ nhất tính chất của nền dân chủ và là một nguyên tắc pháp quyền quan trọng trong xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để thực thi tốt mục tiêu, nguyên tắc này thì Đảng phải lãnh đạo Nhà nước:
Hoàn thiện hệ thống luật pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hướng đến thực hiện một cách thiết thực việc cho phép công dân làm tất cả những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan công quyền thì chỉ làm những gì luật pháp cho phép. Điều này đã được khẳng định lần đầu tiên trong Hiến pháp năm 2013 nhưng chưa được quán triệt một cách đầy đủ và tổ chức thực hiện trên thực tế.
Với những vấn đề trọng đại, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, đến Hiến pháp mà một cá nhân, tập thể không đủ thẩm quyền quyết định hoặc còn gây tranh cãi thì phải trưng cầu ý dân để nhân dân quyết định (Điều 53 Hiến pháp năm 1992, Điều 29 Hiến pháp năm 2013 có quy định điều này và đến năm 2015 đã có Luật trưng cầu ý dân nhưng chưa bao giờ thực hiện trong thực tế).
Thứ tư, Đảng cần lãnh đạo Nhà nước phát huy một cách có hiệu quả quyền dân chủ của nhân dân, cả dân chủ trực tiếp và gián tiếp, nhất là dân chủ trực tiếp.
Quyền dân chủ gián tiếp của nhân dân ở nước ta hiện nay được thực hiện thông qua bầu cử đại biểu vào các cơ quan đại diện của nhân dân ở Trung ương và địa phương, đó là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp (3 cấp). Thông qua các đại biểu của nhân dân, người dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình và các đại biểu này có trách nhiệm phản ánh ý kiến của người dân đến các các cơ quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương, sau khi các cơ quan này trả lời thì đại biểu truyền đạt lại cho cử tri biết. Như vậy, hình thức dân chủ gián tiếp này được thực hiện qua trung gian là người đại biểu do cử tri bầu ra. Khách quan mà nói thì với hình thức dân chủ gián tiếp này phần nào đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần tạo nên sự ổn định trong đời sống chính trị - xã hội nước ta thời gian qua. Thế nhưng bên cạnh đó nó cũng chứa đựng nhiều bất cập, mâu thuẫn, mang tính hình thức. Để khắc phục những hạn chế của mô hình này thì cần có sự nghiên cứu sâu hơn và mang tính hệ thống hơn. Từ thực tế hiện nay, cần:
Thực hiện thí điểm và tiến tới bỏ tổ chức cơ quan Hội đồng nhân dân ở một số cấp. Nếu muốn duy trì cơ quan này thì cần tổ chức lại cho phù hợp hơn, tránh tính hình thức và “ít” thực quyền như hiện nay. Trong thực tế thì chúng ta đã thí điểm bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2009-2016, nhưng từ 2016 đến nay đã tái lập lại nhưng mô hình tổ chức và hoạt động vẫn không nhiều thay đổi nên vẫn chưa khắc phục được những hạn chế cố hữu bấy lâu nay của Hội đồng nhân dân ở một số cấp và một số địa phương.
Đảng cần lãnh đạo mở rộng hình thức nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) và cấp cao hơn (ở những nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân) theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, cạnh tranh tự do, có số dư... để chọn ra người mà nhân dân tin tưởng đủ đức, đủ tài phụng sự nhân dân, làm công bộc cho dân.
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cần xem đây là nội dung trọng tâm phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân để từ đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tối đa quyền làm chủ của mình, tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực, tạo nên phong trào dân chủ rộng lớn trong toàn dân và toàn xã hội.
Dân chủ và việc phát huy tối đa dân chủ trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là nhiệm vụ mang tính sống còn của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Thống nhất quan điểm “quyền lực thuộc về nhân dân” của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, để phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, Đảng ta cần lãnh đạo Nhà nước thực hiện tốt nguyên tắc và phương châm: “tất cả mọi quyền bính đều thuộc về nhân dân”, “nhân dân là tính thứ nhất”, “nhân dân là trên hết”, “có nhân dân là có tất cả, mất nhân dân là mất tất cả”…
TS Ngô Khắc Sơn
Khoa Chính trị học và quan hệ quốc tế
Học viện Chính trị khu vực III.
Theo Báo Khánh Hòa